Nhãn hiệu - Chìa khóa nâng tầm thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế
Hội thảo được tổ chức bởi Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) phối hợp với Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA) cùng Viện Phát triển Doanh nghiệp – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nhãn hiệu và thương hiệu, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Ngọc Mai)
Phát biểu tại lễ khai mạc, Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, cho rằng, tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần kết nối và nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời nhấn mạnh sự thay đổi về nội dung lẫn hình thức của các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, bao gồm dịch vụ xác lập quyền và thực thi quyền ở các doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước.
Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI), cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nhãn hiệu không chỉ là công cụ nhận diện mà còn là phương tiện khẳng định vị thế doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Từ 30 doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia vào năm 2018, Việt Nam đã nhảy vọt lên 190 thương hiệu vào năm 2024, với những thương hiệu ghi dấu ấn như VinFast, Vinamilk, Viettel, FPT...
Ông Chia Eu Jin, Walter, Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Ông Lương Minh Huân phát biểu khai mạc hội thảo (lần lượt từ trái qua phải) (Ảnh: Ngọc Mai)
Theo công bố mới nhất của Tổ chức Tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam xếp thứ 32 trong số 193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu mạnh nhất giai đoạn 2019-2022.
Trong bài phát biểu về tầm quan trọng của nhãn hiệu và thương hiệu đối với tăng trưởng thương mại, bà Zaheera Binte Hashim, Giám đốc kiêm Trợ lý Tổng cố vấn của Procter & Gamble (P&G), chia sẻ rằng giá trị tài sản vô hình của công ty đạt 53 tỷ USD, chủ yếu nhờ danh tiếng từ nhãn hiệu, bằng sáng chế, thiết kế, bản quyền, tác quyền. P&G hiện sở hữu hơn 77.000 nhãn hiệu đã đăng ký trên toàn thế giới, cho thấy vai trò của nhãn hiệu trong việc định vị sản phẩm và thu hút khách hàng.
Bà Zaheera Binte Hashim phát biểu về tầm quan trọng của nhãn hiệu và thương hiệu đối với tăng trưởng thương mại (Ảnh: Ngọc Mai)
Nhà sáng chế Lưu Hải Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Nhật Hải (OIC NEW), chia sẻ hành trình đưa sản phẩm nano của công ty lên sàn Amazon Mỹ. Là một doanh nghiệp khoa học-công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải đang khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế thông qua các sản phẩm ứng dụng công nghệ nano. Thành lập năm 2009, công ty đã dành 7 năm đầu tiên tập trung vào nghiên cứu và phát triển mà không tạo ra doanh thu. Sáng chế đầu tiên của công ty, nano curcumin, đã mở ra bước tiến lớn khi được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.
Ông Lưu Hải Minh nhấn mạnh rằng nhãn hiệu là yếu tố quyết định để bảo vệ quyền lợi và khẳng định vị thế của sản phẩm trong thương mại quốc tế.
Nhà sáng chế Lưu Hải Minh chia sẻ hành trình đưa sản phẩm nano của công ty lên sàn Amazon Mỹ (Ảnh: Ngọc Mai)
Theo ông Đinh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD), hội thảo này là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nhãn hiệu và thương hiệu, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhãn hiệu không chỉ là công cụ nhận diện mà còn là tài sản chiến lược, góp phần tăng giá trị thương mại và vị thế trên thị trường quốc tế. Đồng thời, các thảo luận chuyên sâu từ chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ cung cấp cho doanh nghiệp những góc nhìn mới về việc bảo vệ quyền lợi sở hữu trí tuệ trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Ông cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp nên chủ động tham gia các phiên thảo luận để hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển và cách bảo vệ thương hiệu trong môi trường số. Ngoài ra, việc hợp tác với các hiệp hội như INTA sẽ mang lại cơ hội học hỏi và kết nối quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu dài hạn thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn.
Sự kiện không chỉ là diễn đàn trao đổi kiến thức mà còn góp phần thúc đẩy ý thức cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ và khai thác tối đa giá trị từ nhãn hiệu - tài sản chiến lược giúp doanh nghiệp vươn xa trên thị trường toàn cầu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.