Trao 1674 suất quà cho các gia đình chính sách tại huyện Tân Sơn, Phú Thọ
Tân Sơn là một huyện miền núi ở phía Tây Nam thuộc tỉnh Phú Thọ. Đây là huyện có điều kiện khó khăn nhất tỉnh Phú Thọ, phần lớn các xã trong huyện đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II. Thu nhập của người dân chủ yếu từ việc canh tác nông – lâm nghiệp. Ở đây, dân cư tập chung thưa thớt, đa số là dân tộc thiểu số, trong đố dân tộc Mường chiếm tới 75%.
Tuy còn nhiều khó khăn về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, vốn đầu tư song Đảng ủy huyện Tân Sơn luôn làm tốt công tác định hướng “khởi nghiệp, lập nghiệp” cho lớp thanh niên. Có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển. Các mô hình đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp một phần trong thực hiện mục tiêu quốc gia “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” của huyện.
Tại nơi đây nổi tiếng với du lịch sinh thái với điểm đến là Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Đây là khu du lịch thu hút nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ thích khám phá, chinh phục thiên nhiên, muốn thử cảm giác “băng rừng, lội suối”. Vườn Quốc gia Xuân Sơn đây chính là “đòn bẩy” mạnh mẽ giúp cho huyện Tân Sơn vượt qua khó khăn, làm giàu chính đáng từ quê hương mình. Bên cạnh việc “thay da đổi thịt”, phát triển mạnh về kinh tế, du lịch; Đảng ủy, UBND huyện Tân Sơn có những đóng góp lớn trong công tác an sinh – xã hội, xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc cho người dân.
Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Tân Sơn luôn được chú trọng tu sửa, cải tạo, hương khói trong những dịp đặc biệt.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm ác liệt để bảo vệ Tổ quốc, đó là kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Tân Sơn đã tiễn biết bao người con lên đường đi chiến đấu. Trong lớp thanh niên ấy, có người may mắn được trở về sum vầy bên gia đình; có người “mãi mãi tuổi hai mươi” nơi chiến trường nắng gió, nguyện hy sinh để bảo vệ bình yên cho đất nước. Cũng có người chiến sĩ trở về mang trong mình vô vàn vết thương do chiến tranh gây ra.
Thấu hiểu những đau thương đóng góp to lớn của những người chiến sỹ, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND huyện Tân Sơn luôn nỗ lực hết sức trong công tác đền ơn đáp nghĩa và chính sách về người có công. Đây là chuỗi hoạt động ý nghĩa, nhân văn, có sức lan tỏa lớn đối với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ tuổi trẻ. Giúp lớp thanh niên hiểu được giá trị của độc lập tự do; hiểu được những mất mát lớn lao. Từ đó, rèn luyện ý chí kiên cường, gan dạ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Huyện ủy đã trao 1.529 suất quà trị giá 182 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn kêu gọi các nhà hảo tâm, các đơn vị, tổ chức ủng hộ thêm 203 suất quà ý nghĩa trị giá 31,150 triệu đồng.
Nhân Kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7/2020, huyện Tân Sơn đã trao tổng cộng 1.674 suất quà cho các diện chính sách: người có công với cách mạng, thương bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng, người bị nhiễm chất độc màu da cam… Số quà được trích từ ngân sách cấp huyện và nguồn hỗ trợ khác.
Không chỉ dừng lại ở việc trao quà tri ân trong các dịp đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của ông Tạ Ngọc Yến – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, nhiều ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng khang trang, hỗ trợ người dân. Năm 2019, hỗ trợ xây 01 ngôi nhà từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và sự ủng hộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện với số tiền hỗ trợ là 40 triệu đồng. Năm 2020, hỗ trợ xây 01 ngôi nhà theo Chương trình của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ với số tiền là 80 triệu đồng. Tiến hành sửa chữa nhà bia ghi danh Liệt sỹ tại xã Xuân Đài; sửa chữa, tu bổ Nghĩa trang Liệt sỹ của huyện từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách của huyện và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện.
Ông Tạ Ngọc Yến – Chủ tịch huyện Tân Sơn (Phú Thọ) luôn chú trọng đến công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây.
Ông Tạ Ngọc Yến có chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Hòa nhập: “Để có được nền độc lập như ngày nay, phải đánh đổi biết bao nhiêu xương máu của thế hệ cha anh đi trước. Vì vậy, công tác đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả chiến tranh được huyện Tân Sơn chú trọng hàng đầu và thực hiện tốt. Chúng tôi mong muốn xoa dịu nỗi đau mất mat do chiến tranh gây ra”.
Về một số giải pháp huyện ủy đã triển khai tốt trong công tác đền ơn đáp nghĩa, ông Hoàng Mạnh Hùng – Trưởng phòng Lao động Thương binh – Xã hội cho biết đã tích cực tham mưu với lãnh đạo để thực hiện tốt chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công; nâng cao ý thức phục vụ nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ đối với đối tượng chính sách, người có công. Phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, tri ân các gia đình người có công, vận động ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa.
Ông Hoàng Mạnh Hùng – Trưởng phòng Lao động Thương binh – Xã hội chia sẻ hướng phát triển trong thời gian tới.
Huyện Tân Sơn cũng có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong công tác đền ơn đáp nghĩa và chính sách người có công như: tăng cường công tác chỉ đạo các địa phương, vận động các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng vươn lên thoát nghèo. Thực hiện kịp thời các chính sách đối với người có công để làm tốt công tác an sinh – xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.