Khẳng định những giá trị mới trong đời sống văn học nghệ thuật Thái Nguyên

2023-12-30 22:09:40 0 Bình luận
Chiều 29/12/2023 tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật giai đoạn 2017- 2021. Với 70 tác phẩm/nhóm tác phẩm/công trình đạt giải, có thể nói Giải thưởng lần này đã thể hiện sự tôn vinh và khẳng định những giá trị mới trong đời sống văn học nghệ thuật Thái Nguyên, từng bước đáp ứng nhu cầu thưởng thức và ứng dụng văn học nghệ thuật vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Thái Nguyên.

Lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật giai đoạn 2017- 2021.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1992. Sau đó được tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần, trở thành một trong những Giải thưởng truyền thống ở lĩnh vực văn học nghệ thuật của tỉnh.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 là giải thưởng lần thứ 7 được tổ chức trong vòng 31 năm qua; nhằm tôn vinh, lưu giữ, quảng bá các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật của tập thể, cá nhân có giá trị, chất lượng đã được công bố, được khẳng định qua thời gian và công chúng đánh giá cao; tôn vinh các giá trị sáng tạo của văn nghệ sĩ Thái Nguyên trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.

Theo Ban Tổ chức: Tháng 6/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết về nội dung, mức chi Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh. Theo đó Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021 có nhiều điểm mới về quy mô, phạm vi, cơ cấu, giá trị các giải thưởng; huy động nhiều tác giả, nhóm tác giả ở khắp mọi miền tổ quốc và ở nước ngoài có tác phẩm viết về Thái Nguyên.

Sau gần 1 tháng công bố, từ 01/7/2023 đến ngày 28/7/2023 Ban tổ chức nhận được 204 tác phẩm các tác phẩm, nhóm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật đề nghị xét tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật gửi hồ sơ về.

Hội đồng Giám khảo các cấp của 11 chuyên ngành đã phân tích, đánh giá, chấm điểm, so sánh một cách hợp lý, khoa học, khách quan và đề nghị 70 tác phẩm/nhóm tác phẩm/công trình đạt giải. Cụ thể bộ Giải thưởng gồm 09 giải A, 18 giải B, 21 giải C và 22 giải Khuyến khích.

Các lĩnh vực xét giải thưởng bao gồm: Văn xuôi; Thơ; Lý luận phê bình văn học; Sân khấu; Âm nhạc; Điện ảnh – Truyền hình; Múa; Nhiếp ảnh; Mỹ thuật;  Kiến trúc; Văn nghệ dân gian.

Đáng lưu ý có nhiều tác giả, nhóm tác giả đạt giải ở nhiều chuyên ngành, lĩnh vực.

Tác phẩm đạt Giải Nhì trong Chuyên ngành Kiến trúc

Những giá trị mới

Theo bà Nguyễn Thúy Quỳnh- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên- Phó Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng: Giải thưởng lần này có số lượng tác giả, tác phẩm tham dự lớn nhất từ trước tới nay. Các tác phẩm đoạt giải thưởng đã đáp ứng yêu cầu của Giải thưởng, đó là  “mang tính chân thực, dân tộc, nhân văn và tính giáo dục sâu sắc, phù hợp với văn hóa người Việt Nam; có tính sáng tạo, giá trị thẩm mĩ cao, có sự tìm tòi và những phát hiện mới, có tính hiện đại song vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc”.

Cảm hứng và đề tài chủ đạo là quê hương, con người Thái Nguyên, có sự mở rộng biên độ sang những vùng không gian và đề tài khác mà Giải thưởng cho phép. Thành tựu chung là các tác phẩm đoạt giải đã phản ánh được hiện thực sinh động của cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại; khai thác các mảng đề tài truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng cùng với những đề tài đương đại bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng của từng chuyên ngành.

Ở chuyên ngành Âm nhạc: Nhìn chung đại đa số các tác phẩm tập trung phản ánh về đời sống văn hóa, cảnh sắc, ký ức, con người và sự vươn lên không ngừng của Thái Nguyên xưa và nay. Thể hiện được tình cảm của các nhạc sĩ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến như Đại đội thanh niên xung phong 915, với đất nước, biển đảo và niềm tự hào với Thủ đô gió ngàn truyền thống và hiện đại. Nhiều các tác phẩm thiên về phong cách trữ tình, ngợi ca, có những tìm tòi đáng trân trọng trong xây dựng cấu trúc và giai điệu tác phẩm; ca từ thường nêu bật đươc cảm xúc của tác giả với những khía cạnh, khoảnh khắc, sắc thái và kỷ niệm đẹp những vùng quê Thái Nguyên, với đặc sản đất chè. Bên cạnh đó là một số tác phẩm với phong cách nhạc nhẹ, sôi động, phản ánh không khí trẻ trung, phát triển hiện đại đạt hiệu quả âm nhạc khá tốt.


Các chuyến đi đã thực sự hữu ích đối với các văn nghệ sĩ, tạo nguồn cảm hứng cho những đam mê sáng tạo.

Trong chuyên ngành Múa: Ba tác giả dự thi (Nguyễn Công Phương, Hoàng Thiện Thực, Trần Tú Nam) đã đóng góp cho sự hiện diện của chuyên ngành Múa trong Giải thưởng kỳ này. Nhóm tác phẩm đoạt giải là những thành công mới trong nỗ lực phát triển dòng múa đương đại khai thác chất liệu dân gian các dân tộc Việt Bắc, làm giàu nền nghệ thuật múa của tỉnh Thái Nguyên.

Ở chuyên ngành Thơ: Giải thưởng quy tụ một vùng thơ tương đối phong phú đề tài và giọng điệu, có nội dung và nghệ thuật thể hiện tương đối tốt. Một số tác giả có tìm tòi ấn tượng về giọng điệu, nổi trội là Nguyễn Nhật Huy, Doãn Long. Có chiều sâu suy tư, trách nhiệm xã hội và công dân cao. Thể thơ truyền thống là chủ đạo, có một số tác giả sử dụng thể lục bát và ngũ ngôn khá nhuần nhuyễn.

Trong khi đó, chuyên ngành Văn xuôi quy tụ khá đông đảo tác giả tham gia. Cùng với những cây bút khá quen thuộc với bạn đọc Thái Nguyên như Hồ Thủy Giang, Bùi Thị Như Lan, Phạm Đức, Ngọc Thị Kẹo… văn xuôi Thái Nguyên đã xuất hiện một số cây bút mới, sung sức, đầy triển vọng như Phan Thái, Hoàng Thị Hiền, Trinh Nguyên.

Về tác phẩm, bên cạnh số đông tác phẩm mang hơi thở nóng hổi của đời sống và con người Thái Nguyên đương đại, thì sự xuất hiện của các tác phẩm về đề tài lịch sử là một điểm sáng đáng ghi nhận và trân trọng.

Đề tài đất và người Thái Nguyên tiếp tục được khai thác kỹ lưỡng. Đó là những câu chuyện về nông nghiệp nông thôn, miền núi trong công cuộc đổi mới, những va đập biến cải từ đời sống đến phận người. Tuy chưa có những đột phá về thi pháp nhưng những nỗ lực phản ánh đời sống đa diện và sinh động, qua đó bày tỏ sự hướng thiện sâu sắc là những thành công của văn xuôi trong bộ giải lần này.

Nét mới trong Giải thưởng lần này là sự tham gia của tác giả, tác phẩm dịch thuật (tiểu thuyết) với sự khẳng định rõ nét về chất lượng.

Trong chuyên ngành Lý luận phê bình có 7 tác giả/nhóm tác giả tham gia và đoạt giải, làm nên một bộ giải khá phong phú: có công trình nghiên cứu công phu kỹ lưỡng về một đề tài hẹp; có công trình nghiên cứu ở phạm vi rộng, có tính đương đại cao; hoặc gắn việc ứng dụng khoa học văn học vào nghiên cứu văn học địa phương, vào thẩm bình tác phẩm cụ thể. Bộ giải đã phản ánh sự đa dạng và đồng hành với đời sống văn học của công tác nghiên cứu lý luận phê bình văn học ở Thái Nguyên.

Với chuyên ngành Điện ảnh - Truyền hình: Các tác phẩm dự giải bằng các kịch bản tốt, đề tài tốt, hàm lượng tri thức cao, được dàn dựng, tổ chức sản xuất công phu, đã tham góp tích cực vào việc khẳng định và lưu giữ các giá trị lịch sử, cách mạng và văn hóa của quê hương Thái Nguyên; với những thành công nhất định về nghệ thuật. Tiêu biểu như nhóm tác phẩm Thái Nguyên biết mấy tự hào; Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng nhân dân, Ba người đàn bà câm (Nhóm tác giả do bà Phạm Thu Trà đại diện).

Chuyên ngành Kiến trúc: Thể loại tác phẩm dự giải khá phong phú và đa dạng, từ các đồ án quy hoạch đến các công trình công sở, nhà ở các loại … Các tác giả đã cố gắng đổi mới ngôn ngữ kiến trúc trong thiết kế công trình, xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc thân thiện với môi trường đã hiện dần trong các công trình. Những công trình tiêu biểu đã đi vào đời sống tạo ra những dấu ấn mới trong quy hoạch - kiến trúc Thái Nguyên như: Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên, Tòa nhà chung cư TNG Village, Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Cây Bòng (xã La Hiên, huyện Võ Nhai), Trung tâm viễn thông công nghệ thông tin và kinh doanh VNPT Thái Nguyên, …

Chuyên ngành Văn nghệ dân gian: Bộ giải là sự ghi nhận những nỗ lực đáng kể về tinh thần khoa học, tâm huyết của các tác giả và nhóm tác giả, thể hiện trên từng tác phẩm, trong việc khảo cứu, lưu giữ, bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chuyên ngành Mỹ thuật: Các tác phẩm dự giải thuộc loại hình hội họa và đồ họa, có chất lượng tương đối đồng đều; bám sát hiện thực đời sống trong đó chủ yếu là đời sống đồng bào miền núi vùng cao; khá đa dạng về phong cách, vừa khai thác được các giá trị của nghệ thuật tạo hình truyền thống vừa vận dụng được ngôn ngữ hội họa hiện đại....

Đáng chú ý là bên cạnh những tên tuổi quen thuộc qua các kỳ giải thưởng như Dương Văn Chung, Nguyễn Gia Bảy, Lê Quang Thái,… đã có sự xuất hiện của một lớp tác giả trẻ, mới như Hoàng Minh Đức, Trịnh Ngọc Hà, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Quang Minh, Đào Anh Tuấn… qua đó cho thấy mỹ thuật Thái Nguyên có bước phát triển cả về đội ngũ và chuyên môn. Một số tác phẩm cho thấy các tác giả đã có sự bứt phá trong cách thức thể hiện, tạo dựng phong cách riêng. Không chỉ có vậy, Giải thưởng lần này còn thu hút sự góp mặt của cả tác giả ngoài tỉnh, với những sáng tác ấn tượng về Thái Nguyên, góp phần làm nên diện mạo phong phú của bộ Giải thưởng.

Chuyên ngành Nhiếp ảnh: Điểm nổi bật của bộ giải lần này là sự đầy đủ của các thể loại tham dự: nhóm ảnh đơn, ảnh bộ, sách ảnh, tập sách phê bình nhiếp ảnh.

Các tác giả dự giải bám sát Thể lệ, có nhiều sáng tạo trong cách thể hiện, phản ánh được những nét đặc sắc về cuộc sống lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân các dân tộc. Đáng chú ý, những góc máy thú vị, sáng tạo về đề tài công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa trong công cuộc đổi mới và hội nhập trên quê hương Thái Nguyên đã đem lại những cảm xúc tươi mới cho công chúng.

Đặc biệt, sự xuất hiện và khẳng định vững chắc giá trị của tập sách phê bình, tiểu luận Tiêu điểm thời gian của NSNA Vũ Kim Khoa - một tác phẩm hiếm hoi về phê bình nhiếp ảnh của Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung - đã cho thấy sự ý thức cao độ về chuyên môn cũng như sự phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu của nền nhiếp ảnh Thái Nguyên.

Chuyên ngành Sân khấu: Là một bước tiến mới của Giải thưởng về lĩnh vực này. Nếu như Giải thưởng giai đoạn 2012 - 2016 không có tác phẩm dự giải, thì giải lần này có đã tác phẩm tham dự giải. Dù chỉ có 01 tác phẩm, song chuyên ngành Sân khấu cũng đã góp phần quan trọng làm nên chất lượng bộ Giải thưởng. Vở chèo “Huyền thoại sông và núi” (nhóm tác giả thuộc Bộ phận Sân khấu chèo - Trung tâm Văn hoá, Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) là tác phẩm được đánh giá có tư tưởng sáng rõ, ý nghĩa nội dung sâu sắc, giá trị nghệ thuật cao.

Đến nay Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên đã chính thức được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi.

Nỗ lực không ngừng

Với những nỗ lực của cơ quan thường trực Giải thưởng cùng sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan, đơn vị hữu quan, sau 6 kỳ tổ chức Giải thưởng trong hơn 30 năm, đến nay Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên đã chính thức được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi (tháng 6/2023). Đây thực sự là một sự kiện hết sức ý nghĩa, phù hợp với yêu cầu của pháp luật và thực tiễn, có tác dụng quan trọng trong việc trân trọng, ghi nhận những thành quả lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Cũng theo Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên: Mặc dù còn một số hạn chế như: công tác chấm giải còn chậm trễ, chưa có những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, vượt trội về giá trị sáng tạo hoặc có tầm ảnh hưởng lớn đối với công chúng, thiếu hụt các tài năng lớn, một số chuyên ngành chưa có giải cao nhất…nhưng kết quả Giải thưởng đã thể hiện sự tôn vinh và khẳng định những giá trị mới trong đời sống văn học nghệ thuật Thái Nguyên, từng bước đáp ứng nhu cầu thưởng thức và ứng dụng văn học nghệ thuật vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Thái Nguyên.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51
Đang tải...