Khởi động dự án phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho sinh viên khuyết tật
Toàn cảnh buổi khởi động dự án
Chia sẻ tại buổi khởi động dự án, bạn Nguyễn Diệu Linh- Chủ nhiệm CLB và cũng là người sáng lập dự án chia sẻ: "Nhiều thành viên trong CLB đã phải trải qua những nỗi đau từ bạo lực thể xác, tinh thần, đến xâm hại tình dục. Điều này không chỉ làm tổn thương cá nhân mà còn để lại những rào cản vô hình khiến họ khó hòa nhập xã hội. Với dự án này, chúng tôi mong muốn giúp các bạn trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và lan tỏa giá trị tích cực."
Theo khảo sát ban đầu, có tới 20% thành viên CLB từng là nạn nhân của xâm hại tình dục và hơn một nửa phải đối mặt với các hình thức bạo lực khác nhau. Thực trạng này đòi hỏi một giải pháp mạnh mẽ và bền vững để thay đổi nhận thức trong cộng đồng.
Cũng theo Nguyễn Diệu Linh Dự án bao gồm nhiều hoạt động thiết thực, tập trung vào nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng:
Khóa tập huấn TOT (Training of Trainers): Diễn ra trong 3 buổi, khóa học cung cấp kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới và cách phòng tránh, ứng phó với bạo lực. Đặc biệt, khóa học hướng dẫn kỹ năng tổ chức các chương trình truyền thông cộng đồng.
Xây dựng bộ tài liệu phòng chống bạo lực trên cơ sở giới: Bộ tài liệu chuyên sâu này sẽ hỗ trợ học viên trong việc tiếp cận thông tin và nâng cao hiệu quả truyền thông.
Hoạt động truyền thông tại Trung tâm Khiếm thị RB: Tuyên truyền và đào tạo cho 60 học sinh khiếm thị cách nhận diện và đối phó với các hình thức bạo lực.
Cuộc thi viết bài online: Chủ đề về bạo lực gia đình, nhằm tạo diễn đàn trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tinh thần và tăng cường sự đoàn kết.
Bạn Nguyễn Diệu Linh cũng bày tỏ: "Đây không chỉ là một dự án mà còn là lời khẳng định rằng mỗi cá nhân, dù ở hoàn cảnh nào, đều có quyền được sống an toàn và hạnh phúc. Tôi hy vọng rằng những kiến thức mà các học viên tiếp nhận hôm nay sẽ trở thành hành trang để họ tự tin bảo vệ bản thân và giúp đỡ những người xung quanh."
Lương Tuấn Cường -sinh viên khiếm thị tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tâm sự: "Trước đây, tôi từng gặp khó khăn khi phải đối diện với những định kiến và lời nói miệt thị. Khóa tập huấn này không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp tôi học cách truyền đạt lại cho bạn bè, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng."
Dự án thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ khuyết tật
Trịnh Hồng Ánh - sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, cho biết: "Là một người khiếm thị, tôi hiểu rõ áp lực từ sự phân biệt đối xử. Tham gia dự án, tôi cảm thấy mình không đơn độc và có thêm động lực để lan tỏa những điều tích cực."
Các buổi tập huấn còn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành:
TS. Vũ Thanh Trà: Chuyên gia tâm lý, giảng viên ĐH Thái Nguyên, mang đến những kiến thức bổ ích về giáo dục hòa nhập và sức khỏe sinh sản vị thành niên.
TS. Trần Thị Thu Hiền: Phó trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ nhóm yếu thế.
Dự án không chỉ hướng đến việc hỗ trợ sinh viên khuyết tật mà còn kêu gọi sự quan tâm và đồng hành từ xã hội. Những nỗ lực này là minh chứng rõ ràng rằng khi được trao cơ hội, người khuyết tật có thể trở thành những nhân tố tích cực, góp phần thay đổi nhận thức và hành động trong cộng đồng.
Một số hình ảnh buổi khởi động dự án:
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.