“Không để những điểm cao này mãi hoang vắng”

2020-09-22 11:14:41 0 Bình luận
Đó là câu nói và cũng là sự giãi bày trăn trở của Trung tướng Khuất Duy Tiến (nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 –Người đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh), Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại Đoàn Đồng Bằng - Sư Đoàn 320 (sau đây viết tắt là BLL Sư đoàn 320) tại Hà Nội với các thành viên trong BLL về ý định xây dựng nhà bia tri ân các anh hùng liệt sỹ (AHLS) đã hy sinh ở điểm cao 1015 (Charlie)-1049 (Delta) trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Tây Nguyên.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chụp ảnh lưu niệm trong ngày khánh thành Bia Di tích lịch sử Chư Bồ-Đức Cơ

Chiến binh Lê Mạnh Hải, Trưởng BLL Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh tâm sự, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1976, BLL Sư đoàn 320 thành lập đội tìm kiếm hài cốt liệt sỹ đã hy sinh ở điểm cao 1015-1049 và các điểm cao khác.

 Tháng 8/2017, BLL Sư đoàn 320 đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum và chính quyền địa phương, đề đạt nguyện vọng xây dựng nhà bia tri ân đồng đội ở điểm cao 1015-1049.

Được sự nhất trí của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum và lãnh đạo chính quyền, nhân dân huyện Sa Thầy, BLL Sư đoàn 320 tiến hành các công việc xây dựng nhà bia. Để thực hiện tâm nguyện xây dựng nhà bia tri ân đồng đội, BLL đã thành lập Ban chiến tích chiến trường do Đại tá Nguyễn Thế Tân (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320) làm trưởng ban, tổ chức thực hiện.

Ban chiến tích chiến trường tiến hành các thủ tục xây dựng nhà bia, quyết định lấy bia đá được chế tác từ đá nguyên khối ở mỏ đá xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, đá được chuyển về làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống lâu đời Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình để các nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm, tay nghề cao chế tác, tạo ra những hoa văn độc đáo. Tiếp đó, bia được chuyển về thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An để khắc văn bia.

Ngày 24/11/2017, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, bên bờ sông Lam, dưới chân núi Dũng Quyết - vùng đất linh thiêng, nơi có đền thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ,  BLL Sư đoàn 320  cùng các chiến binh Sư đoàn đã tổ chức lễ dâng bia, chuyển bia di tích lịch sử điểm cao 1015 (nay thuộc địa phận xã Rờ Kơi) - 1049 (thuộc địa phận xã Hơ Moong) vào huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum.

Sau khi nghe Chiến binh Lê Mạnh Hải gọi điện thông báo tinh thần và quyết tâm của anh em chiến binh Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ trực tiếp vào xây dựng nhà bia tại 2 điểm cao 1015-1049, thì Trung tướng Khuất Duy Tiến giọng bùi ngùi, qua điện thoại ông nói: “Hải ơi mình xúc động lắm! Mình không biết nói gì hơn là gửi lời cảm ơn tất cả anh em chiến binh Nghệ An - Hà Tĩnh. Nhưng Hải à, anh em tuổi đã cao, sức yếu liệu có đủ sức khỏe để vào trong đó làm những việc to lớn này? Qua cậu cho tôi một lần nữa gửi lời chúc sức khỏe và thắng lợi tới anh em. Cậu lưu ý nếu tổ chức cho anh em đi thì phải quan tâm, chăm lo đời sống sinh hoạt của anh em, đặc biệt phải chú trọng công tác đảm bảo an toàn, xuất quân chiến thắng, nhưng phải thật an toàn thì đó mới là niềm hạnh phúc và việc tri ân đồng đội của chúng ta mới có ý nghĩa trọn vẹn. Mình sẽ giao anh Tân và các đồng chí trong Ban chiến tích chiến trường vào Nghệ An để gặp gỡ, động viên anh em trước lúc lên đường”.

Những người lính tóc bạc lưng còng trở về chiến trường xưa tri ân đồng đội

Ngày 20 - 22/12/2017, BLL Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh chăm lo công tác hậu cần cho toàn bộ anh em chuẩn bị lên đường như: quần áo tư trang, lương thực thực phẩm, thuốc men....

Ngày 23/12/2017, trong buổi lễ xuất quân vào xây dựng nhà bia, dưới sự chủ trì của Đại tá Nguyễn Thế Tân - Phó trưởng BLL Sư đoàn 320, trưởng ban chiến tích chiến trường cùng Đại tá Phạm Sỹ Độ, Đại tá Đào Xuân Sy, nhiều chiến binh bày tỏ tâm nguyện xung phong đi nhưng vì nhiệm vụ đợt 1 chưa có nhu cầu lớn nên ban tổ chức đã chốt lại quân số 28 đồng chí đã được ghi danh. Đồng chí Đặng Văn Quyền - Phó BLL Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh làm trưởng đoàn, tổ chức và làm công tác chuẩn bị đưa anh em vào xây dựng nhà bia.

Hàng trăm cánh tay giơ cao xung phong xin được trở về chiến trường xưa tham gia xây dựng nhà bia để tri ân đồng đội  

Như vậy, sau 45 năm diễn ra trận đánh tại hai điểm cao này, lực lượng xây dựng nhà bia chính lại là 28 chiến binh Nghệ An - Hà Tĩnh (trong đó có 1 người là vợ chiến binh xung phong đi vào nấu cơm phục vụ). Họ là những người đã từng chiến đấu trên hai điểm cao, nay trở về đời thường dù tuổi cao sức yếu, trong đó có những người trên mình vẫn mang thương tích của cuộc chiến tranh, người ít tuổi nhất 64 tuổi, cao nhất 72 tuổi. Đại tá Nguyễn Thế Tân đã ân cần dặn dò anh em từng chi tiết nhỏ nhất, cụ thể nhất, có tầm quan trọng nhất cho cuộc hành quân về chiến trường xưa lần này.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trước lúc xuất quân về chiến trường xưa làm nhiệm vụ

Trong lễ xuất quân, Đại tá Nguyễn Thế Tân đã cân nhắc 2 trường hợp là: chiến binh Hồ Sỹ Tường và chiến binh Nguyễn Văn Chất (bị bệnh hiểm nghèo), anh đã không đồng ý để hai đồng chí này đi do đang mang bệnh, nhưng với nghị lực và quyết tâm của một người lính, chiến binh Hồ Sỹ Tường và Nguyễn Văn Chất đã đứng dậy với lời nói dõng dạc, dứt khoát và khẩn cầu: “đề nghị các đồng chí cho chúng tôi được đi”. Họ đã thể hiện đúng bản chất người lính Cụ Hồ, họ như những vì sao tỏa sáng trong muôn vàn vì sao của những chiến binh khi trở về đời thường. Trước lời nói và hành động của hai đồng chí, Đại tá Nguyễn Thế Tân thường ngày nói rất to nhưng lúc này giọng anh trầm lại, nhỏ nhẹ: “Các anh là những người đã từng sống và chiến đấu ở điểm cao 1015- 1049, giờ này các anh lại hăng hái xung phong trở lại nơi này để xây dựng nhà bia tri ân đồng đội. Tôi cũng như tất cả mọi người ngồi đây không có quyền, không nỡ lòng cản trở tấm lòng vàng của các anh. Tôi và mọi người đồng ý để các anh được đi, cầu mong sao cho các anh vào nơi đó và trong những ngày công hiến sức lực của mình để tri ân đồng đội được vạn sự bình an. Xin chân thành cảm ơn tất cả các anh, cảm ơn tất cả chiến binh là thành viên của BLL Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh có mặt tại buổi lễ xuất quân hôm nay và chúc các anh thượng lộ bình an”.

Dặn dò và giao nhiệm vụ cho các chiến binh xong, ngay tối 23/12/2017, Đại tá Nguyễn Thế Tân và chiến binh Lê Mạnh Hải lên xe đi trước vào Kon Tum để “tiền trạm” chăm lo công tác hậu cần: nơi ăn ở, lán trại và phương án cung cấp vật tư, vận chuyển nước lên điểm cao, để khi các chiến binh Nghệ An - Hà Tĩnh vào là có nơi ở và đủ điều kiện triển khai công việc.

Sáng ngày 24/12/2017, bộ phận tiền trạm đã có mặt ở Sa Thầy, thời gian chuẩn bị chỉ được phép trong 48 tiếng đồng hồ (24 -25/12/2017).

Khi mọi người chưa nhìn rõ mặt nhau, đường phố còn vắng lặng, đúng 5 giờ sáng ngày 25/12/2017, các chiến binh tại số nhà 79/81 đường Lê Lợi, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, dưới sự chỉ huy của đồng chí Đặng Văn Quyền - Phó BLL Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh, đoàn chiến binh lên xe xuất phát về chiến trường xưa. 5 giờ sáng ngày 26/12/2017, đoàn đã có mặt tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Sau khi đến nơi, đoàn đến dâng hương tại nghĩa trang Sa Thầy. Đứng trước anh linh các AHLS nằm tại nơi đây, mọi người bồi hồi và xúc động thầm nói với các anh rằng: “Đồng đội ơi chúng tôi đã về, về cái nơi mà cách đây nửa thế kỷ các anh nằm lại nơi này để xây dựng nhà bia tưởng nhớ các anh. Nhà bia sẽ là nơi hội tụ anh linh các anh nằm rải rác trên các điểm cao, để anh linh các anh có chỗ tránh những cơn mưa, cái nắng, sương gió lạnh nơi núi rừng hoang vắng”.  

Làm lễ ở nghĩa trang Sa Thầy xong, đoàn di chuyển về xã Rờ Kơi, nơi đã có những cái máy cày, xe độ chờ sẵn để đưa các chiến binh lên dãy điểm cao. Sau nhiều giờ vật lộn lăn lóc trên những thùng xe máy cày, xe độ, …vượt qua đèo dốc, suối sâu hiểm trở, 13h30 phút đoàn đã có mặt ở điểm cao 1049; 15h30p họ có mặt ở điểm cao 1015 (mỗi điểm cao gồm 14 chiến binh). Họ bồi hồi xúc động gặp lại đồng đội cũ, trước mắt họ hiện về hình ảnh những đồng đội thân thương. Họ muốn ôm cả điểm cao, cả không gian trống vắng mà trong đó có linh hồn của những người lính năm xưa thật chặt vào lòng mình. Sau khi lên đến hai điểm cao, họ kiếm củi, kê bếp để lo bữa cơm trưa khi mặt trời đã chếch về chiều.

 Bữa cơm đạm bạc của các chiến binh già trên điểm cao

 Vừa ổn định nơi ăn ở, các chiến binh bắt tay ngay vào việc triển khai xây dựng nhà bia theo hồ sơ thiết kế và kế hoạch đã được lập trước đó. Điều kiện địa hình phức tạp, nơi ăn ở khó khăn, nằm lán ngủ rừng, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề, chỗ ở và công trình xây dựng xa nơi có nước hàng cây số, họ chỉ tắm mỗi tuần một lần (mỗi lần tắm chỉ được 15 lít nước), ưu tiên nước để xây dựng, tiết kiệm nước đánh răng rửa mặt để nấu ăn (0,5 lít nước để đánh rang, rửa mặt). Lại một mùa khô Tây Nguyên sau 46 năm, 28 chiến binh phơi mình trong cái nắng, cái gió và những cơn mưa trái chiều trên các điểm cao giữa muôn vàn khó khăn.  

Trở lại nơi đây mới thấy hết cái khắc nghiệt của khí hậu trên đỉnh cao Tây Nguyên. Trong một ngày có đủ 4 mùa, gió lồng lộng suốt ngày đêm, muốn nấu ăn phải đào bếp Hoàng Cầm, ngày trời nắng như đổ lửa, đêm trời lạnh, gió rét và mưa. Mặc dù khó khăn vất vả là vậy, những người lính già thấy mình như được anh linh các AHLS tiếp sức để đôi chân cứng cáp hơn và thấy mình trẻ lại như ngày xưa ấy. Chính những thứ tình cảm thiêng liêng đó đã thôi thúc, tạo nên liều thuốc nuôi dưỡng lòng quyết tâm của người chiến binh, khắc phục mọi khó khăn trở ngại và một lần nữa họ đã chiến thắng trên dãy điểm cao này, họ chiến thắng trong gian khổ, chiến thắng sự hèn mọn tầm thường của cuộc sống đời thường để về lại nơi rừng núi đại ngàn xây nhà bia tưởng nhớ đồng đội.

 Sau 16.795 ngày đêm, có lẽ đây là đêm đầu tiên trên hai điểm cao có những người lính già ngủ lại nơi đây. 46 năm đi qua, những người lính già đêm nay lại ngả lưng trên chiếc sạp được làm bằng tre nứa, cảm giác lạnh thấu xương của những cơn gió đêm cao nguyên. Bao kỷ niệm ngày xưa hiện về làm thổn thức trái tim người chiến binh. Tưởng chừng, sau những ngày hành quân vất vả, vượt hàng ngàn cây số từ Nghệ An lên thẳng điểm cao, sự mệt nhọc sẽ đè bẹp họ, đưa họ vào giấc ngủ vùi, nhưng cảm giác được về lại nơi đây là về trong tình thương yêu vô bờ bến, về với kỷ niệm đồng đội. Trong màn đêm lạnh giá, trời tối đen tưởng chừng như xắt ra được, lẫn trong tiếng gió rít gào ngoài kia, họ nghe như có tiếng bước chân di chuyển của đồng đội. Văng vẳng quanh đây tiếng đồng đội gọi nhau và tiếng hô “xung phong”, tiếng bước chân ào ào như vũ bão của những người lính Sư đoàn 320 năm xưa đang đạp hàng rào tiến công điểm cao.

                                   Ơ kìa, bóng dáng những người đồng đội năm xưa bỗng hiện về lồng lộng giữa trời mây. Hình ảnh người lính anh dũng, kiên cường xông pha trong trận đánh đã ngã xuống nơi đây. Giây phút lâm chung, họ gọi tên người thân trước lúc đi xa.... Charlie ơi - Delta ơi! 1015 - 1049 ơi! Mảnh đất này sao mà linh thiêng đến thế...!

  Nhà bia trên điểm cao 1015 (Charlie)

Sau khi 2 nhà bia tại điểm cao 1015 (Charlie)-1049 (Delta) được khánh thành và đưa vào sử dụng, BLL và Ban Chiến tích chiến trường Sư đoàn 320 lại tiếp tục lao vào công việc nghiên cứu thực đia, lên phương án xây dựng tiếp những nhà bia khác mà các AHLS của Sư đoàn 320 đã hy sinh ở chiến trường trong thời kỳ chống Mỹ giải phóng đất nước. Để rồi, sáng 18/1/2018, tại xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, BLL Sư đoàn 320 phối hợp UBND huyện Đức Cơ tổ chức lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử Chư Bồ-Đức Cơ. Và đến sáng ngày 26/4/2019, BLL Sư đoàn 320 phối hợp với Sư đoàn bộ binh 9, Quân đoàn 4 tổ chức Lễ khánh thành Nhà bia Di tích lịch sử căn cứ Đồng Dù – Củ Chi, tại huyện Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

                                     Nhà bia Di tích lịch sử căn cứ Đồng Dù - Củ Chi

Cảm động và thán phục trước nghĩa cử cao đẹp của các chiến binh BLL Sư đoàn 320, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên 1972) nói: “Không ở đâu như các anh em 320, góp tiền để xây nhà bia liệt sĩ chứ không đi xin tiền, không dựa vào ngân sách nhà nước. Nhưng dù có tiền mà không có tấm lòng, không có tình yêu thương đồng đội thì không thể cõng xi măng sắt thép lên đỉnh Ngọc Rinh Rua mà xây được. Chỉ có tình yêu thương đồng đội của người lính chiến mới làm nên câu chuyện này”.

Và rồi, tại lễ kỷ niệm 73 năm ngày TBLS do BLL Sư đoàn 320 Nghệ An - Hà Tĩnh tổ chức tại TP Vinh vào ngày 25/7/2020, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước xúc động phát biểu: “Tôi năm nay 95 tuổi, song Tôi chỉ sống với Sư đoàn 320 được có 12 năm từ 1972 đến 1984. Nhưng 12 năm đó đã để lại trong tôi bao kỷ niệm vô cùng sâu sắc.”./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Phú Quốc, Tây Ninh đông khách du lịch hàng đầu Nam bộ trong ngày nghỉ lễ đầu tiên

Nam bộ có khá nhiều điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay, nhưng Phú Quốc và Tây Ninh được ghi nhận là hai điểm đến đón đông đảo du khách bậc nhất bởi lợi thế về khí hậu, cảnh quan và trải nghiệm hấp dẫn
2024-05-03 11:05:59

Hàng trăm ngàn người háo hức ngắm pháo hoa, vui chơi tại quảng trường biển Sầm Sơn

Lễ khánh thành Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn đã diễn ra tối 27/4, trong khuôn khổ đêm khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024. Hơn 300 ngàn người dân, du khách đã tham gia sự kiện, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật sôi động và chiêm ngưỡng màn pháo hoa tưng bừng tại quảng trường biển hiện đại, quy mô bậc nhất Việt Nam.
2024-05-03 09:43:01

Hải Phòng trưng bày tư liệu ‘Cát Bi - Điện Biên Phủ: bản hùng ca chiến thắng’

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5, Bảo tàng Hải Phòng trưng bày tư liệu chuyên đề “Cát Bi rực lửa - Điện Biên Phủ bản hùng ca chiến thắng”.
2024-05-03 08:34:17

Nữ giám đốc khuyết tật biến đất hoang thành vườn cây thảo dược

Không chỉ vượt qua nhiều nghịch cảnh trong cuộc sống, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc giờ đây còn giúp đỡ được nhiều người khuyết tật khác.
2024-05-03 06:30:00

Ông Trần Thanh Mẫn được phân công điều hành Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.
2024-05-02 18:49:22

Mô hình vườn mẫu ở xã Quảng Tiên đang được nông dân hưởng ứng

Xã Quảng Tiên đã chú trọng vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học - kỹ thuật để xây dựng vườn mẫu. Đây là giải pháp thiết thực không chỉ tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, giúp góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
2024-05-02 15:30:00
Đang tải...