Kinh tế trong tuần: Tín hiệu tốt từ một phiên IPO
IPO thành công Bệnh viện GTVT
Ngày 20/10, Bệnh viện Giao thông vận tải
Trung ương đã bán đấu giá gần 5 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở
Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tương đương 29,5% vốn điều lệ công ty sau cổ
phần hóa.
Phiên IPO này đã thu hút sự chú ý, tham gia
của nhiều nhà đầu tư khi có nhà đầu tư sẵn sàng đặt mua toàn bộ khối lượng chào
bán, có nhà đầu tư trả giá cao gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm, tại mức giá
26.000 đồng/cổ phần.
Kết quả, 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã
bán hết cho 1 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức với giá đấu thành công
bình quân là 23.597 đồng/cổ phần, giá đấu thành công cao nhất là 26.000 đồng/cổ
phần.
Đây là mức giá thành công cao nhất trong
vòng 2 tháng trở lại đây. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 116,8 tỷ đồng,
cao hơn mức giá khởi điểm 67,3 tỉ đồng.
Bệnh viện GTVT là bệnh viện công lập đầu
tiên được thí điểm cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo phương án cổ phần
hóa đã được phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm giữ 30% vốn điều lệ, tương ứng 5,04 triệu
cổ phần; 10,52% vốn điều lệ sẽ bán ưu đãi cho người lao động và 29,48% vốn điều
lệ, tương ứng 4,952 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai ra công chúng.
Trước đó, hơn 5,04 triệu cổ phần, tương ứng
30% vốn điều lệ đã được bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Tập đoàn
T&T. Dự kiến, sau cổ phần hóa, bệnh viện này sẽ có vốn điều lệ 168 tỉ đồng.
Chia sẻ với báo giới, ông Lê Tuyên Hồng
Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương cho biết việc bệnh
viện thực hiện cổ phần hóa là bước đi đúng đắn theo chủ trương của Chính phủ về
cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, sau khi cổ phần hóa, quyền lợi của
bệnh nhân khi đến với bệnh viện vẫn sẽ được giữ nguyên, và họ sẽ hài lòng khi sử
dụng những dịch vụ với chất lượng tốt hơn trước.
Thành công của phiên IPO này sẽ là khởi đầu
cho sự ra đời của hàng loạt công ty cổ phần được chuyển từ đơn vị sự nghiệp
công lập trực thuộc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty
nhà nước theo quyết định 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày
22/6/2015. Sự ra đời của các công ty cổ phần này được kỳ vọng sẽ đổi mới cơ chế
hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại
hình dịch vụ sự nghiệp công.
* Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý với đề
nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bán hết phần vốn Nhà nước đang
nắm giữ tại Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần cho
các cổ đông chiến lược.
Khuyến khích lập DN xã hội
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều
của Luật DN vừa được Chính phủ ban hành, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện
cho các tổ chức, cá nhân thành lập DN xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải
quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.
Một điểm đáng chú ý trong Nghị định này là
DN xã hội được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục
tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định pháp luật về tiếp
nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Ngoài các khoản viện trợ nêu trên, DN xã hội
được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hình thức hỗ trợ kỹ thuật từ
các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt
động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.
* CPI tăng, giá xăng giảm nhẹ
Ngày 24/10, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số
giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng nhẹ trở lại, ở mức 0,11% sau 2 tháng giảm
liên tiếp trước đó. Trong tháng 10, có 7/11 nhóm hàng hóa có CPI tăng nhưng
không đáng kể.
Cụ thể, tăng giá mạnh nhất là nhóm may mặc,
mũ nón, giày dép, song tỉ lệ tăng cũng chỉ ở mức 0,2%. Nhóm chiếm tỉ trọng lớn
nhất thống kê tính CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng chỉ tăng 0,19%. Riêng
ở nhóm này có biến động trái chiều khi lương thực giảm 0,17%, trong khi thực phẩm
lại tăng 0,34%.
Ở chiều ngược lại, 4/11 nhóm dịch vụ và hàng
hoá có CPI giảm. Theo đó, giảm sâu nhất là nhóm văn hoá, giải trí và du lịch,
giảm 0,06%. Tiếp đến là nhóm giao thông với mức giảm 0,05%. Nhóm bưu chính viễn
thông, giảm 0,03% và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, chất đốt giảm 0,01%.
* Chiều 19/10, giá xăng dầu trong nước tiếp
tục được điều chỉnh với mức tăng từ 222 đồng đến 445 đồng/lít, kg đối với các mặt
hàng dầu. Mặt hàng xăng giảm nhẹ 136 đồng/lít.
Theo thông báo của Liên Bộ Công Thương-Tài
chính, giá xăng A92 giảm tối thiểu 136 đồng/lít và giá trần bán lẻ không cao
hơn 18.003 đồng/lít.
Với các mặt hàng dầu, dầu mazut tăng mạnh nhất ở mức 445 đồng/kg và giá bán lẻ trần không quá 9.887 đồng/kg. Dầu diesel tăng nhẹ nhất là 222 đồng/lít, giá bán lẻ mới sẽ ở mức 13.945 đồng/lít. Dầu hoả tăng 279 đồng/lít, nâng giá bán lẻ mới lên mức tối đa 13.004 đồng/lít.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.