Ký ức về một thời Điện Biên xưa

2025-05-05 16:00:25 0 Bình luận
Họa sĩ Nguyễn Thế Vỵ sinh năm 1927, mất năm 2013. Ông được sinh ra trong một gia đình gia thế ở Hải Phòng. Cụ thân sinh ra ông là một nhà giáo dạy ở trường Bonnal Hải Phòng nay là trường PTTH Ngô Quyền, một trong hai trường thành lập đầu tiên của vùng Bắc Bộ (thời Pháp thuộc).

Chân dung Họa sĩ Nguyễn Thế Vỵ

Trường Bonnal còn nổi tiếng với nhà giáo tiêu biểu: Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Thế Mộc (bố của họa sĩ Nguyễn Thế Vỵ). Một số học sinh tiêu biểu như Nguyễn Văn Cúc (cố TBT Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Lân, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Vũ Văn Hiến, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Vũ Khiêu...

Ông sớm giác ngộ Cách mạng. Tháng 6/1945, tham gia đại đội Ký Con - Đơn vị nổi tiếng ở vùng Đông Triều, Quảng Ninh với trận đánh chiếm tàu Pháp nơi đảo Cô Tô, cuối năm 1945.  Sau đó, ông ra vùng kháng chiến, tham gia các hoạt động liên lạc trong quân đội rồi về làm thư ký cho họa sĩ Tô Ngọc Vân ở Xưởng họa Xuân Áng.

Cuối năm 1953, ông Vỵ cùng Lê Huy Hòa, Ngô Mạnh Lân là nhóm sinh viên kháng chiến được phân công đi phục vụ trong quân đội, theo các đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội, công tác ở Sở Văn hóa thành phố, làm các công việc trang trí lễ tân, khánh tiết cho cơ quan. Sau đó, ông tiếp tục học hệ đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành sơn mài, tốt nghiệp năm 1967. Ông về làm giảng viên của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, giảng dạy vẽ hình họa cơ bản cho đến khi nghỉ hưu.

Nhân kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025), Tạp chí điện tử Hòa nhập xin trân trọng gửi tới bạn đọc bài “Ký ức về một thời Điện Biên xưa” mà Họa sĩ Thế Vỵ đã viết khi đã bước vào tuổi U80. Bài đã được đăng trong sách “Họa sỹ Thế Vỵ - Cuộc đời và Sự nghiệp (1927-2013)” do Nhà in Tạp chí Cộng sản xuất bản năm 2023. Sau đây là toàn văn bài viết: Ký ức về một thời Điện Biên xưa.

Hôm nay, lâu lắm Hà Nội mới có mưa. Mưa dầm dề như đã từng mưa dai dẳng xuống trận địa Điện Biên Phủ năm nào.

Tôi đến thăm họa sĩ Mai Văn Hiến, người bạn cùng đi chiến dịch. Nay tuổi già, bị bệnh không đi lại được. Nhưng giọng nói vẫn sang sảng, ánh mắt vẫn hóm hỉnh tinh anh.

Tôi đem đến cho anh phiên bản của một số Ký họa thời chiến dịch Trần Bình (bí danh của Điện Biên) mà tôi còn lưu giữ được, và ảnh chụp bức tranh sơn dầu tôi vừa vẽ xong dựa trên Ký ức và tài liệu của riêng tôi thời đó – Bức "Hùng khí Điện Biên" mô tả sinh hoạt của bộ đội ta khi đang bao vây địch trong lòng chảo Mường Thanh – Hồng Cúm – Cảnh ở bìa rừng, ven suối, tốp bộ đội hạ cây, vác cột để đi xây dựng trận địa, che phủ nóc hào nóc hầm; không khí sôi nổi của ván tu lơ khơ (một đặc điểm của thú giải trí lành mạnh của quân ta thời đó); tốp chuẩn bị bộc phá đánh lô cốt địch (bộc phá loại này đã không phá được cái lô cốt ngắm ở đồi A1, nên sau phải đào đường hầm đánh cả tấn thuốc nổ để bóc bằng được cái cao điểm cuối cùng của địch), dáng rủ rũ thất thếu của 2 tên tù hàng bình Âu Phi; niềm hoan hỉ của anh thương binh trẻ được ông lão dân công xe thồ chia sẻ điếu thuốc lào... Những hình ảnh quen thuộc của một thời dữ dội, hào hùng.

Họa sĩ Mai Văn Hiến tỏ ra thích thú, cùng ôn lại nhiều kỷ niệm vui...

Xem bức ký họa tôi vẽ bộ đội ta đeo cái "mu rùa” bằng rơm bện sau lưng, đội mũ rơm tết như quận thừng trên đầu, tập đội hình công kiên bên lô cốt giả... (trước khi bước vào chiến dịch) Mai Văn Hiến nheo nheo mắt: “Đấy... đấy... ông Giáp đánh lừa địch đấy – Làm như quân ta chuẩn bị đánh xuống đồng bằng vậy”.

Tôi nhớ lại: bộ đội ta, những lính cựu cũng ra điều tinh quái, nghe ngóng binh tình, đoán già đoán non: thu đông này, nhất định là tiến về xuôi, khỏi phải chuẩn bị nhiều thuốc lá thuốc lào làm gì cho nặng xác ?.?

Nhưng sao cứ đi mãi về hướng... Tây Bắc? Nhưng lại gặp vài toán hành quân ngược lại? Đúng là “Cụ” lại nghi binh đây... và thế là quân ta cứ yên trí mà lập lòe nhả khói suốt. Cho đến khi... chao ôi! Bần thần cả người vì nhớ thuốc, thèm thuốc. Một mẩu, một điếu, có khi cả tiểu đội cùng hóp má rít luân phiên, nín thở nuốt khói cho đã cơn ghiền...

Bộ đội mà gặp dân công là vui như Tết – Ngoài cái thú ví von trêu ghẹo giữa trai gái đôi bên, còn là dịp xin chia sẻ điếu thuốc lá, thuốc lào... Xin mãi cũng ế người vì càng đi dài ngày thì dân công cũng cạn dần dự trữ. Xoay ra gạ gẫm đổi chác vậy. Tháo cái đồng hồ loại "chúa" chỉ xin đổi lấy một nắm bằng một phần tư bánh thuốc lào Tiên Lãng! Nỗi niềm này động đến lòng đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần của Mặt trận – Ngay lập tức có lệnh bớt vài xe tải chở gạo, đế chở thuốc hút từ Thanh Hóa ra cho quân ta phấn khởi.

…Chiến trường thì rộng lớn, sự kiện thì dồn dập - Nhiệm vụ đề ra cho từng đơn vị, từng cá nhân luôn thay đổi. Lúc hành quân hướng này, khi chuyến hướng khác, làm nhiệm vụ khác. Bọn tôi là họa sĩ, gặp nhiều khó khăn. Dừng lại để vẽ người, vẽ cảnh, thì mất liên lạc với đơn vị trong trùng trùng điệp điệp bộ đội các cánh, các hướng... chính vì thế, số ký họa không thể có nhiều. Đành phải ghi lại bằng bút ký, bằng ký ức.

Vô cùng thương tiếc họa sĩ Tô Ngọc Vân, người thầy rất mực quý trọng của chúng tôi, chưa kịp lên đến Điện Biên, đã bị hy sinh vì bom địch ở Ba Khe, Yên Bái!

Họa sĩ Mai Văn Hiến, được lệnh vẽ một bức tranh trên giấy to đùng, hàng chục mét vuông, dựng ngay trước mũi quân địch, hô hào phản chiến. Được vài hôm yên lành, chỉ một quả đạn cối rót trúng là tan biến. May ra hình ảnh, nội dung, còn đọng trong kí ức của vài anh hàng binh sau này.

Họa sĩ Nguyễn Sáng có mặt ở tuyến đầu, nhưng bất ngờ bị bệnh phải về điều trị ở tuyến sau. Vậy mà sau này lại có được bức sơn mài nổi tiếng “Kết nạp Đảng trong chiến hào Điện Biên” làm rạng rỡ cho nền mỹ thuật Cách mạng - Tác phẩm này, cùng một số sáng tác khác, đã đem lại giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về văn học nghệ thuật cho ông khi ông qua đời.

Những họa sĩ trực tiếp có mặt tại chiến dịch còn ai không nhỉ?

Ngoài lão họa sĩ Mai Văn Hiến, còn lão họa sĩ Nguyễn Bích, nổi tiếng về tranh đánh địch trên tờ báo của Mặt trận, cùng là tác giả của mẫu huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” với Mai Văn Hiến.

Họa sĩ Huy Toàn vẽ rất găng, rất nhiều tư liệu chuẩn xác về vũ khí, khí tài quân sự. Hai năm trước có trưng bày một phác thảo hoành tráng về chiến trận ở Điện Biên xưa – Nay nghe nói lại bị bệnh, đi lại khó khăn rồi!

Họa sĩ Thanh Tâm có bức tranh vẽ Văn công biểu diễn phục vụ trong hầm pháo.. nay cũng có tuổi, vừa từ trong Nam ra thăm lại chiến trường cũ.

Còn họa sĩ Lê Huy Hòa, đoạt huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990, nhưng với tác phẩm sơn dầu “Ngã ba Đồng Lộc” của cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này, nay cũng đã tạ thế!

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân lúc đó rất trẻ, vẽ nhiều ký họa đẹp về bộ đội của Trung đoàn Thủ đô. Nhưng rủi ro lại bị thất lạc số lớn ký họa đó để trong chỗ ngủ ngay gần hầm của Đờ Cát khi đã toàn thắng! Ngay sau đó, họa sĩ Ngô Mạnh Lân được cử đi du học ở Liên Xô về ngành hoạt hình – Sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn phim hoạt hình; mà chưa có dịp sáng tác về chiến trường xưa.

Còn bản thân người viết bài này, sau chiến thắng tháng Năm thì cuối tháng 9 năm 1954, được cử về tiếp quản Thủ đô, công tác ở Sở Văn hóa. Ngoài vài bức sáng tác về Điện Biên chưa thành công lại giành huy chương Bạc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1995 với bức sơn mài “Ông Ké Kách mệnh về Pắc Bó năm 1941". Như vậy là món nợ xưa với Điện Biên còn đấy.

Năm nay đã ngót tám mươi, nhưng cảm nhận trách nhiệm của mình tôi vẽ để tưởng nhớ những người cùng thời đã khuất, để cố ghi lại cho con, cho cháu, đôi chút hình nét của một thời đã qua... với ước nguyện của lớp người già: Mong cho lớp kế cận tiếp nối được những bước thần kỳ của Cách mạng Việt Nam. Mong cho những vị có trọng trách với Dân với Nước càng sang, càng minh như vị tướng Tổng tư lệnh của chiến trường xưa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để đảm bảo hiệu quả, hạn chế tổn thất cho trận chiến phải thắng không được thua... đã dám thay đổi hẳn kế sách một cách thông minh, trí tuệ. Đấy là tư tưởng của Bác Hồ, là đường lối của Đảng: Kiên trì mục đích, nhưng thấy sai phải sửa, tôi thiển nghĩ là như vậy!./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

VPBank lập kỷ lục thu xếp khoản vay quốc tế lớn nhất hỗ trợ Tài chính Bền vững

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố thực hiện thành công thương vụ vay hợp vốn quốc tế với giá trị ban đầu 1 tỷ USD, có kèm tùy chọn mở rộng giá trị khoản vay tùy thuộc theo nhu cầu sử dụng vốn của VPBank.
2025-05-05 16:38:08

Ký ức về một thời Điện Biên xưa

Họa sĩ Nguyễn Thế Vỵ sinh năm 1927, mất năm 2013. Ông được sinh ra trong một gia đình gia thế ở Hải Phòng. Cụ thân sinh ra ông là một nhà giáo dạy ở trường Bonnal Hải Phòng nay là trường PTTH Ngô Quyền, một trong hai trường thành lập đầu tiên của vùng Bắc Bộ (thời Pháp thuộc).
2025-05-05 16:00:25

Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội: Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV là kỳ họp Quốc hội có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.
2025-05-05 12:00:00

Thương binh, bác sĩ Lê Thành Đô: “Người Đem Bước Chân Trở Lại Cho Hàng Trăm Số Phận”

Thương binh, bác sĩ Lê Thành Đô là một tấm gương sáng về lòng nhân ái và sự cống hiến không mệt mỏi cho cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam. Suốt gần 20 năm qua, ông đã âm thầm chế tạo và lắp ráp hàng nghìn tay, chân giả miễn phí cho những người kém may mắn, giúp họ tìm lại sự tự tin và khả năng hòa nhập xã hội.
2025-05-04 15:45:00

Giảm gánh nặng cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng

Thị trường vốn ở nước ta hiện tín dụng ngân hàng là kênh cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế, nhưng chỉ chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhằm phát huy vai trò cung ứng vốn trung và dài hạn, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng và thúc đẩy thị trường tài chính phát triển cân bằng.
2025-05-04 15:44:53

Gặp mặt truyền thống cựu chiến binh Hải quân tỉnh Nam Định

Hội truyền thống Hải quân tỉnh Nam Định vừa tổ chức gặp mặt cựu chiến binh Hải quân (CCB) nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2025), 50 năm giải phóng Trường Sa (1975-2025), 25 năm ngày thành lập Ban liên lạc CCB Hải quân tỉnh Nam Định và 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tuyên truyền biển đảo.
2025-05-04 15:26:29
Đang tải...