"Lạc bước" vào quán cafe "đặc biệt" của những người khiếm thính
Không thể nghe, nói, các nhân viên KymViet đều dùng cử chỉ tay để giao tiếp với khách hàng mỗi khi khách có nhu cầu gọi đồ. Phần lớn khách hàng đến đây đều dành thời gian để học hỏi các ký hiệu trong cuốn menu, họ muốn được trải nghiệm ngôn ngữ của người khiếm thính.
Nhân viên phục vụ tại quán cà phê chủ yếu là người khuyết tật câm, điếc. Ảnh VOV
Kymviet Coffee là cửa hàng cà phê trong tổ hợp Kymviet Space (123 Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) do anh Phạm Việt Hoài sáng lập. Thành lập từ năm 2019, đến nay anh Hoài đã mở được 3 quán càphê tương tự tại Hà Nội, với toàn bộ nhân viên đều là người khiếm thính.
Ông chủ KymViet ở ngoài cùng bên phải, Phạm Việt Hoài. Ảnh VOV
Thực đơn tại quán bên cạnh tên món là ngôn ngữ ký hiệu để khách có thể gọi đồ. Mỗi một bàn đều có một nút bấm phát đèn sáng để nhân viên biết khách cần hỗ trợ. Ngoài ra, quán càphê còn có những tấm thẻ ngôn ngữ ký hiệu như cảm ơn, xin chào... để khách dễ dàng giao tiếp.
Khách đến với KymViet, không chỉ đơn giản là uống cà phê mà trong khuôn viên quán khách còn được trải nghiệm tham quan và mua sắn những món đồ do chính tay những nhân viên "đặc biệt" tại đây làm ra...
Anh Hoài chia sẻ khi mở các quán càphê này là nhằm tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật đồng thời góp phần nhỏ thay đổi nhận thức của cộng đồng về họ...
Sản phẩm do chính những nhân viên "đặc biệt" của quán làm ra. Ảnh VOV
Cũng giống như anh Hoài, anh Võ Thành Luân (cựu du học sinh Phillipines) đã quyết định sáng lập nên quán cà phê "đặc biệt" có tên "quán của thời thanh xuân". Anh muốn giúp những người khiếm thính có một nơi để làm việc, học tập, tạo cơ hội cho họ tiếp xúc với nhiều người, rèn luyện các kỹ năng và hòa nhập tốt với cộng đồng.
Anh Võ Thành Luân, chủ quán cà phê "đặc biệt" giữa phố núi Đà Lạt
Điều đặc biệt, quán không có bảng giá đồ uống, khách sẽ tự đánh giá bằng sự hài lòng, hạnh phúc của mình để gửi tiền cho quán.
Ở nơi đây mọi người không cần nói năng, chỉ cần dùng bàn tay là ngôn ngữ và sự im lặng trở nên có giá trị.
Nhân viên phục vụ của quán là những người khiếm thính nên khách hàng sẽ gọi đồ uống bằng cách dùng que các màu tương ứng với từng loại màu trong bảng thực đơn.
Không gian quán thơ mộng như chính cái tên của quán "thời của thanh xuân".
Menu của quán gồm cà phê và các loại trà, bánh do chính tay các bạn nhân viên khiếm thính làm ra. Ở Đà Lạt rất thích hợp uống các loại trà như oải hương, hoa nhài…
Anh cũng bật mí thêm, điều kỳ diệu của thùng tiền đó chính là, người bỏ nhiều, bỏ ít nhưng vẫn tính ra giá trung bình của ly nước như những quán cà phê bình thường khác. Và nếu ngày nào các bạn phục vụ không nhiệt thành thì thùng tiền sẽ bị giảm, đây cũng là cách để đội ngũ nhân viên của quán cố gắng nâng cao kĩ năng mỗi ngày.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.