Lãnh đạo TP.HCM và 100 CEO hàng đầu thế giới bàn giải pháp phát triển kinh tế xanh
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tham dự có ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND Thành phố; ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND Thành phố; ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND Thành phố cùng các chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại Thành phố.
Khách mời quốc tế là ông Philipp Rosler – nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ; ông Lim Sangjun – Thứ trưởng Thường trực Bộ Môi trường Hàn Quốc; ông Lee Geunhee – Phó Thị trưởng về Môi trường và Nước TP Busan (Hàn Quốc); ông Torsen Bonew – Thị trưởng Thứ nhất TP Leipzig (Đức); ông Ricardo Valente - Ủy biên Hội đồng Kinh tế và Tài chính Thành phố Porto (Bồ Đào Nha)... và gần 100 CEO đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới , các chuyên gia về kinh tế tại khu vực Đông Nam Á và thế giới.
“CEO 100 Tea Connect” là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ của Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 15/9.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thông tin, TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn trên 10 triệu dân, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của Việt Nam. Thành phố luôn nỗ lực xây dựng môi trường sống tốt, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố đến với địa phương. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh cũng đang đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhân lực, tác động của tính chu kỳ trong phát triển kinh tế.
Để ứng phó với những thách thức trên, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP Hồ Chí Minh đã và đang tái cơ cấu kinh tế. Trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. TP Hồ Chí Minh rất quyết tâm bằng việc nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết mạnh mẽ, bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu “(phát thải ròng) bằng “0” đến năm 2050.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh mong muốn nhận được sự đồng hành của các tổ chức, chuyên gia, CEO, người dân trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh tại Thành phố trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thông tin về khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy người dân và doanh nghiệp Thành phố làm trung tâm của chuyển đổi. Đồng thời, xác định tập trung vào 4 nội dung: (1) Nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế; (2) Hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng nước tiết kiệm nguồn nước, tuần hoàn tài nguyên; (3) Hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh; (4) Các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh...
Chia sẻ tại “CEO 100 Tea Connect”, ông Lim Sangjun – Thứ trưởng Thường trực Bộ Môi trường Hàn Quốc cho rằng: “Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn cầu và không riêng một quốc gia nào. Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Hàn Quốc đã có bước tiến dài cho quá trình xanh hóa nền kinh tế. Tất cả các quốc gia cần có trách nhiệm, chia sẻ để cùng nhau vượt qua các khó khăn, mang tính thời đại, cùng nhau giữ cho trái đất luôn là một hành tinh xanh”.
Ông Ricardo Valente - Ủy biên Hội đồng Kinh tế và Tài chính Thành phố Porto (Bồ Đào Nha) nhận định về biến đổi khí hậu và các giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh.
Theo ông Ricardo Valente, biến đổi khí hậu là một việc tất yếu nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc, các quốc gia phải có giải pháp khắc phục và vượt qua. Để làm được điều đó, yếu tố hàng đầu là xây dựng nguồn nhân lực xanh. Việc giáo dục con người ngay chính trong trường học, tạo nhận thức sớm để xây dựng cộng đồng tham gia hành trình phát triển xanh. Một điều quan trọng, đó chính là chính quyền địa phương, những người tiêu dùng lớn nhất trong xã hội nên phải tiên phong tiêu dùng nền kinh tế xanh để cùng tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đó. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần phải có các chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng xã hội thông qua các chính sách cân bằng, với các hình thức như: khung pháp lý; chỉ tiêu môi trường...
Ông Ichisaka Hirofumi – Giám đốc điều hành cấp cao về quan hệ quốc tế tỉnh Osaka (Nhật Bản) nhận định về sự tăng trưởng kinh tế gây tác động đến môi trường sống tại các quốc gia.
Ông Ichisaka Hirofumi nhận định, nền kinh tế càng tăng trưởng sẽ càng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường sống. Kinh nghiệm tại Nhật Bản cho thấy, cần xây dựng một nền kinh tế cân bằng, kinh tế phát triển phải đảm bảo yếu tố môi trường. Gọi chính xác là nền kinh tế tuần hoàn, khi sản phẩm đầu ra là nguồn nguyên liệu cho đầu vào của các ngành sản xuất khác. Cần tái tạo và khai thác tối đa các sản phẩm, điều đó đã được thực hiện tại nhiều địa phương ở Nhật Bản. Sự thành công ở các nước phát triển là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân, các cấp chính quyền và doanh nghiệp cùng hợp tác, chia sẻ để phát triển.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE nhìn nhận: “Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh là địa phương có vị trí địa lý vô cùng đẹp với tầm nhìn phát triển 30 năm, 50 năm”.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh chậm phát triển do thiếu quy hoạch tốt, không xây dựng cơ sở hạ tầng sớm, ô nhiễm môi trường, chi phí y tế tăng cao... gây ảnh hưởng đến người dân và cảm nhận của du khách quốc tế khi đến tham quan.
Thảo luận về các giải pháp phát triển nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn, bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết: “Sứ mệnh của các doanh nghiệp là sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn. Cần chú trọng đến môi trường, giảm các phế phẩm, phế liệu, tái chế và sử dụng, chú ý đến chất thải, không khí sạch... Các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đang chờ đợi một kế hoạch cụ thể, các dự án phát triển xanh sẽ thực hiện như thế nào, chi phí triển khai ra sao, quá trình tiêu thụ và cam kết như thế nào?... Rất mong chính quyền thành phố quan tâm đến các vấn đề về chất thải và xả thải (chất thải rắn và lỏng). Thành phố cần có nhiều chế tài mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường các biện pháp ở môi trường giáo dục, tuyên truyền trên môi trường thông tin số...”.
Chia sẻ bên lề chương trình, ông Han Sang Deog – Phó Tổng giám đốc điều hành Samsung Engineering nhìn nhận: “Thời gian qua, Việt Nam là quốc gia đạt được tốc độ phát triển kinh tế vượt trội và cần phải duy trì sự phát triển này trong tương lai. Tuy nhiên sự phát triển của nền công nghiệp dẫn tới vấn đề không thể tránh khỏi đó là ô nhiễm môi trường. Việt Nam cần nỗ lực để thực hiện hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” nào năm 2050".
Để giải quyết các thách thức, Samsung Engineering đang đề xuất một chiến lược mang tên “Tổ hợp môi trường tích hợp" cho các dự án môi trường tại Việt Nam". Đây là khu phức hợp môi trường kinh tế tuần hoàn, tích hợp xử lý nước thải, chất thải và khí sinh học nhưng sử dụng năng lượng tự sản xuất mà không cần sử dụng đến nguồn năng lượng từ bên ngoài...
“CEO 100 Tea Connect” đã lắng nghe, trao đổi với ý kiến từ 19 CEO, các chuyên gia về kinh tế, môi trường trong nước và quốc tế.
Phát biểu kết luận chương trình, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định, phát triển xanh nên là sự lựa chọn tất yếu và đối với thành phố, cần phải đi tiên phong, tiến hành công việc bài bản và khẩn trương hơn.
Thay mặt lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi xin tiếp thu ý kiến, nội dung chia sẻ tại chương trình để xây dựng khung chiến lược phát triển nền kinh tế xanh cho thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ sớm hoàn thành khung chiến lược vào tháng 9/2023 và thực hiện việc xây dựng khung hành động song song đối với người dân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp. Thành phố sẽ sớm ban hành hoặc đề xuất ban hành những quy chuẩn trên cơ sở nghiên cứu các quy chuẩn quốc tế để chi phối từ sản xuất tiêu dùng và các yếu tố có liên quan đến phát triển xanh. Đồng thời, nghiên cứu các chính sách của thành phố để đồng hành với quá trình chuyển đổi xanh, phát triển xanh. Những vấn đề cơ bản về quy chuẩn, chính sách sẽ tập trung khẩn trương nghiên cứu đến cuối năm 2023 để ban hành, thực thi vào cuối năm 2024.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm và cam kết sẽ tập trung xây dựng các khu hành động cụ thể, bố trí lại nguồn lực và tổ chức thực hiện để đạt được kết quả các vấn đề trọng tâm về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Các vấn đề về cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới công nghệ, phương pháp xử lý rác thải, chất thải lẫn khí thải, xây dựng và chỉnh trang hệ thống đô thị sẽ được TP Hồ Chí Minh tập trung quan tâm, thực hiện một cách hiệu quả.
“Chúng tôi cam kết sẽ có kế hoạch hoạt động cụ thể và bố trí nguồn lực đầy đủ để triển khai. Quá trình đó, chúng tôi mong muốn sự hợp tác giữa các đối tác để có thêm kinh nghiệm và thêm nguồn lực, triển khai kế hoạch này trong thời gian sắp tới...” – Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tiếp đón khách mời quốc tế đến tham dự “CEO 100 Tea Connect”.
Trong ngày 15/9, các CEO sẽ tiếp tục tham dự Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2023. Theo kế hoạch, ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương sẽ có mặt cùng tham dự.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.