Lão nông Hà Giang làm giàu từ nuôi chim Bồ câu mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng
Về xã Thái An (Quản Bạ), hỏi ông Ma Xín Hầu có lẽ ai cũng biết. Ông Ma Xín Hầu - chủ mô hình nuôi chim Bồ câu tại Hà Giang sau gần 4 năm gắn bó nay đã thành công và giàu lên từ mô hình tiên phong nuôi chim Bồ câu.
Ma Xín Hầu đã thành công với mô hình chăn nuôi đà điểu.
Với quyết tâm xóa nghèo, năm 2018 khi Hội Nông dân huyện có chương trình cho vay tiền không lãi suất theo “mô hình 100 đồng”, gia đình ông Ma Xín Hầu đăng ký vay 15 triệu đồng. Với số vốn trên, ông Hầu mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi chim Bồ câu, ban đầu ông nuôi 100 đôi chim.
Sau gần 4 năm chăn nuôi nhờ biện pháp nuôi gối đàn và chủ động mua máy ấp trứng đảm bảo nguồn giống, mô hình nuôi chim Bồ câu của ông Hầu đã lên đến 200 đôi, thời gian đỉnh điểm lên tới gần 400 đôi, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Trực tiếp đến thăm mô hình nuôi chim Bồ câu của gia đình ông Hầu, chúng tôi được tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi khá bài bản với khu chuồng trại kiên cố, mỗi dãy ông ngăn thành từng lồng, chia lồng thành từng ngăn. Mỗi lồng nuôi 6-8 con và đều có trang bị máng đựng thức ăn, nước uống sạch sẽ.
Đây được coi là mô hình chăn nuôi khá mới lạ ở địa phương, bước đầu cho hiệu quả khả quan, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Mô hình nuôi chim Bồ câu của ông Hầu cũng là địa chỉ rất nhiều người tìm đến để học hỏi mô hình làm giàu.
Hàng ngày, gia đình ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tạo độ thông thoáng, sạch sẽ giúp chim sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Ma Xín Hầu chia sẻ: “Nuôi chim Bồ câu rất dễ nhưng phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc. Để chim sinh trưởng, phát triển tốt, trong thời gian nuôi cần tăng cường vitamin để tăng sức đề kháng bởi chim có đặc tính luôn đẻ trứng, ít bị nhiễm bệnh, ăn ít và không kén chọn thức ăn.
Tuy nhiên, không được chủ quan và phải dành thời gian quan sát, kiểm tra hàng ngày, nếu thấy chim có biểu hiện bị bệnh bất thường phải tách đàn để chăm sóc riêng”.
Ông Hạng Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái An, cho biết: “Hội Nông dân xã đã phát huy tốt nguồn vốn của “mô hình 100 đồng” cho các hội viên vay phát triển kinh tế. Trong đó, tại thôn Cán Hồ có mô hình nuôi chim Bồ câu thương phẩm của ông Ma Xín Hầu đã mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi đang khuyến khích ông Hầu tiếp tục mở rộng quy mô đàn chim Bồ câu và coi đây là mô hình kiểu mẫu của xã để các hội viên khác học tập”.
Với các mô hình chăn nuôi chim Bồ câu thương phẩm từ khoảng 200-300 đôi ở vùng thấp là chuyện thường tình bởi người dân có thể tiếp cận đầy đủ các trang bị để chăn nuôi thuận lợi. Tuy nhiên, với địa bàn là vùng sâu, xa và là người dân tộc thiểu số như ông Ma Xín Hầu đã mạnh dạn phát triển kinh tế, làm giàu để thoát nghèo thì thật đáng để người dân trên địa bàn xã Thái An nói riêng và các xã, huyện lân cận nói chung học tập và làm theo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.