Lễ hội cồng chiêng Đà Lạt - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Lạch
Người dân tộc Lạch sinh sống ở xã Lát, huyện Lạc Dương. (Ảnh: Nguồn Internet)
Nằm dưới chân đỉnh núi Lang Biang hùng vĩ là một buôn làng có tên gọi xã Lát thuộc huyện Lạc Dương. Đây là nơi người dân tộc Lạch (những cư dân đầu tiên của thành phố Đà Lạt mộng mơ) sinh sống, và nó cũng là nơi đáng để bất cứ ai khi đến dừng chân, tìm hiểu nhiều điều thú vị về con người và nếp sinh hoạt văn hóa của vùng cao nguyên Lang Biang.
Văn hóa lễ hội cồng chiêng thường diễn ra vào buổi tối bên đống lửa bập bùng ấm áp. (Ảnh: Nguồn Internet)
Khi mặt trời vừa vắng bóng, màn đêm chuẩn bị bao trùm khắp các bản làng cũng là lúc lễ hội cồng chiêng được tổ chức dưới chân núi Lang Biang huyền thoại. Tại đây, tất cả mọi người sẽ hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào thiểu số, nhâm nhi những chén rượu cần, thịt nướng bên ánh lửa bập bùng cùng với các điệu nhạc dân tộc và âm thanh vang vọng của cồng chiêng… Đó là một thứ âm thanh đặc trưng, đầy sức quyến rũ. Lễ hội cồng chiêng thường được tổ chức làm 2 phần: phần nghi lễ và lễ hội.
Nghi lễ đốt lửa. (Ảnh: Nguồn Internet)
Phần nghi lễ
Trong phần nghi lễ, mọi người sẽ được nghe giới thiệu về buôn làng, sự ra đời của văn hóa cồng chiêng và bức tranh cuộc sống của các dân tộc dưới chân núi Lang Biang. Trong phần nghi lễ, quan trọng nhất có lẽ là nghi lễ cầu thần Lửa. Già làng sẽ mời trưởng đoàn đốt lửa và những nam thanh nữ tú người dân tộc sẽ nhảy điệu ching Wă kwằng để chào đón thần linh và mừng lúa mới.
Rượu cần được xem là sản vật, lễ vật của Tây Nguyên. (Ảnh: Nguồn Internet)
Bên cạnh đó, tất cả mọi người sẽ vừa được chiêm ngưỡng những điệu múa đặc trưng của các nam nữ đồng bào dân tộc, vừa có thể thưởng thức món thịt nướng thơm lừng và nhấp từng ngụm rượu cần. Đó đều là những nghi lễ của riêng dân tộc K’Ho Lạch, những câu chuyện được truyền miệng qua nhiều thế hệ, do đó, sẽ vô cùng bổ ích, lý thú nếu bạn được tận mắt chứng kiến và hòa mình vào các nghi lễ thiêng liêng này.
Điệu nhảy đặc trưng của người dân tộc K’Ho Lạch. (Ảnh: Tiến Thành)
Phần hội
Sau khi kết thúc phần nghi lễ là đến phần lễ hội – điều mọi người thường mong chờ nhất. Từng hồi chiêng được gióng lên giới thiệu cho mọi người về cuộc sống gắn với núi rừng của dân làng và sự ra đời của cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới… Ngoài ra, tất cả mọi người còn có thể hoà mình vào các trò chơi sinh hoạt cộng đồng hay cùng múa hát giao lưu với người dân nơi đây.
Tất cả mọi người có thể hòa mình vào nhảy múa cùng với người dân tộc Lạch nơi đây. (Ảnh: Tiến Thành)
Thật tự hào khi văn hóa lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và người sở hữu của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai, Mạ… và một số dân tộc khác. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu. Hiện tại ở các vùng có cồng chiêng như ở Đà Lạt – Tây nguyên, Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách.
Âm thanh của chiêng trống là một phần không thể thiếu trong lễ hội. Đặc biệt, ngay cả với những người khuyết tật khiếm thị khi tham gia trải nghiệm lễ hội này vẫn cảm nhận được niềm hân hoan và nét đặc trưng riêng của người dân tộc thiểu số K’Ho Lạch. (Ảnh: Nguồn Internet)
Từ bao đời nay, cồng chiêng ở Đà Lạt đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên. Là tiếng nói của tâm linh, là tâm hồn con người để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống của họ, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày. Khi tham gia giao lưu văn hóa lễ hội cồng chiêng dưới chân đỉnh núi Lang Biang, chúng ta tưởng như mình đã trở thành một phần của Tây Nguyên. Tất cả mọi người cùng với dân bản địa quây quần, khám phá văn hóa, ăn thịt, uống rượu,… hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng bập bùng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng – một không gian lãng mạn và huyền ảo chắc chắn sẽ in đậm dấu ấn trong tâm hồn mỗi người khi tham gia trải nghiệm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.