Lễ hội nữ tướng Lê Chân, niềm tự hào dân tộc
Lê Chân là một trong những nữ tướng xuất sắc của Hai Bà Trưng, quê ở trang Yên Biên (làng Vẻn, huyện Khúc Dương, quận Giao Chỉ, nay thuộc khu An Biên, phường Thủy An, TP.Đông Triều, Quảng Ninh). Cha là Lê Đạo, làm nghề thầy thuốc, sống rất nhân từ, quảng đại và sẵn lòng bao dung cứu giúp kẻ nghèo khó. Những ân nghĩa của ông làm dân chúng xa gần mến phục. Mẹ của bà là Trần Thị Châu, một người phụ nữ thuỳ mị, đảm đang, phúc hậu, nổi tiếng về tài chăn tằm, dệt vải. Hai người tuổi cao nhưng chưa có con nên đã đi lễ bái, cầu phúc nơi cửa Phật. Nghe tiếng Yên Tử là nơi có ngôi chùa rất linh ứng, dù đường sá hiểm trở, hai người cũng tìm đến tận nơi thành tâm cầu nguyện. Đêm ấy, ông Lê Đạo nằm mơ, nghe thấy lời truyền bảo: “nhà ngươi có phúc lớn, tiến đến thiên đình. Nay nhân có một tiên nữ được Ngọc Hoàng sai đày xuống trần 40 năm, cho đầu thai làm con, sau sẽ làm rạng rỡ gia đình, con trai cũng không sánh kịp”. Một buổi sáng sớm, bà Châu đi ra ngoài ấp thì thấy một vết chân lớn, đưa chân ướm thử, thấy người xúc động rồi có thai. Sau 12 tháng, ngày 8/2 năm Canh Thìn (20), bà sinh được một con gái, má phấn môi son. Ông, bà đặt tên con là Lê Chân.
Đoàn đại biểu TP.Hải Phòng dâng hương tại Đền Nghè
Bà Lê Chân lớn lên có nhan sắc, giỏi võ nghệ, lại có tài thơ phú. Một hôm, Thái thú Tô Định, một kẻ tham tàn, bạo ngược đi kinh lý qua trang Yên Biên. Nghe kẻ nịnh thần tâu bày về sắc đẹp của nàng Lê Chân, Tô Định bèn dùng quyền thế ép về làm tì thiếp nhưng bị dứt khoát chối từ. Tức tối, Tô Định giết hại cả cha, mẹ nàng. Lê Chân phải rời bỏ quê theo Kinh Tây (nay là sông Kinh Thầy) xuôi xuống phía Nam, đến khu vực ngã ba sông Kinh Thầy, sông Vận và sông Cấm ngày nay (lúc bấy giờ chỉ là một bãi đất phù sa mới bồi lên, lơ thơ mấy khóm cây dại, mấy túp lều tranh của phường chài lưới). Thấy địa hình, đất đai thuận lợi, bà dừng lại lập trại khai phá, dựng nên trang An Biên, nay là TP.Hải Phòng
Tượng đài nữ tướng Lê Chân
Đây là lễ hội được tổ chức thường niên, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc và để tri ân công đức to lớn của Nữ tướng, người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, TP.Hải Phòng ngày nay; tiếp tục phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thông qua hoạt động lễ hội sẽ tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, các điểm du lịch tâm linh tại TP.Hải Phòng.
Ngày 6/3, sau lễ cáo yết và dâng hương là các chương trình: chợ quê; cờ người và các trò chơi dân gian (8h - 16h); múa rối “ Dấu chân huyền thoại” (8h30-9h30); lễ tế nữ quan; chương trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt; khai mạc Hội thi hoa Thủy Tiên; lễ dâng hoa Thủy Tiên vào Thánh cung Đền Nghè; nghệ thuật chèo truyền thống;...
Ngày 7/3 với các hoạt động: liên hoan Võ cổ truyền mở rộng; lễ tế chính; hội thi dân vũ thể thao; lễ tế chính; chương trình thực hành di dản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt; lễ rước gồm 2 đoàn; lễ đón nhận bảo vật quốc gia “ Bộ kim phẩm Đền Nghè” - Khai mạc Lễ hội.
Ngày 8/3 sẽ diễn ra các chương trình: lễ tế tạ và các hoạt động dâng hương của nhân dân; khai mạc Hội thi chim Chào Mào đấu hót; chương trình: “ Canh hát cửa đình”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.