Năm 2022, Nghệ An phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới
Thời gian vừa qua, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM tỉnh Nghệ an gặp rất nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương năm 2021 chưa được phân bổ, chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn chưa được cấp, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm chủ yếu là các xã thuộc huyện miền núi, nên để đạt các tiêu chí đòi hỏi cần phải đầu tư nguồn lực.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đệ báo cáo tại phiên họp chuyên đề của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh năm 2021, nhiệm vụ năm 2022.
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở nông thôn, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, tập trung vào các chương trình trọng tâm. Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2021, đã cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Phát huy tính sáng tạo, vai trò chủ thể của người dân để xây dựng nông thôn mới, vai trò của các tổ chức Đảng, Chính quyền, dân chủ ở nông thôn tiếp tục được nâng lên về chất. Nhiều địa phương đã quyết tâm, nỗ lực cao trong việc phấn đấu đạt chuẩn thôn/bản nông thôn mới, xã Nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao/nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Nông thôn mới, từ đó tạo động lực rất lớn để triển khai Chương trình.
Theo đánh giá đến nay, toàn tỉnh có 284/411 xã đạt chuẩn NTM, đạt 68,61%, Trong đó, có 6 xã thuộc huyện nghèo 30a; 2 xã biên giới; có 41 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; 121 xã có đông đồng bào giáo dân; có 2 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) và xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu).
Có 29 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 7,05%; có 57 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 13,86%; có 45 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 10,94%. Và có 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới: TP Vinh, Thị xã Thái Hoà, huyện Nam Đàn và huyện Yên Thành, Nghi Lộc đã có Quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ; Thị xã Hoàng Mai đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2020 là 34,44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 giảm còn khoảng 3%; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,%; Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn đến nay đạt 85,3%; nước sạch theo QCVN 02/2009/BYT đạt 48%.
Các đơn vị đăng ký đang tập trung mọi nguồn lực để đạt các tiêu chí.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2022 toàn tỉnh Nghệ An phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 310/411 xã tương đương 75,42% số xã toàn tỉnh. Có 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao nâng tổng số xã đạt lên 48/310 xã tương đương 15,48%; thêm 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nâng tổng số xã đạt lên 6 xã; thêm 02 huyện đạt chuẩn NTM nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM lên 9 huyện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2022 đạt khoảng 35,5 triệu đồng/người/năm; xây dựng thêm 166 vườn chuẩn NTM nâng tổng số 382 vườn; thêm 39 thôn/bản đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 16,95 tiêu chí/xã.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, dự kiến năm 2022 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức về mọi mặt, đặt biệt trong việc thực hiện xây dựng NTM. Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, ngay từ đầu tỉnh Nghệ An đã chủ động có những biện pháp gắn liền với tình hình thực tế của địa phương.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản, kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện kịp thời. Thực hiện phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng Nông thôn mới” và các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng Nông thôn mới. Các sở, ban, ngành, địa phương đưa vào chương trình công tác năm các nhiệm vụ của chương trình xây dựng NTM.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã, thủy lợi, khu thể thao xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn, bản. Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn. Quan tâm chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp, ây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn chuẩn. Đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh nâng cao chất lượng an ninh, trật tự an toàn xã hội nông thôn để phát triển kinh tế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.