Giải pháp để doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyên tuân thủ pháp luật hải quan
207 doanh nghiệp tham gia
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thời điểm công bố chương trình vào tháng 9/2022, trong 190.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ có 10% DN tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai. Đáng quan ngại, có đến gần 90% DN đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ.
Ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại hội nghị.
Sau khi công bố, chương trình đã nhận được sự thu hút, quan tâm của cộng đồng DN và sự hưởng ứng của các đơn vị trong ngành. Sau 6 tháng thực hiện, chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đạt được mục tiêu ban đầu về số lượng DN tham gia. Tính đến ngày 31/3 đã có 207 DN tham gia chương trình tại 34/35 cục hải quan; 26 cục hải quan đã hoàn thành việc ký kết biên bản ghi nhớ với DN.
Về cơ bản, các cục hải quan đã triển khai thực hiện các nội dung hướng dẫn theo Công văn 4470/TCHQ-QLRR ngày 25/10/2022 bao gồm: thực hiện tuyên truyền, phổ biến chương trình; ghi nhận tư cách thành viên trên hệ thống; xây dựng kế hoạch hành động và báo cáo định kỳ; thành lập tổ hỗ trợ DN thành viên chương trình để kịp thời xử lý vướng mắc...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến nay, 34 cục Hải quan hoàn thành xây dựng kế hoạch hành động với DN; 32 cục hải quan hoàn thành việc thực hiện thông báo định kỳ cho DN.
Giải pháp mở rộng đối tượng tham gia
Về mục tiêu thực hiện Chương trình trong thời gian tới, Cục Quản lý rủi ro cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia Chương trình, với số lượng dự kiến thực hiện tăng 20% trở lên so với năm 2022, trong đó tập trung vào các loại hình: chế xuất, gia công sản xuất xuất khẩu, đại lý làm thủ tục hải quan, thương mai... Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa công tác hỗ trợ DN ngày càng thực chất, hiệu quả, giúp DN tuân thủ tốt pháp luật và được tạo thuận lợi trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thứ nhất, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các đầu mối triển khai Chương trình tại các Cấp để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong việc quản lý, hỗ trợ tất cả các DN thành viên trong quá trình DNlàm thủ tục xuất nhập khẩu trên phạm vi toàn quốc.
Tổng cục Hải quan ký kết với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan.
Thứ hai, các đơn vị Trường Hải quan Việt Nam, Vụ pháp chế nghiên cứu xây dựng giáo trình, phối hợp với Cục Quản lý rủi ro tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn phòng tránh vi phạm trong lĩnh vực hải quan đảm bảo đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Chương trình.
Thứ ba, Cục Quản lý rủi ro tiếp tục tăng cường vai trò đầu mối Tổng cục trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; thường xuyên nắm tình hình triển khai thực tế tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố để đảm bảo báo cáo Tổng cục diễn biến triển khai Chương trình, kịp thời đề xuất xử lý tình huống phát sinh trong thời gian triển khai.
Thứ tư, Cục Quản lý rủi ro phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và thống kê Hải quan nghiên cứu ứng dụng phần mềm để đảm bảo điều phối, báo cáo, tương tác giữa cơ quan Hải quan với DNthành viên Chương trình trên môi trường số, giảm thiểu tối đa việc thực hiện thủ công và phát sinh công việc hành chính.
Thứ năm, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo đài và các đơn vị, hiệp hội DN trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giải thích cho DN hoạt động xuất nhập khẩu hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của DN khi tham gia chương trình.
Thứ sáu, nghiên cứu phương án cấp Giấy chứng nhận cho DN thành viên khi tham gia Chương trình.
Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi, đánh giá hoạt động của DN và kiểm tra định kỳ việc thực hiện, triển khai các hoạt động hỗ trợ của đơn vị hải quan các cấp trong khuôn khổ chương trình; đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, phối hợp công tác với các cơ quan trong, ngoài ngành và các bên liên quan, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia chương trình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.