Nghệ nhân làng gốm cổ Bát Tràng phục chế thành công men Lang diêu hồng
Lang diêu hồng - Dòng men tiến vua đỉnh cao của gốm sứ Trung Quốc
Lang diêu hồng là một biến thể vô cùng đặc sắc, được phát triển từ dòng men huyết dụ - dòng men lần đầu xuất hiện tại Trung Quốc từ thời nhà Đường (618 - 907), khi khoáng đồng được thêm vào thành phần làm men để tạo mầu cho gốm. Đây là một dòng men vô cùng khó làm với công nghệ đốt lò kiểu cổ. Người Trung Quốc vẫn còn lưu truyền câu thành ngữ “Muốn phá sản, hãy làm sứ men đỏ” để nói về độ khó làm của dòng men quý hiếm này.
Một sản phẩm gốm men Lang diêu hồng được phục chế bởi Nghệ nhân Bát Tràng.
Theo chia sẻ của Nghệ nhân Phạm Anh Đức, Lang diêu hồng - Lang dao hồng (朗窑红) là một dòng gốm nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc, được phát triển từ dòng men truyền thống nổi tiếng là men ‘Huyết dụ’ và được phát minh bởi các lò gốm sứ hoàng gia nhà Thanh với các tên gọi ban đầu là Mỹ nhân túy dứu (美人醉釉), nghĩa là màu da người đẹp đang say; Phấn hồng dứu (粉红釉), nghĩa là màu men đỏ phấn; Tôn nhi kiểm dứu (孩兒臉釉), nghĩa là màu men đôi má trẻ thơ; Giang đậu hồng dứu (豇豆红釉), nghĩa là màu men đậu đũa đỏ; Đào hoa phiến dứu (桃花片釉), nghĩa là màu men cánh hoa đào. Tên gọi của dòng men này sẽ tùy theo sắc thái biến hóa của men khi chế tác. Lang diêu hồng trong tiếng Anh có tên gọi là Peach Blooms, hoặc Green Blood.
Lang diêu hồng lần đầu tiên được phục chế thành công ở Việt Nam
Từ những manh nha thời nhà Minh, hình thành và phát triển rực rỡ ở thời nhà Thanh, đặc biệt dưới ba triều đại Khang Hy, Ung Chính, Càn Long ngành chế tác đồ gốm sứ Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao do kinh tế - xã hội thịnh trị. Phàm những loại gốm sứ cao cấp và những loại gốm sứ đang nghiên cứu chưa hình thành ở thời Minh, hầu như đã được chế tác thành công ở thời Nhà Thanh.
Một sản phẩm gốm men Lang diêu hồng được phục chế bởi Nghệ nhân Bát Tràng.
Càn Long ở ngôi sáu mươi năm, lại là một hoàng đế đam mê nghệ thuật, dưới sự chỉ đạo của ông, những sản phẩm lang diêu hồng có nhiều hỏa biến mà nhiều nghệ nhân chỉ thu hoạch được mang tính ngẫu nhiên, chưa làm chủ được công nghệ then chốt, tương quan giữa nhiệt độ nung và men ở thời Khang Hy đã được nghiên cứu, làm chủ công nghệ để cho ra nhiều sản phẩm theo ý muốn: Màu sắc men đỏ tươi như máu gà gọi là Kê huyết hồng (雞血红), màu sắc đỏ thẫm như máu bò gọi là Ngưu huyết hồng (牛血红). Màu sắc lang diêu hồng thực tế do kim loại đồng phản ứng với không khí ở nhiệt độ cao gần 1300°C, cùng với sự điêu luyện, chủ động điều khiển được biến hóa ngọn lửa của người thợ đốt lò mà thành. Tuy nhiên, khi yêu cầu một nhiệt độ cao như thế ở thời điểm đó là một yêu cầu kỹ thuật khá khó khăn nên không phải dễ để có được một sản phẩm lang diêu hồng toàn mỹ. Nghệ nhân đương thời vẫn có câu hát: Nhược yếu cùng, thiêu lang hồng (若要窮,燒郎红) nghĩa là “Đến đỉnh cao, nung lang dao/diêu” để nói lên sự tinh tế, thách thức và tính nghiêm túc trong quá trình làm ra những tác phẩm Lang diêu hồng.
Một sản phẩm gốm men Lang diêu hồng được phục chế bởi Nghệ nhân Bát Tràng.
Theo nghiên cứu của Nghệ nhân Phạm Anh Đức, sau thời Nhà Thanh, dòng men Peach Blooms/Lang diêu hồng đã gần như bị thất truyền. Điều hấp dẫn nhất của dòng men này là những bí mật của kỹ thuật tráng men và nung đốt. Cốt lõi của Lang diêu hồng hay Peach Bloom là một loại men được làm từ gốc ôxít đồng. Tuy nhiên, tất cả người trong nghề ai cũng rõ, ôxít đồng khi nung ở môi trường ôxy sẽ tạo ra màu xanh, còn trong môi trường nung khử sẽ cho ra màu hồng, đỏ, tím. Sự vừa đủ giữa các yếu tố: đất, men, nhiệt độ, môi trường nung, thời tiết… sẽ tạo ra màu men với nhiều màu sắc ngẫu nhiên, nhưng thường chỉ lên được độc sắc, hoặc màu đỏ, hoặc màu xanh.
Một sản phẩm gốm men Lang diêu hồng được phục chế bởi Nghệ nhân Bát Tràng.
Cũng theo Nghệ nhân, trong ngành gốm sứ, khi nhìn thấy trên cùng một sản phẩm có cả hai màu men xanh và màu đỏ đồng thì đó gần như là điều không tưởng, vì ở môi trường khác nhau sẽ cho ra các màu khác nhau. “Trong quá trình nghiên cứu và nung trong nhiều năm, đã trải qua rất nhiều lần thất bại, cuối cùng có một cơ duyên, phải gọi là may mắn nữa, thì mình mới phát hiện ra nguyên lý và làm chủ được cách tạo ra màu men đỏ lẫn xanh này. Đến nay mình đã thành công khi cho ra lò 5 mẻ gốm men Peach Blooms/Lang diêu hồng”, Nghệ nhân Đức tâm sự.
Cũng theo chia sẻ của Nghệ nhân Đức, để ra được những sản phẩm có màu men độc đáo, khác lạ, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, đó là bí quyết trong nghề. Quyết định cho ra màu đặc biệt của sản phẩm men gốm này là quá trình nung trong khoảng nhiệt độ từ 1260°C đến 1280°C. Để ra được những sản phẩm đẹp về mẫu mã, chất lượng thì yếu tố nung vẫn là quan trọng nhất, tại Việt Nam cũng như tại Làng gốm cổ Bát Tràng chưa ai làm được sảm phẩm có chất men Peach Blooms/Lang diêu hồng tương tự.
Các sản phẩm gốm men Lang diêu hồng được phục chế bởi Nghệ nhân Bát Tràng.
Hiện tại, sau một vài mẻ gốm men Lang diêu hồng thành công, sản phẩm gốm của Nghệ nhân Phạm Anh Đức đã được nhiều người biết đến. Nhiều chuyên gia gốm sứ và khách hàng đánh giá cao về dòng sản phẩm này. Trong làng cũng đã xuất hiện hiện tượng một số nghệ nhân, nhà lò đang tập trung tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm để sản xuất dòng sản phẩm này.
“Bên cạnh những nghệ nhân, nhà lò rất nghiêm túc trong nghiên cứu, thử nghiệm, tôi thấy rằng, một số cơ sở đã phát ngôn với khách hàng họ cũng đang làm men Peach Blooms/Lang diêu hồng, nhưng tìm hiểu thì thấy người ta nung trong môi trường ô xy nên chỉ ra được màu xanh thôi, còn màu đỏ người ta lấy màu của ôxit sắt. Màu đỏ của ôxit sắt khác hoàn toàn so với màu đỏ huyết dụ được tạo thành từ ôxit đồng. Màu đỏ của oxit sắt không có giá trị và thẩm mỹ bằng màu đỏ đồng.
Nghệ nhân Phạm Anh Đức đã phục chế được men Lang diêu hồng.
Cách làm của các nhà lò như vậy là không tử tế với chính họ, xét ở góc độ đạo đức nghề nghiệp và với cả khách hàng. Tôi hy vọng trong thời gian tới, Bát Tràng quê tôi sẽ có nhiều gia đình, nghê nhân cũng sản xuất được men Lang diêu hồng/Peach Blooms, để khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn, cùng nhau thi đua, phấn đấu một cách lành mạnh, nhưng không nên vì thấy thị trường đang ‘trend’ men Lang diêu hồng/Peach Blooms, vì chút lợi nhuận trước mắt mà sử dụng các tiểu xảo để lừa dối khách hàng rằng sản phẩm của gia đình mình là men Lang diêu hồng/Peach Blooms”, Nghệ nhân Phạm Anh Đức mong muốn.
Giữ lửa làng nghề
Nghệ nhân Bát Tràng Phạm Anh Đức là người con sinh ra và lớn lên tại quê hương Bát Tràng. Từ thuở bé đã đã biết đến gốm sứ của Bát Tràng, Nghệ nhân có bố là Nghệ nhân Phạm Ngọc Huy và người anh sinh đôi là Nghệ nhân Hà Nội Phạm Anh Đạo rất nổi tiếng. Truyền thống của quê hương và gia đình cũng là động lực để các anh theo đuổi đam mê với nghề truyền thống của địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.