Nghị lực 4 người khuyết tật Việt tài năng

2019-12-22 10:52:28 0 Bình luận
4 người khuyết tật (NKT) Việt tài năng mà tôi sắp kể dưới đây đó là Trần Mạnh Chánh Quân, Trần Tôn Trung Sơn, Lê Bá Ninh, Phan Thị Rát. Họ đều là những NKT truyền cảm hướng cho mọi người bằng trí tuệ và nghị lực sống.

Trần Mạnh Chánh Quân - Người truyền cảm hứng mạnh mẽ trên đất Mỹ:

Trần Mạnh Chánh Quân (sinh năm 1992), ở TP. Vũng Tàu. Quân mắc chứng bệnh bại não khi vừa mới lọt lòng mẹ.

Trần Mạnh Chánh Quân, du học sinh trường Georgia Gwinnett College (Mỹ).

Bà Lê Mạnh Nữ Vinh Sơn, mẹ của Trần Mạnh Chánh Quân kể rằng: Tuy mắc căn bệnh bại não, song Chánh Quân rất thích học và học rất nhanh. Cấp 1, cấp 2, Quân đều học trường thường như các bạn. Tới năm cấp 3, Quân còn thi đỗ vào lớp chuyên Tin của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu). Các thầy cô tại trường đều nhận xét Quân là một học sinh rất "bướng" nhưng bù lại, cậu cực kì sáng tạo và chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Cái sự bướng, sự lì của Chánh Quân còn được thể hiện bằng hành động. Như việc Quân đã trốn mẹ, một mình quyết leo 1.000 bậc thang lên núi Tao Phùng (bãi Sau TP. Vũng Tàu) để chứng minh với thầy cô mình đủ sức khỏe tham gia kỳ thi Học sinh giỏi cấp Quốc gia năm học 2009 - 2010.

Nhận xét về ý chí của Trần Mạnh Chánh Quân, cô Phạm Thị Nhung, cựu giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn - người từng trực tiếp giảng dạy Quân chỉ biết dùng hai từ "nghị lực". Đối với cô, Chánh Quân là một người có bản lĩnh, có tâm, có tầm và có tình.

Năm 2010, Trần Mạnh Chánh Quân lên đường sang Mỹ du học. Đây là một quyết định gần như không tưởng của cả Quân và mẹ Quân. Thế nhưng, Chánh Quân bằng sự lạc quan, yêu đời và tự lập của mình nơi đất khách quê người đã dần dần xoa dịu được lo lắng trong trái tim người mẹ.

Ngày 20/4/2017, "Chim cánh cụt đất Việt" Trần Mạnh Chánh Quân được trường Georgia Gwinnett College (GGC) bang Georgia, Mỹ trao danh hiệu "Unsung hero" (Người hùng thầm lặng) nhờ lòng tốt và lối sống truyền cảm hứng.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, hiện Chánh Quân đang là một nhân viên nghiên cứu cho công ty công nghệ Emurgo. Theo anh Frank Nguyễn, CEO của Emurgo, Chánh Quân là một nhân viên đầy sáng tạo và hòa nhập rất tốt. Dù giao tiếp không lưu loát nhưng Chánh Quân vẫn có cách riêng để thuyết phục tất cả về các sản phẩm mình làm ra.

Nhận xét về Chánh Quân, cô Nhung nói: "Quân là người không biết nói nhưng lại nói được nhiều nhất. Em nói bằng thành quả, bằng tấm lòng của em. Quân là người đi không vững nhưng lại đi được rất nhiều nơi. Bởi em có đôi chân của bạn bè, đôi chân của trí tuệ".

Trần Tôn Trung Sơn: Người viết luận văn khiến các giáo sư của Đại học Harvard bật khóc:

Trần Tôn Trung Sơn (sinh năm 1992), trong một gia đình nông thôn nghèo cạnh sông Bến Hải (Quảng Trị). Ngày Sơn ra đời, gia đình không ai cầm được nước mắt vì cánh tay trái của Sơn ngắn và teo, bàn tay phải chỉ có hai ngón. Họ càng đau đớn hơn khi nghe những lời dị nghị về hình hài khác thường của cậu bé. Cuối cùng, ba mẹ Sơn đành phải rời làng vào Nam, để tránh những lời dị nghị khó nghe khi nói về hình hài của đứa con xấu số của mình.

                        

Bài luận văn với tựa đề “Nhìn đời qua bàn tay” của Trần Tôn Trung Sơn đã làm cho các giáo sư ĐH Harvard bật khóc

Ba năm đầu tiên ở xứ người, nhà của Sơn là công viên Tao Đàn. Ban ngày ba mẹ gửi Sơn tại làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) để đi làm thuê, đêm thì cả nhà trải một tấm chiếu dưới đất trong công viên rồi ngủ. Thế nhưng, dù trong hoàn cảnh khốn cùng nhất ấy, họ vẫn không nguôi hi vọng nuôi cậu con trai khuyết tật ăn học nên người.

Bảy năm sau, ba mẹ Sơn mới dành dụm đủ tiền để thuê một phòng trọ nhỏ cho 3 người “tá túc”. Sau nhiều lần đi gõ cửa từng trường, cuối cùng sự nỗ lực của ba Sơn đã khiến cô hiệu trưởng trường tiểu học Vạn Hạnh xúc động. Cô đồng ý nhận Sơn vào học. 

Trường học cách 20km, ba Sơn phải xin làm ở một chỗ gần trường để đưa đón con. Tan trường, ba Sơn lại chở con trai đến nhà một cô giáo dạy trẻ khuyết tật cách đó 15km để luyện viết chữ. Phải đến tận 9 giờ tối hai cha con mới về tới phòng trọ, ngày nào cũng vậy. 

Nhìn con tập viết bằng 2 ngón tay vô cùng đau đớn, ba Sơn rất đau lòng, nhưng đành phải nuốt nước mắt vào trong động viên con cố gắng… Không phụ lòng cha mẹ, Sơn càng lớn càng thông minh. Năm lớp 5, Sơn là một trong 5 học sinh xuất sắc nhất Quận Tân Bình, thủ khoa khi thi vào lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đậu vào Trường phổ thông Năng khiếu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và trở thành học sinh xuất sắc của trường.

Năm 2010, sau khi học xong lớp 11, Sơn nhận được học bổng 2 năm lớp 11 và 12 tại Trường trung học Fairmont (Mỹ). Đồng thời chàng trai trẻ cũng tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện tại châu Phi, dạy học cho trẻ em nghèo, gây quỹ giúp đỡ người vô gia cư…

Bài luận văn với tựa đề “Nhìn đời qua bàn tay” của Trung Sơn khi nộp đơn vào ĐH Harvard đã khiến các giáo sư bật khóc và chàng trai nhỏ bé ấy đã nhận được học bổng toàn phần của trường với ngành công nghệ thông tin. 

“Khi còn là đứa trẻ, bàn tay này đã víu chặt mặt đất để giúp tôi cân bằng. Nó đã nắm chặt lại để giúp tôi có những cú đấm mạnh nhất khi chơi võ. Nó bám chặt vào thành chiếc xe đạp đua 4 bánh của tôi. Khi lớn lên, bàn tay này đã chịu đau đớn viết nên những con số, những nét chữ cho đến khi tôi có thể viết nên bài luận đầu tiên của mình về mẹ. Sau này, nó đã cầm bút để diễn tả những suy nghĩ tôi có trong đầu và giúp tôi giải những bài toán khó. Bàn tay duy nhất này đã từng tháo rời chiếc xe đạp của bố tôi ra để xem nó hoạt động thế nào, giúp tôi xoay tròn chiếc thước lên không trung giống như các nhà sư Thiếu Lâm, hay thích thú vẽ nên những bức tranh người quen. Nó đã cầm viên phấn khi tôi dạy toán cho trẻ em nghèo, gõ lên bàn phím khi tôi làm việc cho một công ty máy tính trong kỳ nghỉ hè, và nắm lấy tay của bất cứ ai tôi gặp…

Những chiếc ghế công viên đã trở thành ngôi nhà mới của chúng tôi, nơi hành trình của tôi bắt đầu. Bố tôi làm việc cả ngày trong nhà hàng, trên lưng vừa cõng tôi vừa rửa bát đĩa và lau chùi nhà vệ sinh. Đêm đến, hai cha con tôi ngủ trên bất kỳ chiếc ghế nào tìm thấy. Để giữ ấm cho tôi, bố tôi cởi áo trải lên ghế và ôm chặt lấy tôi… Trong ba năm, bố tôi chưa một đêm ngủ yên. Trong ba năm đó, ông đã không ngừng từ bỏ hy vọng sẽ tìm ra cuộc sống tốt hơn cho tôi”

(Trích Luận văn Trần Tôn Trung Sơn gửi Đại học Harvard)

Năm 2016, Sơn nộp hồ sơ vào Tập đoàn IBM và trở thành cố vấn của tập đoàn. Vượt qua hàng ngàn ứng viên, cậu bé khuyết tật ấy đã trở thành một trong 8 người xuất sắc nhất đáp ứng yêu cầu khắt khe của 4 hội đồng chuyên môn. 

Tháng 12/2017, Sơn được thăng chức trở thành quản lý vùng, làm việc tại Atlanta, bang Georgia (Mỹ).

Lê Bá Ninh: "Ước mơ của em là giúp những NKT tiếp cận cơ hội học tập bình đẳng, để tiềm năng của họ không bị phí hoài":

Lê Bá Ninh sinh năm 2000, ở phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa, trong một gia đình có hai anh em, bố mẹ làm viên chức bình thường.

Lúc lên 3 tuổi, vì bị cao giác mạc nên Ninh phải mổ bỏ mắt phải và lắp vào đó một con mắt giả thẩm mỹ. Khiếm khuyết ấy đã khiến Ninh luôn mặc cảm về bản thân.

                                         Lê Bá Ninh, chàng trai chỉ “nhìn đời bằng một con mắt”

Ninh bắt đầu theo học tiếng Anh từ năm lớp 3 và tự thấy mình có khả năng nên đã quyết tâm theo đuổi đam mê. Trong khi đó, gia đình không có nhiều điều kiện nên Ninh mong muốn tìm một gói hỗ trợ học bổng toàn phần để theo học.

Ninh là học sinh nổi bật ở trường chuyên Lam Sơn. Năm lớp 9, Ninh giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp thành phố và cấp tỉnh. Lớp 10 và 11, Ninh giành huy chương bạc trong kỳ thi giao lưu học sinh giỏi giữa các trường chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ và giải ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 12.

Nhớ lại những ngày đầu năm 2017 khi làm hồ sơ, với Ninh là cả một quá trình dài và gặp không ít khó khăn. 

Mặc dù thời gian chuẩn bị gấp, với lòng kiên trì, được thầy cô, bạn bè giúp đỡ, cộng với vốn tiếng Anh tương đối khá, nên điểm số chuẩn hóa mà Ninh đạt được là khá ấn tượng: Sat 1: 1500/1600, Sat 2: thi hai môn Sử Mỹ được 720/800 và Toán 2 được 790/800, IELTS 8.0. Với những thành tích xuất sắc của mình, Ninh đã đậu vào trường đại học Soka University of America với gói học bổng Global Merit Scholarship.

Với việc đậu vào Trường đại học Soka University of America, Ninh sẽ nhận được gói học bổng trị giá khoảng 50.000 USD/năm, tương đương với gần 5 tỷ đồng trong suốt 4 năm học.

Từ những trải nghiệm của bản thân, Ninh đã viết về cái nhìn sai lệch của nhiều người đối với những NKT, về những “sự thương hại” tưởng chừng vô hại nhưng trên thực tế lại có thể khiến cho việc hòa nhập cộng đồng trở nên khó khăn hơn. Ninh tự thấy bản thân mình là một người may mắn vì vẫn có thể nhìn được và quan trọng nhất là được học hành đến nơi, đến chốn, điều mà nhiều NKT ở nước ta không có do sự thiếu thốn về những cơ sở vật chất có thể đáp ứng được nhu cầu của họ. 

Phan Thị Rát: Luôn cố gắng gắn kết người khuyết tật với cộng đồng

Phan Thị Rát (sinh năm 1990), quê Ninh Thuận. Cũng như các chị, đến năm 4 tuổi, các ngón tay của Rát bắt đầu co quắp, chân teo tóp lại và dần dần các ngón chân không thể cử động được. Ban đầu, Rát chỉ bước đi khập khiễng thôi, nhưng đến bây giờ thì tay chân Rát càng ngày càng yếu đi, phải di chuyển bằng cách dùng tay nhấc từng bàn chân một.

                                    

Phan Thị Rát, từ cô học trò nhút nhát, mặc cảm với cơ thể khiếm khuyết, trở thành thủ lĩnh hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ cho những người yếu thế

Với khuyết tật của mình, tập viết là một cực hình đối với Rát, do các ngón tay đều co quắp lại nên cầm bút rất khó. Bị bạn bè trêu chọc, có lúc Rát nản lòng, muốn từ bỏ việc viết chữ. Thế nhưng, chính tình yêu thương dành cho cha mẹ đã giúp Rát có được nghị lực, ý chí tự động viên mình vượt qua nghịch cảnh.

 Lên THPT, Rát theo học trường ở thành phố Phan Rang cách nhà 30 km. Xa hẳn sự hỗ trợ của ba mẹ, Rát phải tự lo mọi việc từ sinh hoạt đến ăn uống. Cô cho rằng những năm THPT có ý nghĩa rất lớn vì cô tích lũy được nhiều kỹ năng và kinh nghiệm sống. 

Sau bao nỗ lực, Rát thi đỗ vào Trường đại học Mở TP.HCM. Đến với thành phố mới, Rát vẫn chưa thể cởi bỏ mặc cảm khiếm khuyết. Mỗi lần nghĩ về những vật cản như bậc thang, con dốc, Rát lại không muốn ra ngoài.

Sau này, Rát dần học cách phá bỏ rào cản của bản thân bằng cách nghĩ về những bất tiện sẽ gặp phải để tìm ra giải pháp chứ không né tránh. Rát mạnh dạn tham gia các hoạt động từ chiến dịch mùa hè xanh của thành đoàn, thủ lĩnh nhóm Đột Phá (nhóm các bạn thanh niên khuyết tật có năng lực và muốn thay đổi cuộc đời) của DRD... Ngoài ra, Rát còn tích cực tổ chức nhiều sự kiện cho người yếu thế. Rát nhận ra bước ra ngoài để mở rộng quan hệ, trau dồi giao tiếp: “Ở nhà là tự biến mình trở thành người vô dụng”.

 Tốt nghiệp Trường đại học Mở TP.HCM với tấm bằng giỏi, hiện Rát là nhân viên dự án của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), cố gắng gắn kết người khuyết tật với cộng đồng.

Rát mong muốn xã hội nhìn nhận người khuyết tật không phải là những cá thể yếu tay, yếu chân mà trao cơ hội để họ phát huy khả năng. Rát rất tâm đắc với câu nói “khuyết tật là một sự bất tiện chứ không phải là bất hạnh”.

Ở DRD, Rát nhận ra nhiều người khuyết tật không tự tin nộp đơn xin việc làm vào các công ty. Đa số, người khuyết tật đều trở thành lao động phổ thông, không được trả lương xứng đáng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng. Vì vậy, Rát hướng đến hỗ trợ kiến thức và kỹ năng cho người khuyết tật giúp họ tự kiếm ra tiền.  

Năm tới Rát sẽ theo học ngành doanh nghiệp xã hội thuộc học bổng toàn phần của chính phủ Úc. Rát dự định sau khi đi học về có thể xây dựng công ty chuyên giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Công ty này sẽ giúp người khuyết tật tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và kết nối với doanh nghiệp. Đồng thời tư vấn cách tuyển dụng người khuyết tật cho các công ty, cải tạo môi trường làm việc để người khuyết tật đi làm thuận tiện hơn. Ngoài ra, Rát còn lên ý tưởng tạo việc làm cho người khuyết tật ở các vùng quê bằng việc trồng rau sạch.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Cao Bằng tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động

Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu tháng 4/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn.
2024-03-27 13:39:07

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 20/3/2024, Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà là hai thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam do ông Hà Đình Thái, Ủy viên ban chấp hành dẫn đoàn có chuyến viếng thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
2024-03-26 21:16:00
Đang tải...