“Anh chị em – những người bạn đồng hành không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của trẻ khuyết tật”
Sự kiện do ba đơn vị uy tín phối hợp tổ chức: Trường Perkins School for the Blind- Mỹ, Trung tâm khiếm thị Bàn Tay Khéo Léo và Hội Cha mẹ Trẻ Khiếm thị Việt Nam, nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng của người khuyết tật Việt Nam.
Khi nói đến hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em, người ta thường nhấn mạnh vai trò của cha mẹ, thầy cô, các nhà chuyên môn hay chính sách xã hội. Nhưng còn một nhân tố vô cùng gần gũi, âm thầm và bền bỉ đồng hành với các em mỗi ngày - đó chính là anh chị em ruột.
Lần đầu tiên, một hội thảo chuyên đề tại Việt Nam đã dành toàn bộ không gian để lắng nghe, thảo luận và chia sẻ về vai trò của những người anh, người chị, người em trong gia đình có trẻ khuyết tật. Đây là một góc nhìn rất mới nhưng cũng rất đời thường – như lời một phụ huynh tham dự bày tỏ: “Chủ đề rất hay và cũng rất mới, nhưng lại rất gần gũi, vì đó là câu chuyện của chính gia đình chúng tôi mỗi ngày.”
Hội thảo có sự hiện diện và chia sẻ của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thắm - giảng viên khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhấn mạnh:
"Để anh chị em của trẻ khuyết tật có thể trở thành những người bạn đồng hành tích cực và hiệu quả, các em cần được truyền đạt kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là tình yêu thương đúng cách."
Bà Chử Thanh Hương - đại diện Hội Cha mẹ Trẻ Khiếm thính Việt Nam - chia sẻ những trải nghiệm từ chính hành trình của mình với con, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn sự công bằng, tránh thiên vị giữa các con trong gia đình, từ đó xây dựng một môi trường gia đình yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.
Còn thạc sĩ khiếm thị Lê Hương Giang - chuyên gia tâm lý học lâm sàng - đặt vấn đề từ góc độ tâm lý gia đình:
"Một trong những khó khăn lớn nhất của anh chị em trong gia đình có trẻ khuyết tật là cảm giác bị bỏ quên hoặc gánh nặng trách nhiệm. Do đó, điều đầu tiên cần làm là giúp các em học cách chấp nhận, thấu hiểu và biết yêu thương người thân của mình - không phải bằng sự thương hại, mà bằng sự tôn trọng và bình đẳng."
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia
Hội thảo không chỉ là nơi trao đổi học thuật, mà còn là một không gian rất nhân văn để các gia đình cùng chia sẻ câu chuyện đời thường của mình. Anh Đoàn Hữu Hậu - đại diện Hội Cha mẹ Trẻ Khiếm thị Việt Nam - không giấu được sự xúc động khi nói:
"Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội được nghe và suy ngẫm sâu hơn về vai trò của các anh chị em trong gia đình có trẻ khuyết tật. Tôi nhận ra rằng đôi khi sự hỗ trợ đến từ chính những người anh chị em này còn hiệu quả hơn cả vai trò của bố mẹ vì các cháu có sự đồng điệu cùng nhau về lứa tuổi."
Bên cạnh việc chia sẻ, hội thảo cũng đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, từ cấp độ gia đình đến cấp độ chính sách xã hội:
Hướng dẫn kỹ năng cho anh chị em: Các chuyên gia khuyến nghị nên xây dựng tài liệu và các lớp học kỹ năng dành riêng cho anh chị em của trẻ khuyết tật, giúp các em hiểu rõ vai trò của mình, biết cách hỗ trợ phù hợp và giảm bớt gánh nặng tâm lý.
Tư vấn tâm lý thường xuyên cho cả gia đình: Gia đình có trẻ khuyết tật nên có các buổi tư vấn tâm lý định kỳ để hỗ trợ không chỉ trẻ, mà cả những anh chị em cùng lớn lên trong bối cảnh đặc biệt.
Hội thảo là nơi để mọi người sẻ chia cùng nhau
Tạo không gian chia sẻ giữa các gia đình: Việc kết nối các gia đình có chung hoàn cảnh sẽ giúp tạo nên cộng đồng đồng hành, nơi các bậc phụ huynh và anh chị em có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm, động viên và học hỏi lẫn nhau.
Tăng cường giáo dục cộng đồng về vai trò của anh chị em trong chăm sóc trẻ khuyết tật: Đây là cách để phá bỏ những định kiến và tạo ra môi trường đồng cảm, hỗ trợ trong nhà trường và xã hội.
Hội thảo khép lại nhưng những dư âm vẫn đọng lại trong từng câu chuyện, từng ánh mắt và nụ cười của người tham dự. Tình anh chị em - thứ tình cảm tưởng như giản đơn - lại chính là sợi dây gắn kết, là điểm tựa tinh thần quý giá giúp trẻ khuyết tật tự tin hơn trên con đường phát triển.
Ban Tổ chức hội thảo chia sẻ mong muốn sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều buổi chia sẻ tương tự, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và trong nước, mở rộng đối tượng tham dự để ngày càng có nhiều người hiểu, đồng hành và yêu thương trẻ khuyết tật đúng cách.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.