Ngoại giao đa phương “gặt hái mùa vàng”

2016-02-07 21:09:43 0 Bình luận
Năm 2015 là năm bận rộn nhất của đối ngoại Việt Nam. Các đoàn khách, các nguyên thủ quốc tế tấp nập đến thăm Việt Nam. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước liên tục có các chuyến công du, hội đàm với hàng chục đối tác, đặc biệt là các cường quốc lớn...

“Khi tôi bước vào phòng Bầu dục, tôi đã nhìn thấy Tổng thống Barrack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi đó. Ở bên cạnh hai ông là các thành viên của đoàn Việt Nam và Phó Tổng thống Joe Biden, Thư ký an ninh quốc gia Hoa Kỳ… Tôi cứ tưởng là mình đang mơ và đã phải véo vào má để biết rằng đây là sự thật. Một cuộc hội đàm lịch sử, ghi dấu ấn vô cùng quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước”, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius kể.

Việt - Mỹ: Lịch sử và bước ngoặt

Có lẽ, năm 2015 là năm bận rộn nhất của đối ngoại Việt Nam. Các đoàn khách, các nguyên thủ quốc tế tấp nập đến thăm Việt Nam. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước liên tục có các chuyến công du, hội đàm với hàng chục đối tác, đặc biệt là các cường quốc lớn như: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức…; tiếp tục thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, trong đó có 2 nước Đông Nam Á rất quan trọng là Philippines và Malaysia. Tuy nhiên, một trong những điểm sáng, đánh dấu bức tranh đối ngoại đặc biệt trong năm 2015 của Việt Nam là chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giới báo chí cũng như giới chuyên gia trong và ngoài nước đã gọi đây là chuyến thăm “lịch sử” có tính chất “bước ngoặt”.

 Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bên trái) với Tổng thống Mỹ Barrack Obama

Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Ngoại giao), có mấy yếu tố có thể ghi nhận về tính chất lịch sử của chuyến thăm này. Đầu tiên, xét về quan hệ Việt – Mỹ, trước đó đã có một số chuyến thăm cấp cao như chuyến thăm của Chủ tịch nước, của Thủ tướng. Nhưng đây mới là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ. Còn đối với Mỹ, việc đón Tổng Bí thư của một Đảng Cộng sản nước ngoài là một chuyện hy hữu trong lịch sử. Thậm chí trong cuốn cẩm nang về lễ tân của Nhà Trắng không có mục nào về tiếp đón người đứng đầu Đảng chính trị, đặc biệt là Đảng Cộng sản. Bởi vậy, trong quá trình chuẩn bị chuyến thăm, phía Mỹ mong muốn Việt Nam cung cấp các tư liệu về việc lãnh tụ Đảng của chúng ta, tức  là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi sang một số nước phương Tây  như Anh, Pháp… được đón tiếp như thế nào để đảm bảo nghi thức lễ tân của Hoa Kỳ không thấp hơn, thậm chí phải trang trọng hơn nghi thức lễ tân của các nước khác.

 
 

 

Dẫu sao, đấy mới chỉ là cái biểu hiện bên ngoài. Tính lịch sử của chuyến thăm còn thể hiện ở những nội dung trao đổi, những điểm rất mới trong quan hệ Việt – Mỹ. Những điểm này tiếp tục tạo ra dấu ấn lịch sử, bước ngoặt lịch sử trong quan hệ song phương mà có lẽ nhiều năm sau, thậm chí hàng thập kỷ sau chúng ta mới cảm nhận được hết ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm này.

Kết thúc ngày 7/7/2015 - ngày có cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barrack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và có cuộc chiêu đãi của Phó Tổng Thống Joe Biden để chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 2 bên đã thông qua Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam –Hoa Kỳ. Tuyên bố đó bắt đầu bằng một câu: Nhận lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử tới Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Như vậy, từ “lịch sử” không phải chỉ chúng ta nói, không phải chỉ báo giới, học giả nói, mà ở cương vị ngoại giao chính thức, cả hai bên đều công nhận việc đó.

Tính chất “bước ngoặt” của chuyến thăm này còn được thể hiện ở chỗ, trong vòng 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, chúng ta đã chứng kiến hai Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam là ông Bill Clinton (tháng 11/2000) và ông George Bush (tháng 11/2006). Hai Chủ tịch nước và Thủ tướng của chúng ta cũng đã thăm Mỹ. Nhưng đến giờ, lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị của chúng ta là Tổng Bí thư mới đi Mỹ. Chuyến thăm của Tổng Bí thư là đỉnh cao của quan hệ chính trị, của 20 năm bình thường hoá. Khi đưa ra lời mời với Việt Nam, rõ ràng Mỹ đã thừa nhận thực tế Đảng Cộng sản là người lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam, tức là thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nói về ý nghĩa của chuyến thăm này, chính Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã phải thừa nhận: Sau 20  năm, hai nước đã đi từ chỗ là kẻ thù của nhau, đến được những bước như thế này thật đáng kinh ngạc. Bởi có những nước không bị chết nhiều người đến như thế, không bị chiến tranh tàn phá nặng nề đến như thế, hậu quả chiến tranh không kéo dài đến thế, mà 70 năm sau chiến tranh, người ta vẫn còn “găm nhau” chuyện cũ.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius khi chia sẻ với báo giới trong và ngoài nước ngay tại tòa Đại sứ ở Hà Nội cũng đã nhiều lần nhấn mạnh cụm từ “chưa bao giờ tốt đẹp hơn hiện tại”. Ông chia sẻ: “Khi tôi bước chân vào phòng Bầu dục (Nhà Trắng), tôi thấy Tổng thống Barrack Obama ngồi một bên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi một bên. Ở bên cạnh họ là các quan chức cao cấp của cả hai nước, và đặc biệt là phía Mỹ có cả Phó Tổng thống, Cố vấn an ninh quốc gia, Bộ trưởng Ngân khố... Tôi đã phải tự cấu vào má mình để chắc chắn rằng, đây không phải là một giấc mơ”.

Việt - Trung: Những cái bắt tay

Tháng 4/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức Trung Quốc. Tháng 11/2015, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Tháng 12/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Trung Quốc… Có lẽ không cần phải nói nhiều hơn nữa để thấy rằng mối quan hệ Việt – Trung đang được củng cố, duy trì với quyết tâm cao độ của lãnh đạo và nhân dân 2 nước, và bởi mối quan hệ Việt - Trung luôn có ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định và phát triển ở mỗi nước và cả khu vực.

Tại cuộc hội đàm ngày 7/4/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí sẽ cùng chỉ đạo việc quán triệt và thực hiện đối với tất cả các ngành, các cấp, đến tận cán bộ, đảng viên, để thống nhất trong nhận thức và thể hiện nhất quán trong hành động cụ thể với tinh thần “nói đi đôi với làm” nhằm góp phần củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, hữu nghị giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững và ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.

Đầu tháng 11/2015, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong 9 năm qua, và cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất trong ban lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc đến nước ta.

Về phía Việt Nam, lần đầu tiên trong vòng hàng chục năm qua, nước ta đã tổ chức lễ đón một nhà lãnh đạo nước ngoài bằng nghi thức trang trọng nhất, với 21 loạt đại bác chào mừng. Trong bài phát biểu trước toàn thể Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, nguyện cùng với phía Việt Nam kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt tiếp tục phát triển ổn định và lành mạnh, mang lại lợi ích to lớn hơn nữa cho nhân dân hai nước.

Năm “bội thu” của đối ngoại song phương

Ngày 24/11, khi chiếc chuyên cơ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân vừa bắt đầu bay vào không phận của CHLB Đức, hai chiếc chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon hiện đại nhất của Không quân Đức đã lập tức xuất hiện, chào mừng và hộ tống chiếc chuyên cơ cho đến khi hạ cánh xuống sân bay Berlin-Tegel.

Không chỉ được máy bay chiến đấu ra đón và hộ tống chuyên cơ, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn được phía nước bạn Đức chào mừng bằng nghi thức long trọng nhất với 21 phát đại bác trong lễ đón chính thức. Đây hoàn toàn không phải là những nghi thức lễ tân ngoại giao thông thường,  bởi như chính báo chí Đức đưa tin, việc nước này phái hai máy bay chiến đấu tháp tùng chuyên cơ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho tới khi hạ cánh xuống sân bay quân sự Berlin-Tegel là một ngoại lệ khá hiếm hoi, và chỉ dành cho những “vị khách đặc biệt” là nguyên thủ của các quốc gia mà Đức coi trọng nhất trong quan hệ ngoại giao.

Có thể nói năm 2015 là năm “bội thu” trong lĩnh vực đối ngoại song phương của Việt Nam. Năm 2015 diễn ra nhiều chuyến công tác mang tính lịch sử của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các nước, góp phần thúc đẩy và nâng cao hơn nữa quan hệ song phương với nhiều đối tác, tiếp tục thể hiện rõ nét đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế cũng như vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Không chỉ với Hoa Kỳ hay Trung Quốc, năm 2015, Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc dày đặc với nhiều đối tác khác, trong đó có Nga – người bạn lớn truyền thống của nhân dân Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có không dưới 3 lần hội đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vào ngày 6/4/2015 (nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Medvedev), ngày 30/5/2015 (bên lề lễ ký hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu tại Kazakhstan), ngày 21/11/2015 (trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan). Chưa hết, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Philippines ngày 18/11/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tham gia nghi thức tiếp đón ngoại giao long trọng

Với một đối tác quan trọng khác ở châu Á là Nhật Bản, chúng ta cũng có thể nhận ra “những cái bắt tay chặt chẽ”. Trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 15/9/2015 tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, giao lưu và hợp tác giữa Quốc hội và các chính đảng hai nước; mở rộng và làm sâu sắc hơn các cơ chế hợp tác đối thoại hiện có. Cũng trong năm 2015, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản, ngày 4/7, tại Thủ đô Tokyo,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án quan trọng, sớm hoàn thành tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp.

Ngoại giao đa phương “gặt hái mùa vàng”

Không chỉ thành công trong lĩnh vực ngoại giao song phương, năm 2015 đánh dấu thêm nhiều bước tiến ấn tượng của chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam. Từ 28/3-1/4/2015, hơn 1.600 đại biểu đến từ hơn 160 nghị viện thành viên IPU, các thành viên liên kết, các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế đã có mặt tại Hà Nội để tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 132 - một trong những sự kiện chính trị-ngoại giao lớn nhất mà Việt Nam từng đăng cai, thể hiện tinh thần chủ động của một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Ngày 21/10, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) Khoá 70 đã bỏ phiếu bầu 18 nước thành viên mới của Hội đồng Kinh tế - xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018. Việt Nam trúng cử với 182 phiếu trong tổng số 187 phiếu, và chính thức bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ thành viên ECOSOC từ ngày 1/1/2016. Bộ Ngoại giao cho biết việc trở thành thành viên ECOSOC với số phiếu bầu cao thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

TP Hạ Long (Quảng Ninh): Nhiều kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị

Chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy Hạ Long tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, khen thưởng phong trào “Học và làm theo Bác” năm 2023 và sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU ngày 16/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.
2024-05-18 16:21:54

Thủ tướng: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Chiều tối 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
2024-05-18 09:58:07

Hiệp hội người Hàn Quốc tại Hồ Chí Minh và Công ty TNHH K&P HASE ký biên bản ghi nhớ

Ngày 16/5/2024, tại số 47 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra lễ kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty TNHH K&P HASE và Hiệp hội người Hàn Quốc tại HCM – Lãnh Sự Quán Hàn Quốc (Korean Association in HCMC).
2024-05-16 23:30:00

Hội nghị Trung ương 9: Chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này tuy không nhiều đầu việc, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng và chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
2024-05-16 15:54:13

Đảng ủy Khối DN Đống Đa sơ kết 3 năm Đề án nâng cao chất lượng chi bộ

Sáng 15/5, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 11-ĐA/TU, ngày 6/12/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”
2024-05-15 16:08:53

Hà Nội: Đảng ủy Khối DN quận Đống Đa trao Huy hiệu 55 tuổi Đảng đợt 19/5

Sáng nay (15/5), Đảng Ủy Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa trao tặng Huy hiệu 55 - 45 - 30 tuổi Đảng cho đảng viên nhân dịp 19/5 (kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
2024-05-15 12:52:28
Đang tải...