Người dân TP.HCM hoang mang vì lắp nước sạch nhưng lại kém chất lượng
Dù đã lắp nước máy hơn một năm nay, ông Võ Văn Chánh (67 tuổi) ngụ ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM tỏ ra bức xúc khi nước máy không sạch như cam kết theo tiêu chuẩn.
“Gia đình tôi rất khao khát có được nước sạch để sinh hoạt nhưng thực tế sau khi lắp nước máy sử dụng thì lại không như tôi tưởng, nước thường xuyên xuất hiện màu vàng đục, thi thoảng có màu như socola. Đặc biệt này thường xảy ra vào những ngày cuối tuần, sau khi cúp nước hoặc những ngày mưa và sau mưa. Trước đây thì một tháng khoảng 5-7 lần, giờ có đỡ hơn nhưng cũng 3 – 4 lần một tháng”, ông Chánh cho biết.
Để đảm bảo có nước sạch sử dụng, gia đình ông mua thùng phuy để dự trữ nước. Những ngày nước trong, gia đình ông bơm nước vào phuy và dự trữ. Bên cạnh đó, gia đình ông mua vòi lắng cặn để ngăn màu.
Lu dùng để dự trữ nước sạch của người dân |
“Nước sạch nhưng lại không sạch như đúng tên của nó, gia đình tôi phải lắng qua nhiều lần mới dám dùng nước. Lúc mới mua vòi lắng cặn màu trắng, nhưng chỉ cần lắng vài ngày là đổi màu ngay. Bình thường nước cũng có màu hơi vàng rồi, thỉnh thoảng nặng hơn là màu socola luôn, sự việc khiến tôi hoang mang vì nước sạch sao lại kém chất lượng như thế này”, ông Chánh nói
Nước có màu vàng đục khiến người dân lo lắng khi sử dụng trong thời gian dài vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe |
Cùng cảnh ngộ tương tự, anh Lê Hoàng Sơn (xã Đa Phước) cho biết, gia đình anh phải mua nhiều lu đựng nước để lắng cặn. Mỗi lần nước bị đổi màu, anh lại bơm vào lu để chờ lắng từ 3 – 4 ngày. Ngán ngại vì nguồn nước không đảm bảo chất lượng, anh chỉ dám dùng để rửa bát, giặt đồ và tắm chứ không dám dùng để nấu ăn.
“Mỗi lần họp tổ dân phố chúng tôi đều ý kiến. Rồi thỉnh thoảng những người thu tiền nước vào thu tiền, chúng tôi cũng phản ánh nhưng họ chỉ ghi nhận rồi để đó”, anh Sơn chia sẻ.
Theo nhiều người dân ở xã Đa Phước, trước đây họ sử dụng nước giếng khoan của tư nhân. Tuy nhiên từ thời điểm TP.HCM chủ trương 100% người dân thành phố có nước sạch để dùng, họ chuyển qua lắp đặt nước máy. Nhưng cũng từ thời điểm đó, nguồn nước họ sử dụng không còn đảm bảo an toàn.
Người dân dùng vòi lắng cặn để ngăn màu, cứ vài ngày sau lại thay mới |
“Mang tiếng là nhà có nước máy sạch nhưng lại e ngại khi sử dụng trong thời gian dài vì không đảm bảo được sức khỏe, ngày xưa dùng nước giếng không thật sự tốt nhưng mà không vàng đục thường xuyên thế này, giờ nước giếng không còn nữa, mình phải chịu chứ biết làm sao vì nếu không dùng thì không có nước để phục vụ sinh hoạt”, một người dân ở Đa Phước chia sẻ.
Theo người dân, tình trạng nước có màu vàng đục này còn xảy ra ở xã Phong Phú (huyện Bình Chánh). Tuy nhiên, tại xã Phong Phú tình trạng nước đổi màu vàng ít hơn.
“Khu vực này thuộc diện quy hoạch, giải tỏa, nhưng mà dự án cũng treo khoảng 10 năm nay rồi. Tôi chỉ mong chính quyền sớm di dời chúng tôi đến khu tái định cư để chúng tôi có thể ổn định”, ông Chánh chia sẻ.
Hóa đơn tiền nước của gia đình ông Võ Văn Chánh |
Nguồn nước không đảm bảo vệ sinh mà mỗi tháng vẫn phải đóng đủ hàng trăm nghìn đồng tiền nước, người dân ở Đa Phước đến nay chỉ biết than thở và chờ đợi chính quyền giải quyết cho di dời. Nhu cầu dùng nước sạch là cấp thiết, người dân mong mỏi các ngành chức năng phối hợp, khắc phục hậu quả để người dân có dòng nước sạch, yên tâm lao động và phát triển kinh tế.
Được biết, đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho người dân xã Đa Phước là Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn (thành viên của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – Sawaco) cùng Xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn TP HCM.
Như vậy người dân tại xã Đa Phước còn phải chờ bao lâu nữa mới có nước sạch an toàn hợp vệ sinh để sinh hoạt?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.