Người khuyết tật chật vật làm chủ doanh nghiệp
Thời gian gần đây, nhiều người khuyết tật tại TPHCM đã có thể tự khẳng định mình khi đủ khả năng nuôi sống bản thân, gia đình và tạo được nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách đãi ngộ, hỗ trợ các doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản khiến người khuyết tật phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp của mình.
Làm chủ một cơ sở xoa bóp tại quận Bình Thạnh hơn 10 năm nay, ông Bùi Văn Thanh, một người khiếm thị giàu nghị lực đang tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mình và hàng chục người khuyết tật khác. Thế nhưng, từ mấy năm nay, dù muốn mở rộng, nâng cấp cơ sở nhưng ông Thanh vẫn không làm được vì rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Không nắm rõ thông tin về chính sách cũng như chưa biết nên bắt đầu hồ sơ vay vốn từ đâu, phải gõ cửa những nơi nào, ông chọn cách tự xoay xở. Hoạt động trong ngành nghề xoa bóp, bên cạnh giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp của ông Thanh được yêu cầu phải có một “giấy phép con” do ngành y tế cấp. Thời gian đầu, mọi khâu đều thông suốt nhưng đến khi gia hạn giấy phép – một thủ tục tưởng chừng đơn giản, chủ doanh nghiệp này lại gặp rất nhiều khó khăn
Ông Bùi Văn Thanh nói: “Lúc đầu tôi chỉ mất 2 tháng để xin giấy phép mới. Sau đó, tôi đi gia hạn giấy phép dựa trên việc bổ sung các giấy tờ trong hồ sơ cũ nhưng phải mất tới 20 tháng. Trong vòng 20 tháng đó tôi phải đi lại hoàn tất hồ sơ không dưới 20 lần”.
Trong khi đó, bà Phan Thanh Tâm, Giám đốc thiết kế và sản xuất của Công ty Cổ phần Fagi ở Quận 1 nhiều năm nay vẫn trăn trở với bài toán “dư” bảo hiểm y tế của người khuyết tật đang làm việc tại doanh nghiệp mình.
Bà Tâm chia sẻ: “Bản thân mỗi người khuyết tật đều có một bảo hiểm y tế do địa phương cấp. Bảo hiểm này có mức trợ cấp cao hơn bảo hiểm y tế của người lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm vẫn phải mua cho nhân viên thêm một bảo hiểm y tế nữa. Điều đó gây nên sự lãng phí. Nhưng nếu không mua, rất nhiều công nhân nữ khi sinh nở mà sử dụng bảo hiểm do địa phương cấp rất có thể không được hưởng chế độ nghỉ thai sản”.
Chẳng những doanh nghiệp lãng phí mà bản thân người khuyết tật còn phải gánh thêm một khoản chi không nhỏ cho việc mua bảo hiểm y tế nếu muốn ký hợp đồng lao động. Do vậy, điều mà chủ doanh nghiệp như bà Tâm mong muốn là nhà nước sớm có những cơ chế, chính sách rõ ràng trong lĩnh vực này để người khuyết tật được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế với mức đóng tiết kiệm nhất.
Những bất cập trong quy định chuẩn dạy nghề cũng khiến bà Đinh Thị Tuyết Đào, chủ cơ sở Đan móc len Phước Đào ở Quận 7 cảm thấy lo lắng. Là người khuyết tật vận động nhưng nhờ sự nỗ lực và năng khiếu của bản thân, sau nhiều năm cố gắng, đến nay, bà Đào đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 30 lao động địa phương. Nhận được bằng khen từ nhiều cuộc thi nghề cấp thành phố, quốc gia, vài năm trở lại đây, bà Đào thường được Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM và các quận, huyện mời đi dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, phụ nữ. Thế nhưng, vì không có bằng đại học nên theo quy định hiện tại, bà Đào không đủ điều kiện đứng lớp dạy nghề. Bà Đào cho rằng, quy định này tạo rào cản rất lớn cho bà trong quá trình truyền nghề, vì không phải người khuyết tật nào cũng đủ khả năng hoàn tất chương trình đại học.
Bà Đinh Thị Tuyết Đào tâm tư: “Tôi nghĩ rằng để dạy nghề, một người tốt nghiệp trung học phổ thông như tôi cũng có thể dạy. Vì nghề dạy nghề, người lành nghề có thể dạy. Nhưng ở đây bắt khó chúng tôi là phải tốt nghiệp đại học, phải thuộc ngành sư phạm”.
TPHCM hiện có gần 50.000 người khuyết tật. Việc chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho nhóm đối tượng yếu thế này là điều không hề dễ dàng. Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM, mức trợ cấp của thành phố cho người khuyết tật hiện đã khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Vì vậy, muốn điều chỉnh tăng hay bổ sung thêm các cơ chế, chính sách, cần tính toán cụ thể và có lộ trình rõ ràng để tạo sự công bằng giữa các nhóm đối tượng cần hỗ trợ. Bà Liên cho rằng, với những chủ doanh nghiệp là người khuyết tật, thành phố chắc chắn sẽ có chính sách ưu tiên nhưng chủ doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với địa phương để báo thông tin, tình hình cụ thể, đừng bị động chờ đợi.
Không dừng lại ở các chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh, sản xuất, hỗ trợ vốn vay, người khuyết tật còn mong được địa phương, thành phố tạo điều kiện tốt hơn trong việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm do doanh nghiệp của họ tạo ra./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.