Kinh tế Việt Nam vượt kỳ vọng, khẳng định vai trò điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn
Kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt nhiều thành tựu ấn tượng giữa nhiều thách thức liên tiếp
Bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2024 khép lại với sự ghi nhận ở nhiều kết quả tích cực, cho thấy những biện pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách, hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường của Chính phủ thời gian qua đã phát huy tác dụng.
Trong bối cảnh nhiều biến động của kinh tế - chính trị thế giới, đồng thời chịu ảnh hưởng lớn bởi thiên tai, đặc biệt là hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi), nhưng với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam là điểm sáng so với các nước trong khu vực với mức tăng trưởng lên đến 7%. Trước đó, nhóm nghiên cứu toàn cầu HSBC đã dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thuộc mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 4 năm 2024, một loạt các quốc gia đang phát triển được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao nhất cho đến năm 2029. Trong đó, Việt Nam được dự báo sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tăng trưởng ước đạt 6,4% từ năm 2024 đến 2029.
Việt Nam lọt top thị trường được dự báo tăng trưởng kinh tế nhanh nhất giai đoạn 2024 - 2029 - Ảnh: Vietnam+
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm vừa qua cũng được phục hồi mạnh mẽ. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, kết quả đạt được tính đến nửa đầu tháng 12/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta tính đến hết ngày 15/12/2024 đạt 747,13 tỷ USD, tăng 14,7% tương ứng tăng 95,98 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Xuất siêu cả năm vượt mức 24 tỷ USD. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2024 được dự báo có thể đạt khoảng 782,33 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, trong cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu, quy mô nền kinh tế Việt Nam cũng đã có nhiều điểm sáng. Hiện Việt Nam đứng thứ 35 và thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, với xuất siêu chín năm liên tiếp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hội nhập mạnh mẽ với thế giới, được 73 nước công nhận nền kinh tế thị trường; đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP...) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu.
Xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%), và năm 2024 tăng thêm 1 bậc, xếp thứ 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, đạt 431 tỷ USD trong bảng xếp hạng của hãng Brand Finance, công ty định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh.
Những nỗ lực của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp giúp nền kinh tế Việt Nam đạt nhiều kết quả khả quan trong năm 2024 - Ảnh: CAND
Vượt qua nhiều thách thức, theo nhìn nhận từ các chuyên gia, chính sự quyết liệt sáng suốt trong chỉ đạo, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã khiến GDP bứt tốc trong những tháng cuối năm, nhiều khả năng cán đích tăng trưởng trên 7%, vượt mục tiêu 6,5%-7% do Quốc hội đặt ra và đảm bảo chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD - 4.730 USD. Đáng mừng, sau nhiều năm lỡ hẹn, năm 2024, Việt Nam đã đạt được và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu.
Việt Nam - điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn
Với lĩnh vực đầu tư nước ngoài, trong bài viết chào đón năm mới 2025 với tựa đề "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu hai điểm nổi bật:
“Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 7%; quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp còn khoảng 11%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra; chỉ số tự do kinh tế tăng 13 bậc, lên vị trí 59/176 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư quốc tế; thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD; là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với 17 FTA, trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đặc biệt đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.”
Trong bối cảnh bất ổn của nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu trong năm vừa qua, Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định, cởi mở và hội nhập sâu rộng, Theo nhiều chuyên gia quốc tế, chính sách trên giúp Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư và nguồn vốn nước ngoài, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang trải qua quá trình tái cấu trúc.
Đáng chú ý trong năm 2024, Việt Nam và NVIDIA - tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI (VRDC) cùng Trung tâm Dữ liệu AI, hỗ trợ chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo. Hợp tác này sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong các ngành công nghệ mũi nhọn như y tế, giáo dục, giao thông và tài chính, đồng thời phát triển tài năng AI trong nước.
Bên cạnh đó, tháng 11/2024, Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng dự định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi Tập đoàn Trump Organization sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD, chiều 10/12/2024 - Ảnh: VGP
Nhờ 3 yếu tố cốt lõi, gồm: (i) Vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; (ii) tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực hơn trong năm nay; (iii) kinh tế vĩ mô ổn định, triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp tiên phong đòi hỏi đổi mới và số hóa. Những chính sách của Chính phủ và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam đã giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào nước ta, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư.
Tuy nhiên, để khẳng định vững chắc vai trò của mình, Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực giải quyết tốt những thách thức trước mắt, đó là những điểm nghẽn trong chính sách, thủ tục để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao trong tương lai gần, có thể kể đến là: khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử bán dẫn; (khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử; rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.