Người mẹ đặc biệt của trẻ khuyết tật

2024-11-28 21:17:10 0 Bình luận
Hơn 17 năm duy trì Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa, cô Đoàn Thị Hoa đã tạo cơ hội cho hàng trăm người khuyết tật được học nghề và tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân. Mái ấm Quỳnh Hoa đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời thiệt thòi, giúp họ thêm tự tin vươn lên và hòa nhập với cộng đồng.

Chắp cánh ước mơ cho trẻ khuyết tật

Cách xa nơi thành phố phồn hoa, đông đúc người qua lại, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa nằm sâu trong con ngõ nhỏ của thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ở đây, những người khuyết tật được chăm lo từ bữa ăn, chỗ ở, cho đến được dạy nghề rồi làm việc, có thu nhập như những người lành lặn. Mỗi học viên đều có hoàn cảnh, khó khăn và tính cách riêng, vì vậy trung tâm đã tạo ra một môi trường thân thiện để tất cả học viên đều được khích lệ và phát huy tối đa tiềm năng của mình. Khởi đầu với 15 em đến nay trung tâm đã giúp đỡ được hơn 500 người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định.

Chia sẻ về cơ duyên thành lập trung tâm, cô Hoa bồi hồi kể lại chuyến đi thiện nguyện cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội: “Năm 2005, tôi được Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đưa đi tham quan và tặng quà cho các cháu ở miền Nam. Khi đến một cô nhi viện, tôi gặp một em khuyết tật bị liệt nửa người. Lúc tặng quà cho em, em đã nói với tôi: "Cô ơi, chúng cháu ước mơ làm sao những người khuyết tật có một cái nghề." Câu nói đó như một cơ duyên, khiến cô bắt đầu suy nghĩ rằng mình cần làm điều gì đó cho các em. Trở về miền Bắc, sau khi trăn trở mãi về lời nói ấy, cô quyết định bàn bạc với gia đình. Ban đầu, ý định này không nhận được sự ủng hộ bởi có một đứa trẻ khuyết tật đã vất vả rồi, giờ lại mở xưởng dạy nghề cho các cháu, liệu mình có chịu được không?

Cô Đoàn Thị Hoa, người sáng lập và quản lí trung tâm.

Sau thời gian dài kiên trì thuyết phục gia đình, nỗ lực vay mượn người thân, xin trợ cấp từ chính quyền và các chi hội, cuối cùng ngày 28/8/2007, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã chính thức ra đời ngay trên mảnh đất của gia đình. Mới đầu, cơ sở gồm hai dãy, một dãy nhà xưởng có diện tích 112m2 và 67m2 làm dãy phòng ở. Cô đã phải vay mượn thêm của anh em, họ hàng được hơn 35 triệu đồng mua 10 chiếc máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 máy dập khuy và đón nhận 15 học viên khuyết tật đầu tiên vào học.

Những năm đầu thành lập trung tâm, cô Hoa cùng các học trò phải vất vả tìm tòi, học hỏi khắp nơi từ nghề may, dán vàng mã, móc thảm, nghề thêu, đan cói đến làm mây tre đan hay làm mi giả. Cuối cùng, cô Hoa đã tìm được công việc phù hợp với trung tâm đó là nghề thủ công giấy cuộn. Từ những lọn giấy cuộn, học viên sẽ tạo ra các sản phẩm như thiệp, tranh giấy, con giống giấy, lọ hoa, móc len, hoa giấy…

Học viên tại trung tâm chủ yếu là những người khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động, trí nhớ kém, ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.... Dạy trẻ lành lặn đã khó, dạy trẻ khuyết tật lại muôn phần khó hơn. Cô Hoa tâm sự, có những bạn chỉ mất 1-2 tháng là biết cách làm nhưng cũng có bạn được cầm tay chỉ việc mấy năm trời nhưng vẫn chưa thành thạo được. Nhiều khi các bạn đang làm thì chán, lại đùng đùng bỏ về phòng nằm. Những lúc như vậy cô Hoa luôn phải kiên trì, nhẹ nhàng động viên để các bạn cố gắng.

Những bức ảnh ghi dấu hành trình 17 năm của trung tâm.

Trái ngọt sau những gian nan

Hiện tại, trung tâm đang dạy nghề cho hơn 35 học viên, bao gồm cả nội trú và bán trú. Với các bạn ở nội trú, trung tâm nhận của mỗi người 600.000 đồng để lo chi phí ăn, nghỉ, sinh hoạt mỗi tháng. Cô Hoa chia sẻ rằng, dù khó khăn nhưng nhờ sự đóng góp của các tổ chức, trường học và nhân dân mà cuộc sống của các em cũng ổn định hơn: “Điều khiến tôi phấn khởi nhất là trong 3 năm gần đây trung tâm không phải mua gạo. Mọi người đến thăm tặng gạo, mì, cháo gói, kem đánh răng… Đó là những thực phẩm thiết yếu, thực tế giúp trung tâm bớt đi được nhiều chi phí hàng tháng.”

Với cô Hoa, công việc việc hiện tại vừa là cái duyên, vừa là cái nghiệp: “Nếu nhìn theo góc độ duy tâm, có lẽ đây là sứ mệnh của tôi, còn thực tế, sống và làm việc cùng các em chính là niềm hạnh phúc.” Niềm hạnh phúc ấy dần lớn hơn từng ngày khi chứng kiến “những đứa con” ngày càng trưởng thành dưới sự dìu dắt của mình. Mỗi lời kể của cô đều tràn ngập niềm tự hào về các bạn học viên: “Dạo trước có một cậu bé bị động kinh được gia đình đưa đến trung tâm và chỉ sau 6 tháng cháu đã học được nghề, đến gia đình cháu cũng không tin được. Hay như bạn Hà Anh đang làm trong kia, trước đây ở nhà chỉ đi chơi lang thang nhưng sang trung tâm lại làm việc rất năng suất, thậm chí mấy tháng nay gia đình không phải đóng tiền ăn uống.”

Không gian làm việc của các học viên.

Các sản phẩm được trưng bày.

“Mẹ Hoa” hay "U Hoa" là cách gọi thân thương mà các học viên ở trung tâm dành cho cô Hoa. Với chị Nguyễn Lan Anh (25 tuổi), khoảng thời gian 11 năm gắn bó với trung tâm là một hành trình hạnh phúc. Chị chia sẻ: “Với mình, u Hoa là người rất tốt bụng, luôn giúp đỡ những người có khiếm khuyết giống như mình. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình với u Hoa là khi được u hướng dẫn làm thủ công giấy cuộn, phải tập cuộn giấy báo trước rồi chuyển sang cuộn giấy màu và gắn thành con giống. Mãi một thời gian dài sau mình mới quen làm con giống và tiếp tục học thêm làm hộp.” Từ khi đến Quỳnh Hoa, chị đã không còn mặc cảm vì bị cô lập như trước mà mỗi ngày trôi qua đều là một ngày vui vì được làm bạn với các anh chị em trong trung tâm và được trao cơ hội làm việc.

Chị Nguyễn Lan Anh, người đã gắn bó với trung tâm được 11 năm.

“Bà mối” kết nối trái tim yêu

Không chỉ là nơi nuôi, dạy nghề cho người khuyết tật, trung tâm còn là cầu nối hạnh phúc khi đã se duyên cho 23 cặp đôi khuyết tật. 23 đôi vợ chồng, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tâm hồn, tình yêu và khát khao hạnh phúc đều vẫn tràn đầy. Theo cô Hoa, nhờ những chính sách đúng đắn của Nhà nước về xóa bỏ rào cản cho người khuyết tật, bảo đảm cho người khuyết tật thực hiện đầy đủ quyền bình đẳng mà các cặp đôi có thêm tự tin để yêu thương nhau và cùng xây dựng tổ ấm. 

Cặp đôi đầu tiên nên duyên tại mái ấm Quỳnh Hoa hiện đã có một cậu con trai học Đại học năm nhất. “Dù bố mẹ là người khuyết tật nhưng sinh con ra đều khỏe mạnh, thông minh vô cùng. Các cháu đều đã học cấp 2, cấp 3 và lên cả Đại học rồi. Thỉnh thoảng bố mẹ lại đưa các cháu về Quỳnh Hoa thăm bà.” - cô Hoa vui vẻ kể lại.

Các học viên tại trung tâm dù đến từ những mảnh đất khác nhau với hoàn cảnh sống khác nhau nhưng chính các bạn lại là mảnh ghép để tạo lập nên một mái ấm Quỳnh Hoa hạnh phúc. Để rồi sau này dù có ở bất cứ đâu, làm công việc gì đi chăng nữa họ vẫn luôn nhớ rằng chính nơi đây đã có một “người mẹ đặc biệt” ươm mầm cho những giấc mơ, những hy vọng của biết bao mảnh đời kém may mắn.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Một ngày tại Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa

Được thành lập từ năm 2007, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa do cô Đoàn Thị Hoa sáng lập đã tiếp nhận, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đồng thời rèn luyện cho các bạn kỹ năng để hòa nhập cộng đồng, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
2024-11-28 21:31:18

Người mẹ đặc biệt của trẻ khuyết tật

Hơn 17 năm duy trì Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa, cô Đoàn Thị Hoa đã tạo cơ hội cho hàng trăm người khuyết tật được học nghề và tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân. Mái ấm Quỳnh Hoa đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời thiệt thòi, giúp họ thêm tự tin vươn lên và hòa nhập với cộng đồng.
2024-11-28 21:17:10

Công tác phối hợp giữa Huyện ủy Điện Biên với Đảng ủy Công an tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật

Quyết định số 1556-QĐ/TU, ngày 06/12/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên thể hiện rõ về Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an tỉnh với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đối với các tổ chức đảng, đảng viên thuộc Đảng bộ Công an các cấp.
2024-11-28 20:53:32

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức lễ trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư khóa XII và các đồng chí nhận Huy hiệu 40 năm, 30 năm tuổi Đảng.
2024-11-28 16:22:08

Hội CCB huyện Trực Ninh xứng danh truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”

Chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam (6-12-1989 – 6-12-2024) Hội CCB huyện Trực Ninh (Nam Định) tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu” gắn với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2024, xứng danh truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.
2024-11-28 09:06:07

'Một thời Quảng Trị' - Cuốn hồi ức chiến tranh đặc sắc

Đất nước ta đã đi qua gần một nửa thế kỷ không còn tiếng súng chiến tranh, nhưng ký ức bi tráng về những tháng ngày đầy gian khổ vẫn còn in sâu trong tâm trí những con người của thời đạn bom. Đó là từng trận đánh ác liệt, kéo dài; đó là những người đồng đội, đồng chí đã vĩnh viễn hoà mình vào Tổ quốc. Trong không khí chào mừng kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí điện tử Hoà Nhập xin mời quý vị độc giả nhìn lại thời kỳ hào hùng ấy của dân tộc qua những dòng chia sẻ từ Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Hải về cuốn hồi ức “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu.
2024-11-27 16:52:49
Đang tải...