Người phụ nữ cụt bàn tay dệt vải khéo, làm chủ cuộc sống
Chị Nguyễn Thị Ỷ (59 tuổi), ở xóm Nà Bản, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) bị cụt mất cả bàn tay phải từ nhỏ. Nhà nghèo, đông con nên 15 tuổi chị mới học lớp 1, phải chật vật tập viết bằng tay trái, theo đến lớp 4 thì xin nghỉ.
Tuy tật nguyền nhưng chị Ỷ rất chăm chỉ, siêng năng. Tất cả mọi việc đều được chị hoàn thành bằng bàn tay trái như nhặt củi, cầm cày, gieo mẹ, cắt cỏ,... Nhiều chàng trai trong buôn làng cảm mến, ngỏ lời cưới xin nhưng chị một mực từ chối.
Những lúc công việc nhàn rỗi, chị Ỷ lại học dệt bên khung cửi của mẹ. Người bình thường dệt 1 tấm thổ cẩm chỉ mất 7-8 ngày còn chị làm mất hơn 1 tháng. Tấm vải đầu tiên dệt được, chị đem ra khoe, được mẹ khen: “Không có đủ tay sao mà con tôi làm giỏi thế?” khiến cho lòng cứ vui mãi.
Thời gian đầu tập dệt còn chậm, về sau tuy không có bàn tay phải nhưng chị dệt nhanh chẳng kém người bình thường có đủ cả hai bàn tay. Thế rồi biến cố xảy ra, bố mất, anh em mâu thuẫn, chị phải ra sống riêng trong một túp lều tre dựng trên đất đi ở nhờ. Cái khung cửi phủ bụi mờ bao năm không còn được sờ đến nữa.
Chị Ỷ bên khung cửi (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Năm 2000, giáo viên mầm non Ngô Thị Phỉn mong muốn khôi phục nghề dệt truyền thống, tạo điều kiện việc làm cho phụ nữ trong bản. Năm 2011 huyện mới Lâm Bình được thành lập, biết được chính quyền có ý tưởng khôi phục lại nghề dệt cổ truyền của người Tày, chị Phin mừng lắm, quyết đi du lịch xuyên Việt một chuyến, đến nhiều điểm có sản phẩm thổ cẩm để tìm hiểu tại sao họ vẫn duy trì.
Cô Phỉn đã thuyết phục chị Ỷ tham gia Tổ dệt thổ cẩm của Thượng Lâm. Một thời gian sau còn mở rộng thêm thành viên, tạo việc làm và giúp đỡ những phụ nữ khác trong bản.
Từ năm 2014, khi các homestay ở Lâm Bình bắt đầu được mở ra, chị Phin lại mang thổ cẩm đi giới thiệu cho khách du lịch. Người Tây mua để kỷ niệm, người Ta mua để dùng, để làm quà tặng cho các đối tác gần, xa. Những cái túi nhỏ có giá 50.000đ/cái, địu 200.000đ/cái, chăn giáy dành cho trẻ 400.000đ/cái, gối 400.000đ/đôi, màn 900.000đ/cái, chăn người lớn 1,5-1,8 triệu chưa có ruột, nếu lót bông thì 2,2 triệu.
Tổ dệt thổ cẩm của Thượng Lâm hiện có 37 thành viên, hơn 20 người trong đó có hoàn cảnh rất éo le, với nghề phụ, họ có thêm bình quân 1,7 triệu/tháng. Thổ cẩm có thể dệt tranh thủ được mọi nơi bởi đi đến nhà nào trông người ốm thấy khung cửi họ lại hộ nhau dệt, còn mọi lúc là tranh thủ khi rảnh rỗi, nhất là lúc mưa, lúc tối ăn cơm xong, lúc 4-5 giờ sáng không ngủ được, có khi vợ vừa ngồi dệt vừa hát còn chồng thì thổi sáo.
Còn chị Ỷ, năm nay đã 59 tuổi, hiện sống cùng đứa cháu trong ngôi nhà sàn của bố mẹ khuất núi để lại cho. Trong các thành viên của Tổ thì chị làm được nhiều thổ cẩm hơn cả vì ít đi giao lưu, ít có bạn bè nên suốt ngày ngồi bên khung cửi.
Hiện nay, cùng với thu nhập từ dệt thổ cẩm và trợ cấp khuyết tật, chị Ỷ có thể chăm lo đời sống của bản thân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.