Người thầy trẻ hết lòng vì sự nghiệp giảng dạy
Tiến sĩ Trần Thanh Long, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên gặp Thầy, ai cũng đều có chung nhận xét là tính cách trẻ trung, năng động và hoạt bát. Khi được trò chuyện hỏi về nghề giảng dạy, TS.Trần Thanh Long tâm sự: “Tôi xuất thân từ một gia đình lao động ở nông thôn của tỉnh Phú Yên, cha mẹ không phải là những người có trình độ văn hóa cao nên việc học và lựa chọn hướng đi cho tương lai là do bản thân tự định hướng.
Từ năm học lớp 5, tôi đã phải xa gia đình xuống thành phố học để tiếp cận với môi trường giáo dục tốt hơn. Mọi bước tiến trong sự nghiệp là sự cố gắng nỗ lực vươn lên của bản thân.”.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp đại học về giảng dạy tại Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên, TS. Trần Thanh Long không ngừng nghiên cứu khoa học, tạo dựng phát triển uy tín về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp nên đã được sự ủng hộ của lãnh đạo, đồng nghiệp và yêu mến của sinh viên để có thể đứng vững trong môi trường đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương cả nước. Trong quá trình phấn đấu nỗ lực đó rồi được ghi nhận và trải qua các vị trí công tác, như: Giảng viên Khoa Ngân hàng, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Đạo tạo - Bồi dưỡng, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên.
Là một lãnh đạo Phân viện Ngân hàng được bổ nhiệm ở tuổi đời trẻ nhất trong lịch sử của nhà trường khi mới 38 tuổi nên TS.Trần Thanh Long rất tâm huyết, đam mê với nghề, nhất là truyền ngọn lửa chuyên môn về nghề ngân hàng cho các ngân hàng thương mại, mà đặc biệt là hệ thống QTDND để hoạt động của QTDND ngày càng phát triển an toàn bền vững.
Khi được hỏi vì sao thầy chọn nghề dạy học trong khi với tính năng động của thầy sao không chọn làm chuyên viên ngân hàng? TS.Trần Thanh Long suy tư rồi nhỏ nhẹ kể rằng: Từ lúc còn là sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, bản thân chưa bao giờ nghĩ… và chưa bao giờ thích trở thành giảng viên. Nhưng do cơ duyên và một phần kỳ vọng của gia đình nên mới trở thành giảng viên của Học viện Ngân hàng.
Trước đây, vẫn nghĩ rằng giảng viên là một nghề nhàm chán, chỉ có một bài giảng mà cứ “nói đi, nói lại” hoài cho nhiều lớp. Tuy nhiên, khi đã thành giảng viên đại học thì mới nhận thấy rằng, muốn trở thành một giảng viên thực thụ, đặc biệt là với ngành tài chính – ngân hàng thì phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật không chỉ các kiến thức mới, mà còn cả những tình huống, kinh nghiệm thực tiễn. Để có một giờ giảng hay, bổ ích cho sinh viên thì người giảng viên phải dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và đi thực tế. Ngoài việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên, người giảng viên còn phải truyền cảm hứng, niềm tin và đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Một người giảng viên thành công không phải là chứng tỏ với sinh viên mình là người uyên bác về kiến thức mà phải đào tạo ra những sinh viên thành công trong nghề nghiệp, những sinh viên giỏi hơn chính thầy của mình.
Ở vị trí quản lý bận trăm công ngàn việc nhưng lúc nào Thầy cũng quan tâm đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống QTDND. Vậy cơ duyên nào Thầy lại quan tâm tới hệ thống QTDND? Về cơ duyên với hệ thống QTDND bản thân được đào tạo về chuyên ngành ngân hàng, cho đến lúc ra trường vẫn không có kiến thức hay ý niệm gì về QTDND. Tuy nhiên, do theo sự phân công của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Học viện Ngân hàng có trách nhiệm trong việc đào tạo cán bộ cho hệ thống QTDND tại Việt Nam. Vì vậy, với vai trò là giảng viên nên tôi cũng được phân công giảng dạy một số môn cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ QTDND. Kể từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu mô hình QTDND và đi thực tế tại một số QTDND để nắm bắt thêm thực tiễn về hoạt động của các QTDND.
Tác giả và TS Trần Thanh Long
Qua quá trình giảng dạy, tiếp xúc với nhiều cán bộ của hệ thống QTDND trên khắp cả nước, cũng đi thực tế tại nhiều QTDND nên dần có mối gắn kết, yêu quý và trân trọng hệ thống QTDND tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy rằng không có nhiều chuyên đề đào tạo được thiết kế riêng và phù hợp với đặc thù của hệ thống QTDND, mà đa phần là rút gọn, đơn giản hóa từ các chuyên đề cho ngân hàng thương mại. Đó là một thiệt thòi không nhỏ trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các QTDND. Xuất phát từ những lý do đó, bản thân là người nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm từ các đợt khảo sát thực tế, đặc biệt là học tập kinh nghiệm từ mô hình tài chính vi mô để xây dựng một số chuyên đề đào tạo đặc thù cho hệ thống QTDND, như: Tín dụng vi mô, tín dụng cho khách hàng có thu nhập, quản lý tín dụng vi mô… Ngoài ra, còn phối hợp với các chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm trong thực tế để xây dựng một số chuyên đề đào tạo, như: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng – cách khắc phục tại các QTDND, xây dựng hệ thống KPIs tại QTDND.
Bên cạnh công tác giảng dạy, TS. Trần Thanh Long còn nghiên cứu triển khai một số mô hình mới phù hợp với đặc thù của QTDND, như: Cho vay trả góp ngày 4 vòng bảo đảm tại QTDND, bảo hiểm vi mô cho khách hàng của QTDND. Nhiều QTDND đang áp dụng các mô hình này và phát huy hiệu quả thiết thực.
TS Trần Thanh Long rất chịu khó đi thực tế để tìm hiểu về mô hình hoạt động QTDND
TS. Long mong muốn trong thời gian tới các nhà nghiên cứu, các chuyên gia quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống QTDND tại Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nếu cho Thầy có sự lựa chọn lại nghề giữa giảng dạy và làm ngân hàng, cái nào thích hơn? Trầm ngâm một lúc rồi TS Trần Thanh Long từ tốn nói: Mỗi nghề nghiệp đều có cái hay của nó và đều đáng được trân trọng. Điều quan trọng là mình phải đam mê, có trách nhiệm với công việc hiện tại của mình. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn làm giảng viên, vì cho đến lúc này tôi cảm thấy hạnh phúc với công việc mình đang làm!
Thật tuyệt vời, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ngoài ý nghĩa cao cả và bằng những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh và động viên sự nghiệp giáo dục, còn là dịp để mỗi thầy cô giáo tự nhìn nhận lại mình, tiếp tục rèn đức, luyện tài nhằm hoàn thiện mình hơn nữa để xứng đáng với sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và của các thế hệ học trò yêu quý. Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Lời dạy đó của Người nhằm nhắc nhở, động viên những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục không được tự bằng lòng với kiến thức đã có, mà phải thường xuyên tích lũy kiến thức, rèn luyện đạo đức để mỗi người thầy và sự nghiệp giáo dục - đào tạo luôn xứng đáng với vị trí quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp “trồng người” và phát triển đất nước./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.