Nhà báo Hoàng Trường Giang: Từ thiện chẳng chứng tỏ mình đặc biệt hay mình giỏi đâu

2022-10-19 19:06:09 0 Bình luận
Đồng hành cùng Thiếu tá, Nhà báo Hoàng Trường Giang, Báo Quân đội nhân dân trong nhiều chuyến đi tình nguyện, trao tài trợ đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong nhiều năm, tôi thấy anh cứ mê mải, say sưa với biết bao mảnh đất nghèo khó, tha thiết muốn giúp đỡ những người yếu thế trên khắp đất nước.

Trong những ngày tháng 10, với dấu ấn 72 năm thành lập báo Quân đội nhân dân, chúng tôi có dịp ngồi lại bên nhau, ôn lại những ngày rong ruổi ấy để cùng có những câu chuyện về nghề, về những đam mê trong công tác an sinh xã hội...

nha bao hoang truong giang tu thien chang chung to minh dac biet hay minh gioi dau hinh 1

Nhà báo Hoàng Trường Giang tặng quà các cháu mầm non xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên năm 2015.

Người lính mê mải trên những cung đường chưa trải nhựa

- Bản thân tôi là người đã đi cùng anh không ít chuyến thiện nguyện đến những bản làng thâm sơn cùng cốc của đất nước mình, có hành trình cả nghìn km đèo dốc, rất khó khăn, vất vả. Đôi khi tôi tự hỏi sao anh lại không thấy mệt, không thấy nản khi cứ liên tục lên đường như vậy?

nha bao hoang truong giang tu thien chang chung to minh dac biet hay minh gioi dau hinh 2

Nhà báo Hoàng Trường Giang tham gia vận chuyển hàng cứu trợ lũ lụt tại Đà Bắc, Hòa Bình năm 2018.

Nhà báo Hoàng Trường Giang: Thực sự nếu nói là không mệt, không nản thì là nói sai. Tôi hay bất cứ một tình nguyện viên lâu năm nào cũng vậy, sức người có hạn, đi nhiều, đi xa, đi đến những nơi sơn cùng thủy tận như vậy, chắc chắn là mệt rồi. Chưa kể hầu hết các chuyến đi của tôi trong gần 15 năm qua, tôi đều tự lái xe cá nhân cả đi cả về, đôi khi mới có anh em bạn bè đi cùng thì hỗ trợ lái giúp nhau được một chút. Sau mỗi chuyến đi, tôi đều nghĩ là có lẽ phải dừng lại nghỉ ngơi một thời gian rồi mới tham gia tiếp. Vậy mà cứ như một cơ duyên nào đó rất khó giải thích đã gắn lấy bản thân, những câu chuyện mới, địa chỉ mới, hoàn cảnh mới lại đến ngay sau đó, và tôi lại lên kế hoạch tình nguyện mới được ngay.

Hơn chục năm trước, khi bắt đầu tham gia những hành trình đầu tiên lên biên giới để tổ chức các hoạt động tài trợ, tặng quà, nhiều người đã nghĩ tôi còn trẻ thì hăng hái được vài ba cuộc là “chán” ngay. Vậy mà đến giờ tôi vẫn chưa “chán”, thế là cũng có duyên với hoạt động tình nguyện được khá lâu rồi. Như lời một chị bạn làm lãnh đạo ngân hàng từng nhắn chúc mừng sinh nhật tôi rằng: "Chúc Giang giữ mãi ngọn lửa của một người lính luôn mê mải trên những cung đường chưa trải nhựa”.

- Tôi có hơn 6 năm gắn bó ở Báo Quân đội nhân dân và đã chứng kiến nhiều hoạt động tình nguyện do anh khởi xướng. Vậy thời gian trước đó thì sao, “cơn cớ” nào đưa anh đến với hành trình thiện nguyện kéo dài hơn một thập kỷ này?

Nhà báo Hoàng Trường Giang: Để mà gọi tên một nguyên do cụ thể nào đó đã dẫn đường chỉ lối cho mình tham gia vào các hoạt động tình nguyện thì cũng khó rõ ràng. Tuy nhiên bản tính tôi từ khi thiếu niên rồi lớn lên rời vùng cao Lai Châu về Hà Nội học đại học là đã hay cảm động trước những hoàn cảnh khó khăn, những thân phận éo le ngoài xã hội.

nha bao hoang truong giang tu thien chang chung to minh dac biet hay minh gioi dau hinh 5

Nhà báo Hoàng Trường Giang: Cá nhân tôi rất thích một câu ngạn ngữ của người Do Thái, đại ý là: Khi tặng hoa cho người khác thì người ngửi mùi hương thơm đầu tiên chính là chúng ta.

Sau này khi ra trường đi làm, lần đầu tiên tôi tham gia một chương trình thiện nguyện là khoảng cuối tháng 12/2007. Dịp đó gia đình chị Hồ Phương Thảo và anh Lưu Vĩnh Phúc (Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Nền móng Long Giang) rủ tôi tham gia chuyến tặng quà Tết tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 (Ba Vì, Hà Nội). Đi cùng đoàn, tôi chứng kiến những thân phận người vô cùng đau khổ, rồi cảm phục trước tấm lòng của những người đi làm thiện nguyện. Tôi đã luôn tự hỏi, sao cuộc đời có nhiều người khổ thế, và sao cuộc sống có nhiều người tốt bụng thế. Từ đó tôi nung nấu ý định tổ chức các chương trình thiện nguyện, bắt đầu từ việc đi xin quần áo cũ, gom đồ chơi, sách vở cũ thừa, xin từng đôi dép tổ ong, đôi tất cho học sinh nghèo… Dần dần quen việc, biết cách làm thì tôi kết nối doanh nghiệp tài trợ xây dựng điểm trường, nhà bán trú…

- Sau thời gian dài tham gia các hoạt động tình nguyện, đến nay anh có nhớ mình đã “xin” được bao nhiêu công trình, trị giá bao nhiêu không? Đối tượng, địa bàn anh thường tập trung hỗ trợ là thế nào?

Nhà báo Hoàng Trường Giang: Trước tiên cần phải khẳng định, tôi chỉ là người góp phần bắc cầu giữa nhà tài trợ và người thụ hưởng. Bản thân tôi không chủ định thống kê bao giờ nhưng cũng phải làm báo cáo với cơ quan tổ chức hoặc đơn vị tài trợ. Nếu tính các công trình xây dựng mà tôi trực tiếp tham gia khởi xướng vận động như điểm trường, nhà bán trú, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, hệ thống điện mặt trời… thì là 26 điểm (mỗi công trình thường dao động từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/điểm). Còn các chương trình tài trợ học bổng, tặng trang thiết bị đồ dùng học tập, chăn áo ấm, đồ dùng sinh hoạt hoặc hỗ trợ thiên tai lụt bão, chống dịch Covid-19 hay trực tiếp giúp các hoàn cảnh khó khăn thì tôi… không thể nhớ hết được.

Về đối tượng thì tôi thường tập trung hướng tới các trường lớp vùng sâu, vùng xa, các thầy cô, học sinh nơi biên giới hoặc gia đình các đồng chí, đồng đội trong lực lượng vũ trang có hoàn cảnh khó khăn. Về địa bàn thì thời gian đầu, tôi chủ yếu tổ chức ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn…rồi sau này mở rộng vào Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tới cả Bà Rịa - Vũng Tàu.

nha bao hoang truong giang tu thien chang chung to minh dac biet hay minh gioi dau hinh 8

Một lá thư cảm ơn của cô giáo hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Thắng, thành phố Vũng Tàu gửi nhà báo Hoàng Trường Giang năm 2020.

Tặng hoa cho người khác thì người ngửi được mùi hương đầu tiên là chính chúng ta

- Thưa anh, trong độ khoảng dăm năm trở lại đây, các hoạt động thiện nguyện ngày càng được phát triển nở rộ trong cộng đồng, đặc biệt là với sự giúp sức của mạng xã hội (Facebook; zalo; youtube…). Tuy nhiên cũng có nhiều tranh cãi, lùm xùm xung quanh không ít chương trình thiện nguyện, anh nghĩ sao về vấn đề này?

Nhà báo Hoàng Trường Giang: Tôi nghĩ đơn giản thôi, việc con người giúp đỡ lẫn nhau nó là một tất yếu tự nhiên trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Ví dụ như giai thoại về Margaret Mead (1901-1978), một nhà nhân chủng học nổi tiếng của Mỹ. Khi sinh viên hỏi bà coi dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh nhân loại là gì? Thật ngạc nhiên là Mead nói rằng, bằng chứng đầu tiên của nền văn minh là một chiếc xương đùi bị gãy được tìm thấy có niên đại khoảng 15.000 năm trước. Mẫu xương người này bị gãy và đã lành. Bởi vậy Margaret Mead cho rằng, xương đùi được chữa lành cho thấy ai đó đã giúp đỡ đồng loại, thay vì bỏ rơi họ để cứu lấy mạng sống của chính mình. Margaret Mead nói: “Giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn là lúc nền văn minh nhân loại bắt đầu. Đừng bao giờ nghi ngờ một nhóm nhỏ những con người tử tế, tận tâm có thể thay đổi thế giới. Xét đến cùng, đó là tất cả những gì chúng ta có”.

Ở Việt Nam chúng ta cũng vậy, trải qua hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước từ cổ xưa đến nay, tính cố kết cộng đồng, chia ngọt sẻ bùi, lá lành đùm lá rách đã trở thành một đặc tính quy định trong ADN của người Việt. Chỉ khác là những năm gần đây khi công nghệ thông tin cùng các nền tảng mạng xã hội phát triển thì hoạt động thiện nguyện được biết đến nhiều hơn, lan tỏa hơn và cũng… thị phi hơn.

- Là một người tham gia các hoạt động thiện nguyện, anh có sợ dính vào “thị phi” hay ngại ngần mà dừng  các chương trình của mình lại hay không?

nha bao hoang truong giang tu thien chang chung to minh dac biet hay minh gioi dau hinh 11

Điểm trường mầm non Khuổi Hoa, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được nhà báo Hoàng Trường Giang gắn biển trao tặng năm 2015.

Nhà báo Hoàng Trường Giang: Cá nhân tôi rất thích một câu ngạn ngữ của người Do Thái, đại ý là: Khi tặng hoa cho người khác thì người ngửi mùi hương thơm đầu tiên chính là chúng ta. Còn khi ném bùn vào người khác thì người bẩn tay đầu tiên cũng chính là ta. Giúp đỡ người xung quanh là một lẽ tự nhiên chứ chẳng có gì cao siêu cả, bởi bản thân ta mới chính là người “thụ hưởng” đầu tiên khi giúp ai đó. Như quan niệm Phật giáo về nhân quả cho rằng, từ thiện chẳng chứng tỏ mình đặc biệt hay mình giỏi. Nó chẳng chứng tỏ mình tốt. Từ thiện không phải do tôi giỏi, tôi tốt, tôi giàu, tôi hay. Từ thiện chỉ là hoạt động tự nhiên của nhân quả. Do nhân quả thì từ thiện xảy ra. Chẳng phải là ai hay, ai giỏi. Giống như là ở đâu có lửa cháy thì lấy nước để dập. Cứ tự nhiên thế thôi, tự nhiên xảy ra, nhân quả làm việc ấy. Là con người thì không ai hoàn hảo, cũng chẳng ai có thể nói tôi không sai bao giờ. Nhưng điều quan trọng là chúng ta luôn muốn làm tốt, làm đúng.

Bản thân tôi luôn xác định rõ việc tham gia các hoạt động thiện nguyện không phải “nghề nghiệp” của mình, nó chỉ là một công việc bản năng gắn với số mệnh. Là một người lính, một nhà báo, tôi phải hoàn thành các nhiệm vụ của cơ quan đơn vị, bên cạnh đó cũng phải chăm lo gia đình mình trước tiên rồi mới nghĩ đến việc giúp ai.

- Chắc chắn là như vậy, quãng thời gian hơn 10 năm tham gia các hoạt động thiện nguyện, anh đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của rất nhiều người xung quanh?

Nhà báo Hoàng Trường Giang: Tất nhiên là thế, tôi có may mắn là được gia đình, cơ quan ủng hộ nên thuận lợi hơn trong việc tham gia tổ chức các hoạt động tình nguyện trong một thời gian dài. Ở đơn vị, bây giờ ngoài nhiệm vụ chuyên môn tôi cũng được giao phụ trách mảng công tác xã hội. Ở gia đình thì tôi chủ động đưa vợ con, người thân tham gia vào các chuyến tình nguyện, hay có chương trình đến phút chót vẫn thiếu kinh phí khá nhiều thì gia đình tự bỏ tiền ra ủng hộ nốt phần còn thiếu.

Bên cạnh đó là rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đồng chí, đồng đội, anh chị em, bạn bè, các nhà hảo tâm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đã đồng hành, tin tưởng, ủng hộ các hoạt động của tôi khởi xướng nhiều năm qua. Ai đó đã nói, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Điều đó chẳng bao giờ sai. Tôi làm được một vài điều nhỏ bé như vậy là vì có mọi người xung quanh đã kề vai, sát cánh qua từng năm, từng tháng, từng ngày. Tôi trân trọng và biết ơn họ.

nha bao hoang truong giang tu thien chang chung to minh dac biet hay minh gioi dau hinh 17

Nhà báo Hoàng Trường Giang: Từ thiện chẳng chứng tỏ mình đặc biệt hay mình giỏi đâu.

Xin trân trọng cảm ơn anh, chúc anh cùng các cộng sự tiếp tục chân cứng đá mềm trên hành trình đi gieo cấy niềm vui trên mọi miền Tổ quốc!

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Nam Định: Thành lập Hội Thương binh nặng tỉnh

Đồng chí Nguyễn Trung Sơn - Trưởng Ban vận động thành lập Hội được bầu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2024-2029.
2024-04-17 18:18:05

Khách hàng HDBank rộn ràng nhận thưởng “tiền tỷ”

HDBank hoàn tất trao thưởng 10 sổ tiết kiệm giá trị cao cho 10 khách hàng may mắn nhất trong chương trình “Khai Xuân Đắc Lộc - Năm Mới Phát Tài cùng HDBank”. Tỷ phú đầu năm 2024 của HDBank đến từ xứ rừng ngập mặn - huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
2024-04-17 16:35:01

Giỗ Tổ Hùng Vương - Nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tức ngày mười tháng ba âm lịch - là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam
2024-04-17 15:17:09

Hải Phòng có công viên ánh sáng đầu tiên

Hải Phòng - Trong dịp lễ 30/4 & 1/5 tới đây, thành phố Cảng sôi động nhất miền Bắc lần đầu tiên xuất hiện một không gian một trải nghiệm mới mẻ, sáng tạo và đầy màu sắc - Công viên Ánh Sáng Đồi Rồng tại Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng.
2024-04-17 15:10:12

Trò chuyện với chiến sĩ Điện Biên về chiến thắng 70 năm trước

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Tạp chí Điện tử Hòa nhập đã có cuộc gặp gỡ và trò truyện với những chiến sĩ Điện Biên năm xưa tại Nghệ An.
2024-04-17 13:15:00

Hội nghị Thượng đỉnh tăng cường hợp tác kinh tế xanh giữa Việt Nam và Australia

Theo thông tin từ ĐSQ Australia: Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Xanh Australia - Việt Nam được tổ chức vào ngày 16/04 tại thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 150 lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia từ Australia và Việt Nam.
2024-04-17 11:21:19
Đang tải...