Nhà mua hợp pháp bị kê biên thi hành án ở Bình Thuận
Vụ việc tưởng chừng đã đi đến hồi kết sau khi có kết luận của Tổng cục Thi hành án (Tổng cục) phân tích chi tiết và chỉ ra những sai phạm của THA La Gi khi áp dụng sai luật để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, bà Phan Dạ Thảo tiếp tục khởi kiện vụ án dân sự ra TAND thị xã La Gi. Bất ngờ hơn nữa, TAND thị xã La Gi đã tiến hành thụ lý vụ án “Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” - nguyên đơn là bà Phan Dạ Thảo (Sinh năm 1975, địa chỉ: Số 15 Phan Đăng Lưu, Khu phố 4, phường Tân An, thị xã La Gi, Bình Thuận) và các bị đơn là ông Hồ Quốc Hùng, bà Ngô Thị Thuận, bà Nguyễn Thị Khánh Ly.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24/2/2016 diễn ra tại TAND thị xã La Gi, sau khi nghe các bị đơn và luật sư trình bày quan điểm về việc hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa các bị đơn hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật và đây bản chất là việc đương sự (ông Hùng – bà Thuận) bán nhà để trả nợ ngân hàng. HĐXX sơ thẩm đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa các bị đơn, HĐXX xác định việc chuyển nhượng giữa các đương sự là hành vi tẩu tán tài sản.
Luật sư Trương Anh Tú cho biết: “Phán quyết vô cùng liều lĩnh này của Tòa sơ thẩm đã khiến cho mọi người tham dự phiên tòa cảm thấy vô cùng kinh ngạc.
Trước tiên, HĐXX hoàn toàn không xem xét đến những quan điểm và bằng chứng mà luật sư và các đương sự đưa ra, đó là: giao dịch chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất giữa bà Khánh Ly và vợ chồng ông Hùng – bà Thuận tuân thủ đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự 2005; giao dịch chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất giữa bà Khánh Ly và vợ chồng ông Hùng – bà Thuận là hợp pháp và có sự chấp thuận của Ngân hàng Đông Á – Phòng giao dịch La Gi và trong giao dịch chuyển nhượng này, bà Khánh Ly là người mua nhà hợp pháp, ngay tình.
Nghĩa vụ trả nợ của ông Hùng – bà Thuận đối với Ngân hàng Đông Á phát sinh trước nghĩa vụ trả nợ cho bà Phan Dạ Thảo. Do vậy, việc ông Hùng – bà Thuận bán nhà cho bà Khánh Ly và dùng toàn bộ số tiền chuyển nhượng đó để trả nợ cho Ngân hàng là một việc làm hết sức bình thường. Nếu không có giao dịch chuyển nhượng này, thì nhà đất đã được thế chấp tại Ngân hàng cũng sẽ được Ngân hàng mang ra xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chứ tài sản không thể và không bao giờ thuộc về bà Dạ Thảo.
Bên cạnh đó, tất cả các cơ quan có thẩm quyền như Tổng cục thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận,UBND thị xã La Gi, Công an thị xã La Gi đều thừa nhận việc kê biên nhà của bà Khánh Ly để thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã La Gi là sai, đồng thời cũng thừa nhận giao dịch chuyển nhượng nhà đất trước đó giữa các đương sự là đúng luật. Sự thừa nhận này được thể hiện rõ trong các văn bản của Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận và trong việc UBND thị xã La Gi chấp thuận cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bà Khánh Ly sau khi quá trình chuyển nhượng hoàn tất. Như vậy, chỉ có TAND thị xã La Gi là cơ quan duy nhất cho rằng việc mua bán chuyển nhượng giữa các bên là trái luật. Phán quyết của Tòa án trong vụ việc này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần các quy định của pháp luật”.
“Chúng tôi nhận thấy Thẩm phán đã tuyên một phán quyết kỳ lạ, hủy hợp đồng chuyển nhượng một cách vô lý nhưng lại không giải quyết hậu quả của việc hủy hợp đồng do vô hiệu, làm cho bà Khánh Ly – là người mua nhà hợp pháp và ngay tình trở thành “trắng tay”. Phán quyết vô cùng liều lĩnh này của Tòa sơ thẩm đã khiến cho mọi người cảm thấy vô cùng kinh ngạc vì chỉ xem xét đến quyền lợi của người được thi hành án là bà Dạ Thảo mà Thẩm phán đã “bất chấp” pháp luật và thực tế khách quan, không hề xem xét đến quyền lợi của bà Khánh Ly và các đương sự khác.
Ngoài ra, xét về mặt thủ tục, Thẩm phán xác định thiếu tư cách đương sự cũng như không đưa rất nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan vào vụ việc (như chồng bà Khánh Ly, Ngân hàng Đông Á…) dẫn đến việc xem xét vụ án một cách phiến diện và chỉ giải quyết được “một khúc” của vụ án, khiến tôi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”.
Chúng tôi tin rằng các cấp Tòa án còn lại sẽ vào cuộc và xem xét để giải quyết lại vấn đề này cho hợp tình, hợp lý và hợp pháp”, LS Tú cho biết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.