Làm thế nào để doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc?
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, nhưng chỉ có 31,7% trong số đó nằm trong lực lượng lao động, tỷ lệ người khuyết tật có việc làm từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Thời gian qua do ảnh hưởng Covid-19 người khuyết tật là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm, khi đại dịch qua đi tất cả đối tượng đều rất khó tìm lại việc làm.
Phát biểu tại hội thảo bà Dương Thị Vân - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật, có nhiều thách thức, rào cản về hướng nghiệp, dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật. Đó là người khuyết tật có học vấn thấp, sống trong gia đình nghèo, không đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh học nghề và việc làm, tay nghề không ổn định, không tiếp xúc xã hội, thiếu kỹ năng, thiếu thông tin về học nghề và tuyển dụng, khả năng tiếp cận thông tin và cơ hội về đào tạo hướng nghiệp, việc làm hạn chế… Các nhà tuyển dụng chưa tin tưởng người khuyết tật, lo lắng việc người khuyết tật gây xáo trộn công việc, quy trình sản xuất, cơ sở vật chất chưa phù hợp, khó tiếp cận với người dùng xe lăn, gậy, nạng.
Ảnh minh hoạ.
Trong doanh nghiệp có người khuyết tật, tinh thần tích cực trong đời sống của nhân viên trong doanh nghiệp đó rất cao. Với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật cũng được hưởng nhiều hỗ trợ, như kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định, được vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định, có chính sách ưu đãi về thuê đất, mặt bằng, mặt nước…
Đề xuất giải pháp về vấn đề việc làm đối với người khuyết tật, theo bà Dương Thị Vân, cần tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, trung tâm, trường hướng nghiệp và đào tạo nghề với các tổ chức của người khuyết tật và các tổ chức xã hội; Tăng cường đào tạo, tập huấn hòa nhập kiến thức, kỹ năng làm việc với người khuyết tật… và văn hóa doanh nghiệp. Cải thiện cơ sở vật chất của doanh nghiệp, các đơn vị hướng nghiệp/đào tạo nghề theo hướng dễ dàng tiếp cận hơn đối với người khuyết tật; Thông tin dễ tiếp cận về đào tạo hướng nghiệp, việc làm cho nhóm người điếc, mù; Có tổng đài tư vấn hướng nghiệp/đào tạo và việc làm, cán bộ tư vấn chuyên trách về hướng nghiệp và việc làm cho NKT tại các doanh nghiệp, tổ chức hội; Đưa chương trình hướng nghiệp vào chương trình đào tạo.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.