Nhiều doanh nghiệp Bất động sản bị ngân hàng xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ
Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên
Mới đây, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, Ngân hàng Maritimes Bank (MSB) thông báo tới các cơ quan hữu quan và Chính quyền địa phương về việc tiến hành xử lý các tài sản hình thành từ vốn vay thuộc dự án PMR Evergreen tại Phường Phú Mỹ, quận 7, TP. Hồ Chí MinhCác tài sản thế chấp thuộc dự án PMR Evergreen tại Phường Phú Mỹ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) làm chủ đầu tư.
Công ty CP đầu tư kinh doanh Bất động sản Sao Mộc (Công ty Sao Mộc), Công ty CP Bất động sản Tân Sao Thổ (Công ty Tân Sao Thổ) là khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Martimes Bank ( MSB) và thế chấp các tài sản hình thành từ vốn vay thuộc dự án PMR Evergreen tại Phường Phú Mỹ, quận 7, TP. Hồ Chí Minh do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên) làm chủ đầu tư gồm: 28 căn City Villa và 94 căn Sky Villa giai đoạn 1; 38 căn City Villa và 42 căn Garden Villa giai đoạn 2.
Công ty Tài Nguyên sử dụng các tài sản là 03 quyền sử dụng đất của dự án PMR Evergreen để thế chấp bảo lãnh cho nghĩa vụ nợ của công ty Sao Mộc và công ty Tân Sao Thổ. Toàn bộ (các) tài sản nêu trên được đăng ký giao dịch đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Do Công ty Sao Mộc, Công ty Tân Sao Thổ không trả nợ MSB đúng hạn theo thỏa thuận, MSB đã nhiều lần làm việc với Bên vay và Công ty Tài Nguyên – Bên có tài sản đảm bảo để các bên tự thu xếp tìm đối tác chuyển nhượng (các) tài sản thế chấp và hoàn trả gốc, lãi đầy đủ cho MSB nhưng Công ty Tài Nguyên không hợp tác, tìm mọi cách từ bỏ nghĩa vụ bảo lãnh của mình.
Ảnh minh họa
Cùng với đó, từ năm 2020, Ngân hàng BIDV cũng đang thực hiện thông báo bán đấu giá công khai khoản nợ xấu của công ty Tài Nguyên với giá trị khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Tài sản Công ty Tài Nguyên thế chấp cho khoản nợ trên gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lại thuộc dự án Kenton Residences, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Tài sản này được đồng thế chấp bảo đảm chung cho MSB, PVComBank, BIDV và do BIDV làm đầu mối quản lý tài sản theo tỷ lệ BIDV: 58%, MSB: 28,13% và PVCombank: 13,87%.
Tập đoàn Xuân Lãm
Tập đoàn Xuân Lãm (Quảng Ninh) là một Tập đoàn có tiếng khu vực Quảng Ninh, nhưng gần đây rơi vào sa sút dẫn đến việc dự án bị thu hồi, ngân hàng rao bán khoản nợ hơn 300 tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng Agribank chi nhánh Mỹ Đình đã thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm, Chi nhánh Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm tại Agribank Chi nhánh Mỹ Đình theo 2 hợp đồng tín dụng được ký vào năm 2013, giá trị nợ gốc của hai hợp đồng gồm 53,355 tỷ đồng và 99,341 tỷ đồng.
Được biết, khoản vay của Tập đoàn Xuân Lãm được đảm bảo bởi các quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị với tổng trị giá 117 tỷ đồng. Bao gồm: 1 quyền sử dụng đất chung cư diện tích 2.657m2 tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 1 quyền sử dụng đất xây dựng bãi đỗ xe, nhà văn phòng diện tích 12.607 m2 tại phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 1 quyền sử dụng đất ở đô thị diện tích 10.556m2 tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 3 máy xúc lật; và 1 xe ủi bánh xích.
Tập đoàn Khải Vy
Không chỉ riêng Tập đoàn Xuân Lãm hồi cuối tháng 7, ngân hàng BIDV cho biết tiếp tục bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy. Giá khởi điểm cho khoản nợ này là 754,87 tỷ đồng, giảm 280 tỷ so với lần 1 hồi tháng 6 và giảm 177 tỷ so với lần 2 hồi đầu tháng 7.
Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm ngày 7/6/2021, Tập đoàn Khải Vy có tổng dư nợ tại BIDV là hơn 1.035 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc chỉ 409 tỷ nhưng dư nợ lãi lên tới 626 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ vay này là 9 tài sản gồm: Tòa nhà Crystal Palace tại Lô C17-1-2, P.Tân Phú, Q.7. TP.HCM với diện tích đất 2.675 m2, là Trung tâm hội nghị tiệc cưới nhà hàng khách sạn với diện tích xây dựng 1.636 m2, diện tích sàn 15.471 m2.
Ngoài ra còn có hơn 8,74 triệu cổ phần do Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang phát hành và các khoản phải thu với tổng giá trị hơn 51 tỷ đồng (tại thời điểm nhận thế chấp 4/7/2014) của Tập đoàn Khải Vy tại Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang và nhiều tài sản đảm bảo khác.
Được biết, Khải Vy ban đầu là một doanh nghiệp sản xuất gỗ. Đến giai đoạn năm 2006 - 2007 khi thị trường bất động sản (BĐS) sôi động, Khải Vy bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực địa ốc bằng việc thành lập Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang, chủ dự án khu nghỉ dưỡng Hòn Tằm có quy mô 114ha ở Nha Trang và được đầu tư 42 triệu USD, với 49 bungalow và 15 căn villa. Khai Vy cũng đầu tư mạnh vào việc trồng rừng ở Đắk Nông với quy mô trên 3.000 ha.
Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải
Không chỉ Khải Vy và Xuân Lãm, mới đây Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã thông báo sẽ bán đấu giá khoản nợ gần 200 tỷ đồng (tính đến 15/10/2020) của Doanh nghiệp tư nhân Khách sạn Nhà hàng Thanh Hải. Tài sản bảo đảm là hợp đồng mua bán các căn hộ thuộc Dự án Happy Plaza, Lô A10 đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Khoản nợ này được Sacombank đặt giá khởi điểm khá thấp so với số dư nợ cho vay, chỉ hơn 105 tỷ đồng, tương đương hơn 53%.
Còn rất nhiều những doanh nghiệp bất động sản, hay thậm chí "tay trái" vay nợ ngân hàng đầu tư bất động sản lúc thị trường sốt nóng. Khi thị trường gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã không thể trả gốc và lãi khiến bất động sản thế chấp lần lượt được các nhà băng mang ra phát mãi, thậm chí hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không có người mua.
Theo giới chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng rao bán tài sản là nợ xấu nhiều lần nhưng không thành công, mặc dù đã giảm giá nhiều lần so với dư nợ cho vay là do các quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp. Nhiều miếng, mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ đôi khi có lịch sử phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên để sang tên sở hữu mất nhiều thời gian, thậm chí lại không thực hiện được.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.