Nhiều công trình xây dựng “bỏ rơi” người khuyết tật!
Hầu như các điểm xe buýt tại Hà Nội không được bố trí vệt dốc hay đường dốc dành cho người khuyết tật
Đỏ mắt tìm lối đi cho người khuyết tật
Theo Thông tư số 21/2014/TT-BXD, các công trình xây dựng để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng bao gồm: nhà chung cư; công trình công cộng; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục, thể thao; công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ; nhà ga, bến tàu, bến xe, đường, hè phố, hầm đi bộ, cầu vượt và các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị khác (nhà tang lễ, nghĩa trang, nhà vệ sinh công cộng, điểm chờ xe buýt, máy rút tiền tự động, điểm truy cập internet công cộng,…). Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Thông tư cũng đã quy định trong bãi đỗ xe công cộng và bãi đỗ xe trong các tòa nhà phải có chỗ đỗ xe của người khuyết tật vận động. Theo đó, số lượng tính toán chỗ đỗ xe của người khuyết tật vận động được quy định như sau: Cứ từ 5 đến 50 xe thì dành 1 chỗ để xe cho người khuyết tật, trên 300 xe là 5+1 chỗ cho mỗi lần thêm 100 xe. Đối với nhà chung cư cần dành ít nhất 2% chỗ đỗ xe cho người khuyết tật vận động, kích thước tối thiểu cho một chỗ đỗ xe của người khuyết tật vận động là 2, 35 m2/xe.
Bà Trần Thị Mai (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Gia đình tôi chuyển về ở chung cư được mấy năm, tuy nhiên mới đây chồng tôi bị tai biến nhẹ nên phải di chuyển bằng xe lăn. Do chung cư không thiết kế đường lên dành cho xe lăn nên lần nào tôi cũng phải nhờ mọi người khiêng qua mấy bậc thang mới lên được phòng.
Thông tư mới ban hành Bộ Xây dựng đã quy định đối với vị trí chỗ đỗ xe của người khuyết tật vận động phải được bố trí gần đường vào, lối vào công trình. Cụ thể: Đối với các bãi đỗ xe công cộng thì chỗ đỗ xe của người khuyết tật vận động phải gần với đường dành cho người đi bộ. Nếu chỗ đỗ xe có nhiều cao độ khác nhau thì vị trí đỗ xe của người khuyết tật vận động phải cùng cao độ với lối ra vào. Tại các điểm chờ xe buýt khi có sự thay đổi cao độ phải bố trí vệt dốc hay đường dốc và đặt các tấm lát nổi hoặc đánh dấu bằng các màu sắc tương phản trên đường chờ để người khuyết tật đến được các phương tiện giao thông. Tại các điểm chờ xe buýt phải bố trí chỗ ngồi cho người khuyết tật và có khoảng trống dành cho xe lăn. Tại khu vực dành cho người khuyết tật phải có biển báo, biển chỉ dẫn hoặc các dấu hiệu cảnh báo có thể nhận biết theo quy ước quốc tế.
Đối với phòng khám và phòng chăm sóc bệnh nhân trong các cơ sở khám, chữa bệnh, tỷ lệ tối thiểu các phòng khám và phòng chăm sóc bệnh nhân đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh phải tuân theo các quy định sau: Bệnh viện là 10% tổng số phòng bệnh, phòng khám; trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng là 100 % số phòng lưu, phòng khám; trung tâm điều dưỡng là 50 % số buồng phòng.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định hàng loạt công trình xây dựng khác phải dành không gian cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng, như các công trình xây dựng công cộng (trụ sở cơ quan nhà nước, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục - dạy nghề), công trình văn hóa - thể thao, công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ, công trình giao thông công cộng (nhà ga, bến xe, cầu vượt, hầm đi bộ, hè phố).
Phải khắc phục những thiếu sót
Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, tạo căn cứ pháp lý khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam. Mặc dù khi thực hiện Công ước, Việt Nam sẽ gặp một số thách thức bởi các điều khoản của Công ước về mặt pháp luật cơ bản là tương thích. Tuy nhiên, việc thực hiện Công ước đã đề ra mục tiêu đến 2020, 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Ông Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ & Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: Việc triển khai xây dựng công trình tiếp cận cho người khuyết tật còn gặp phải một số trở ngại do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng công trình chưa cao. Hầu hết kiến trúc sư vẫn có thói quen thiết kế theo kinh nghiệm, không quan tâm các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tâm lý e ngại giá thành công trình tăng lên...
Tại QCVN 10:2004/BXD ban hành theo Thông tư đã quy định: Tại đường và hè phố; tại các nơi giao cắt khác cao độ như các lối sang đường, lối lên xuống hè phố phải làm đường dốc, vệt dốc; tại nút giao thông giữa lối đi bộ và đường dành cho các phương tiện giao thông, lối sang đường dành cho người đi bộ hoặc tại lối vào công trình nếu có sự chênh lệch cao độ lớn hơn 150 mm phải bố trí vệt dốc và tấm lát cảnh báo giao cắt.
Mép ngoài của đường đi bộ và đường đi xung quanh ao, hồ trong công viên phải có dấu hiệu cảnh báo hoặc gờ chắn cao tối thiểu 150 mm để đảm bảo an toàn cho người khuyết tật nhìn. Các tiện nghi trên đường phố như điểm chờ xe buýt, ghế nghỉ, cột điện, đèn đường, cọc tiêu, biển báo, trạm điện thoại công cộng, hòm thư, trạm rút tiền tự động, bồn hoa, cây xanh, thùng rác công cộng, v.v… không được gây cản trở cho người khuyết tật và được cảnh báo bằng các tấm lát nổi hoặc đánh dấu bằng các màu sắc tương phản để người khuyết tật nhìn có thể nhận biết.
Thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, khi thông tư chính thức có hiệu lực thì các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại các địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra sự tuân thủ các quy định của QCVN 10:2014/BXD trong hoạt động xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.