Cuộc sống đầy nghị lực của những "bóng hồng" tật nguyền
Ngồi xe lăn nghiên cứu sách
Suốt 17 năm qua, chị Trần Thúy Nga (SN 1985, trú xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An), chỉ ngồi trên chiếc xe lăn cạnh tủ kính để đọc, nghiên cứu và sưu tầm hơn 6.000 đầu sách. Giờ chị không cho thuê sách như trước nữa mà vận động mọi người đến đọc miễn phí. Rất đông học sinh và người dân đã đến để mượn sách đọc mỗi ngày.
Trong chuỗi ngày tháng đau đớn, tuyệt vọng chị Nga đã tìm đến sách để làm bạn (Ảnh: HNM).
Năm 1998, chị Nga 13 tuổi, toàn thân chị tê liệt, không còn khả năng bước đi bằng đôi chân của mình và chiếc xe lăn trở thành người bạn đồng hành từ đó cho đến tận bây giờ. Năm 2004, chị Nga tự mở một cửa hàng tạp hóa và dùng tiền tiết kiệm xây dựng tủ sách với mục tiêu là cho thuê các loại sách giải trí.
Chị Nga sở hữu hàng nghìn cuốn sách về kỹ năng sống, kỹ năng học tập và phát triển bản thân, các tác phẩm văn học kinh điển, sách hạt giống tâm hồn, thiếu nhi...
Hằng tháng, chị đều bỏ tiền túi để mua và làm phong phú thêm tủ sách miễn phí của mình. Đây chính là liều thuốc tinh thần giúp chị vượt qua những cơn đau thể xác.
Rất nhiều người đã tìm đến tủ sách của chị Nga. Đây chính là liều thuốc tinh thần giúp chị vượt qua những cơn đau thể xác (Ảnh: HNM).
Lãnh đạo địa phương đánh giá chị Nga là một tấm sáng cho mọi người noi theo. Mặc dù là một người tàn tật nhưng ý chí, nghị lực của chị Nga thì rất tuyệt vời. (theo HNM)
Liệt chân, có đôi tay khéo léo
Bị liệt đôi chân hơn 30 năm qua, hết nằm lại ngồi một chỗ nhưng trời lại phú cho chị Sầm Thị Giang (SN 1988, trú bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) có đôi tay khéo léo nổi tiếng khắp vùng nhờ việc thêu dệt vải thổ cẩm.
Những sản phẩm của chị được mọi người đánh giá rất cao vì thế đơn đặt hàng của chị ngày càng nhiều. Giờ đây, mặc dù sức khỏe có phần giảm sút nhưng hằng ngày chị Giang vẫn cố gắng gắn với cây kim sợi chỉ. Hiện tại trung bình cứ 3 tháng chị Giang hoàn thành 2 - 3 sản phẩm như: Chân váy Thái, khăn Piêu, khăn trải bàn…
Chị Sầm Thị Giang hướng dẫn các em nhỏ trong vùng thêu váy thổ cẩm (Ảnh: CTV).
Giang nói, những năm trước còn khỏe mạnh, ít ốm đau có tháng cô thêu được 3 chân váy Thái, trung bình một chân váy bán được 700 ngàn đồng. Hiện tại trung bình cứ 2 tháng cô lại cho ra được từ 3 đến 4 sản phẩm, thu về số tiền gần 3 triệu đồng.
"Sinh ra không được lành lặn, hoàn cảnh quá khó khăn nhưng những năm qua chị Sầm Thị Giang đã cố gắng vượt lên chính mình. Không chỉ giúp cho bản thân có công việc ổn định mà chị còn kiếm tiền phụ giúp gia đình, chị Giang là người "tàn nhưng không phế", ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu cho biết. (theo HNM)
Đôi tay làm thay tất cả
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Đức Xá xã Vĩnh Thủy huyện Vĩnh Linh, chị Lê Thị Yên không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa khi cơ thể chị không lành lặn. Từ nhỏ phải làm quen với việc làm tất cả mọi thứ chỉ bằng 1 cánh tay, chị Yên đã tập cho mình ý chí, quyết tâm và sự lạc quan, mọi thứ đều phải cố gắng gấp đôi người thường. Không thể kể hết sự vất vả của chị, nhưng rồi đất không phụ lòng người, từ trồng lúa, trồng sắn, nuôi lợn, vịt và trâu bò đã mang về cho gia đình chị hơn 150 triệu đồng mỗi năm, giúp chị và gia đình ổn định cuộc sống.
Không chỉ tích cực lao động sản xuất, tích cực tìm kiếm những phương pháp khoa học công nghệ áp dụng vào việc trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, chị Lê Thị Yên còn tham gia các lớp chia sẻ, động viên cho người khuyết tật trên toàn tỉnh. Để rồi từ chính câu chuyện của chị là niềm cảm hứng, là động lực để những người khuyết tật có thêm niềm tin về những điều mình có thể làm được cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Với sự cần cù, chăm chỉ, gia đình chị Yên có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm từ việc trồng trọt, chăn nuôi
Chị Ngô Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thủy huyện Vĩnh Linh cho biết: “Là hội viên Hội phụ nữ của xã, chị Yên tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, chị còn thường xuyên chia sẻ câu chuyện của mình với những hoàn cảnh khuyết tật khác, để cộng đồng người khuyết tật có tấm gương vươn lên. Điều đáng quý nhất ở chị Yên là tinh thần lạc quan, yêu đời, sự cố gắng, phấn đấu vươn lên, để rồi không chỉ trong cộng đồng những người khuyết tật mà chị là tấm gương cho cả cộng đồng noi theo”.
Cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi trên vùng quê Đức Xá, và với người phụ nữ khuyết tật đầy lạc quan Lê Thị Yên, niềm hạnh phúc lớn nhất của chị lúc này là chị có sự lạc quan, có sức khỏe để lao động, có niềm vui khi nhìn thấy sự trưởng thành của các con từng ngày. Để rồi câu chuyện của chị là tấm gương cho những người khuyết tật tiếp tục vươn lên, tạo nên những sắc màu đẹp cho cuộc sống.
Start up bằng đôi tay
Chị Đặng Thị Sâu - hội viên khuyết tật thôn Đông 2, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Xuất thân từ gia đình nghèo khó, bản thân bị khuyết tật bẩm sinh chân không phát triển bình thường bị teo nhỏ, khèo chân trái mặc dù chị đi lại rất khó khăn, ngay từ nhỏ chị đã cố gắng theo học hết chương trình văn hóa 6/12 đó cũng là một hành trang để chị có thêm kiến thức xây dựng cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Mặc dù phải chịu thiệt thòi, khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày, và khó hơn tìm kiếm việc làm phù hợp, chị đi gõ cửa khắp nơi nhưng chẳng ai nhận vào làm, không vì vậy mà chị buông xuôi, phó mặc cho số phận. Từ đó, chị luôn nung nấu ý nghĩ phải làm điều gì đó để chăm lo cho gia đình, chị nghĩ còn đôi tay khỏe mạnh là còn khả năng lao động, chị quyết tâm tìm cho mình một công việc để nuôi bản thân
Bằng nghị lực và sự cần cù, chăm chỉ của bản thân, tuy chị không có đôi chân nhanh nhẹn nhưng bù lại chị có đôi bàn tay rất khéo léo, khỏe mạnh. Tất cả mọi việc tưởng chừng như đơn giản nhưng nó là cả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị, nhờ nghị lực và ý chí vươn lên.
Không ngừng ở đó chị còn tận dụng số tiền nuôi gà để mở sạp bán rau hành tại chợ thôn Đông, đến nay cuộc sống của chị đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định nhờ vào chăn nuôi gà và sạp bán rau hành tại chợ thôn Đông.
Sạp bán rau của chị Sâu. Ảnh tạp chí LĐXH
Ngoài việc lo làm ăn phát triển kinh tế, chị luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào phụ nữ, sinh hoạt tổ Hội rất năng nổ nhiệt tình, chị sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm làm ăn với những người khuyết tật cùng hoàn cảnh với chị và bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu và quý trọng. Hàng năm chị được bình chọn là hội viên xuất sắc, gia đình chị đạt các tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch” tại chi hội, chị đã trở thành động lực, là tấm gương cho chị em phụ nữ khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Chị Sâu xứng đáng tấm gương tiêu biểu về tự lực, tự cường, hăng hái tham gia lao động trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.