Kiểm toán Nhà nước "nêu tên" một loạt doanh nghiệp bất động sản thua lỗ
Ảnh minh họa.
Theo đó, có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã lâm vào tình trạng thua lỗ nặng. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra khi chậm khai thác đất để đưa vào sử dụng, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đất đai với ngân sách Nhà nước...
Đơn cử như Công ty mẹ - Hancorp có 8/33 đơn vị có vốn góp lỗ năm 2019 là 289,05 tỷ đồng. Công ty mẹ - Handico đầu tư vào CTCP Kinh doanh và Phát triển nhà số 68 đã lỗ 60,99 tỷ đồng;
Công ty mẹ - Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn có 1/5 công ty con lỗ năm 2019 là 38,19 tỷ đồng. CTCP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) còn có hệ số nợ phải trả cao gấp 5,88 lần vốn chủ sở hữu…
Một số khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty xây dựng, bất động sản vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác cũng bị lỗ trầm trọng.
Như công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn âm vốn chủ sở hữu 344,25 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn có 7 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 32,91 tỷ đồng; Công ty mẹ - UDIC có 5 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 288,7 tỷ đồng, 1 công ty ngừng hoạt động, 2 khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 32,1 tỷ đồng và 1 khoản đầu tư dài hạn khác dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, Handico có 3 công ty liên doanh liên kết lỗ lũy kế 25,49 tỷ đồng, 4 khoản đầu tư khác lỗ 2.100,68 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội có 1 công ty liên kết lỗ lũy kế gần 1 tỷ đồng…
Cho đến thời điểm kiểm toán, một số đơn vị đầu tư bất động sản đã hoàn thành công tác xây dựng nhưng chưa bán hoặc chậm đưa vào khai thác làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong đó công ty mẹ - Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn có khu đất số 481 Bến Ba Đình Phường 9, Quận 8 xây dựng hoàn thành chung cư từ năm 2010, đến nay còn 242/350 căn hộ để trống; khu đất số 339/34A (số cũ 157/R8) Tô Hiến Thành, Phường 12, Quận 10 đến nay còn 119 căn hộ để trống từ năm 2013.
Bên cạnh đó, một số dự án đã bị “đắp chiếu” từ nhiều năm như dự án Nhà máy Gạch bê tông khí chưng áp của Hancorp; Dự án 174 Hà Huy Tập, Yên Viên, Hà Nội và 51,89 ha tại cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Sóc Sơn của Handico… Đồng thời, nhiều dự án được triển khai nhưng chậm tiến độ. Như UDIC có dự án Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã quá hạn trên 16 năm, đến nay chưa được UBND TP. Hà Nội gia hạn thực hiện dự án.
Hancorp có dự án khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B chậm 10 năm, dự án N01 - T8 chậm 06 năm, dự án khu biệt thự chậm 03 năm, dự án N04.A chậm 02 năm; Còn Tổng công ty Địa Ốc Sài Gòn có dự án chung cư Khuông Việt đã chậm 02 năm.
Trong khi đó, một số dự án bất động sản đã hoàn thành nhưng lại hoạt động không hiệu quả như: tòa nhà trụ sở và văn phòng bán, cho thuê tại 148 Hoàng Quốc Việt của PVOIL (Hà Nội) hoạt động cho thuê lỗ lũy kế đến 31/12/2019 là 11,97 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, rất nhiều đơn vị có diện tích đất lớn chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả như: PVOIL 29,34 ha; TCT Địa ốc Sài Gòn 6,3 ha; Thuộc EVNCPC, Công ty Điện lực Gia Lai 0,54 ha, Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực 3 là 0,075 ha; Sawaco 1,14 ha; PTSC 0,28 ha tại số 266 Lê Lợi, Vũng Tàu; Hancorp 0,52 ha và khu đất xây dựng Nhà máy Gạch bê tông khí chưng áp; UDIC có lô đất B2 thuộc khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy; đất tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang và khu đất A1 khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngoài ra, còn có tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích như: công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung với 0,14 ha; PVOIL: 13,12 ha; PTSC: 54/120 căn phòng tại số 284 Nguyễn An Ninh, Vũng Tàu. Để đất bị lấn chiếm, tranh chấp như TCT Địa ốc Sài Gòn có 1,96 ha; Công ty Điện lực Gia Lai 0,06 ha, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung 3,08 ha.
Còn nhiều khu đất chưa đủ hồ sơ pháp lý: EVNCPC 161,13 ha; EVN HCM 17,08 ha; Sawaco 60,23 ha; Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Nam 15,62 ha; PVOIL 75,47 ha; PVPower 16,41 ha; PTSC 12,14 ha; Samco 54,29 ha; Công ty mẹ - Handico 1,11 ha.
Nhiều đơn vị cũng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đất đai với ngân sách nhà nước: VNPT NET 11,16 ha; PVPower 6 ha; EVN HCM 1,25 ha; Sawaco 18,97 ha; PTSC 0,18 ha tại số 266 Lê Lợi, Vũng Tàu; PVOIL Vũng Áng, PVOIL Vũng Tàu, PVOIL Sài Gòn, PVOIL Thái Bình, PVOIL Thanh Hóa; Hancorp có các lô đất CC2, CC3, CC4, CC5, CC5a, QT1, QT2, QT3, QT4, QT5, QT6, P1, P2 và 9,9 ha tại Quế Võ, Bắc Ninh; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 1,32 ha; EVNCPC 36,57 ha.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phải nộp tăng thêm của Sawaco là 145,58 tỷ đồng; UDIC là 47,05 tỷ đồng; Samco 23,16 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 4,32 tỷ đồng; EVN HCM 5,09 tỷ đồng; EVNCPC 1,09 tỷ đồng; PVOIL 0,55 tỷ đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.