Những đôi “mắt thần” và một điều ước
Chiếc kính dẫn đường này được gọi là “mắt thần” này ngoài bộ phận đo khoảng cách từ người đeo đến các vật xung quanh, còn có bộ phận điều khiển trung tâm để thu các tín hiệu khoảng cách và bộ rung động để phát ra các tín hiệu xúc giác. Và chính bộ rung động này giúp người mù khi đeo phát hiện được vật cản ở xa hay gần, to hay nhỏ, cao hay thấp, giúp người mù tránh được vật cản và biết được vật cản còn cách mình bao xa.
TS. Hải kể, hồi đầu khi mới sáng chế, các cô, bác khiếm thị thử đội cái mũ lên, ai cũng vui sướng vì cảm nhận được “ánh sáng”, nhưng chi phí cho cái mũ gần 20 triệu đồng là quá cao, không những vậy còn rất nặng nề với hơn 2kg nên mọi người dù “rất thèm đội mũ lên đầu” lại không mấy hào hứng đón nhận.
Nhưng rồi dự án dần nhận được sự ủng hộ từ cô bán gạo ở chợ Thủ Đức, Bình Dương đến chú Việt kiều Australia, doanh nhân ngành hóa chất, ngày 19/4/2014, phiên bản thứ 9 được gọi là “Mắt thần 2” ra đời, gọn nhẹ như một mắt kính thời trang. Trong năm 2015, TS. Hải đã có kế hoạch sản xuất 5.000 chiếc mắt thần cho mục đích từ thiện.
Đến giờ thì vui rồi. Những “đôi mắt thần” ấy đã được một “đôi mắt thần” khác nhìn ra và ra tay hỗ trợ. Nhẩm tính, với 70.000 chiếc kính ấy là một số tiền không nhỏ, ngót 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một câu hỏi cứ khắc khoải: Tại sao một dự án đầy ý nghĩa nhân văn như thế nhưng cũng phải trầy trật đến mấy năm, và cũng phải may mắn khi gặp được người đứng đầu Chính phủ mới có cơ hội trở thành hiện thực? Bởi vì nếu chỉ lướt qua những vụ việc gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước mà báo chí nêu trong thời gian gần đây thì chẳng thấm tháp gì.
Nào là một nhà hát ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) được đầu tư xây dựng với chi phí lên tới 117, 41 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm xây dựng, nhà hát này vẫn chưa thể hoàn thiện và hiện đang bị bỏ không.
Nào là tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) với 30 tỷ đồng đầu tư nay đã 6 năm trôi qua, nhiều hạng mục tại công trình này vẫn bỏ dở, là nơi được các con nghiện biến thành "bãi đáp" để tiêm chích.
Nào là hàng chục chợ ở tỉnh nghèo Đăk Nông được xây tiền tỷ nhưng vẫn bị bỏ hoang, như chợ Nông sản Nam Dong thuộc huyện Cư Jút, chợ liên xã Nam Bình-Thuận Hạnh thuộc huyện Đăk Song, chợ xã Quảng Trực thuộc huyện Tuy Đức,chợ xã Quảng Phú huyện Krông Nô, chợ xã Cư K’Nia huyện Cư Jút… Tiêu biểu là chợ Đăk Ru (huyện Đăk R’lấp) được khởi công xây dựng từ tháng 12/2009, hoàn thành tháng 5/2010 với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng hiện trở thành hoang phế, cho DN thuê giá rẻ mà cũng không ai bước chân vào…
Nào là việc thất thoát 33 tỷ đồng tiền thuế tại vụ án gần đây ở huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Với thủ đoạn thành lập công ty ma để in ấn hóa đơn, các chứng từ thu nộp ngân sách nhằm hợp thức hóa hóa đầu vào, đầu ra, 2 DN ở đây đã chiếm đoạt 33 tỷ đồng hoàn tiền thuế GTGT của Nhà nước. Tuy nhiên, phiên xét xử sơ thẩm hai vụ án trên đã diễn ra khá “bí mật”. Cuối cùng, mặc dù bản án xác định đây là vụ việc mua bán hóa đơn GTGT lớn nhưng Tòa đã không bắt đương sự nộp lại số tiền thuế 33 tỷ đồng đã chiếm đoạt (!?)…
Chỉ “nhặt nhạnh” loanh quanh mấy thông tin ấy thôi cũng đã thấy, nếu không bị thâm thủng thì số tiền ấy đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người rồi.
Hẳn nhiều người còn nhớ nhân dịp Xuân Ất Mùi vừa rồi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về tình hình đất nước một năm vừa qua; định hướng những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015. Sau khi khẳng định những kết quả đã đạt được, Chủ tịch nhấn mạnh: “ Những kết quả đó tuy hết sức quan trọng, nhưng chưa đạt được như mong muốn, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đây là những “khối u” trên cơ thể đất nước cần kiên quyết cắt bỏ thì lòng dân mới yên. Do vậy, phải tiến hành kiên trì, bền bỉ, quyết liệt hơn nữa”.
Đến đây, chỉ xin có một điều ước rằng, có một cái đập vững chắc ngăn những dòng tiền ấy để hướng nó chảy vào quỹ dành cho các nhà khoa học trẻ và trợ giúp những người nghèo, những người khuyết tật như trong dự án này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.