Những thông tin gây hại nghiêm trọng cho các em, cần phải cấm
LTS: Ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trình bày Tờ trình về dự án Luật báo chí (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Dự thảo Luật báo chí sửa đổi lần này đã được bổ sung rất nhiều những điểm mới, tiến bộ, và phù hợp với thực tiễn phát triển của thời đại. Một trong những điểm mới, được chú trọng là những nội dung bị cấm đã trở nên cụ thể hơn rất nhiều, thể hiện tính nhân văn, ví dụ như: Cấm báo chí đăng phát những thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em...
Những thông tin gây hại nghiêm trọng cho các em, cần phải cấm
Trao đổi với PV, bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Quốc hội Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng, đã đánh giá cao nhiều điểm mới tại dự thảo Luật báo chí sửa đổi lần này.
Theo ông, dự thảo đã cố gắng, nỗ lực rất lớn trong việc thể hiện tinh thần, nội dung mới của Hiến pháp quy định về quyền tự do báo chí của con người, của công dân. Ông cho biết trong quá trình thẩm tra dự án luật này đã đưa vào nội dung cấm thông tin gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Đại biểu Quốc hội Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trả lời báo chí (Ảnh: Hồng Chuyên) |
Dưới đây là cuộc trao đổi của Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) với phóng viên.
- Thưa ông, là Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng (VH,GD,TTN&NĐ), Ủy ban thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi), ông có đánh giá gì về dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) trình Quốc hội lần này?
- Đại biểu Đào Trọng Thi: Đây là dự thảo được chuẩn bị khá công phu, so với luật hiện hành có nhiều điểm mới. Đã có sự cố gắng, nỗ lực rất lớn trong việc thể hiện tinh thần, nội dung mới của Hiến pháp quy định về quyền tự do báo chí của con người, của công dân.
Đương nhiên, đây là lần đầu tiên trình ra Quốc hội, dự thảo lần này, mặc dù cũng đã được sửa lại nhiều lần nhưng cũng vẫn còn một số nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân.
Như chúng ta đã biết, quyền con người, quyền công cân chỉ bị hạn chế bởi quy định của luật. Vì những lý do cần thiết, vì quốc phòng, an ninh quốc gia, về trật tự an toàn xã hội về sức khỏe cộng đồng và về đạo đức xã hội. Mặt khác, quyền tự do của người này không được xâm phạm quyền tự do của người khác cũng như là tổ chức, cá nhân khác.
Trên tinh thần như vậy, những cái mà chúng ta đưa ra có tính chất hạn chế, quyền tự do báo chí, chúng ta phải đối chiếu rất kỹ với những nguyên nhân ấy nếu như nó phù hợp thì lúc đó mới có thể đưa vào luật.
Về cơ bản, chúng ta cũng đã cố gắng rồi, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng Luật Báo chí dựa trên có sở Hiến pháp mới về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tụ do báo chí. Có những vấn đề chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu. Theo tôi, các đại biểu Quốc hội cần thảo luận kỹ, để chúng ta tiếp tục tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, để chúng ta hoàn chỉnh dự thảo luật để kỳ họp lần sau Quốc hội có thể thông qua.
- Thưa ông, trong Dự thảo Luật Báo chí lần này, có điểm mới nào mà cá nhân ông quan tâm và đánh giá cao?
- Đại biểu Đào Trọng Thi: Điều mà tôi rất quan tâm, đánh giá cao đồng thời cũng rà soát rất kỹ xem nó có đáp ứng được vấn đề có phù hợp với tinh thần của Hiến pháp mới hay không chính là quy định về quyền tự do báo chí của con người, của công dân.
Như tôi đã nói, đây là điểm mới, chúng ta đưa vào luật, trên cơ sở thể hiện tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013. Bởi vậy, sẽ có nhiều điểm mới. Bên cạnh đó cũng sẽ có những điều chúng ta phải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến như chúng ta nói.
Điểm thứ 2, chúng ta làm rõ hơn quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí. Đó là điều mà luật hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng vì lợi ích quốc phòng an ninh, trật tự công cộng xã hội, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội. Do đó chúng ta phải cân nhắc rất kỹ chuyện đó.
Điểm thứ 3, tôi cũng quan tâm đến tổ chức, mô hình của cơ quan báo chí, đặc biệt là xác định cơ quan chủ chốt, lãnh đạo cơ quan báo chí, tổng biên tập của các sản phẩm báo chí. Từ đó, chúng ta làm rõ hơn quy định rõ hơn trách nhiệm của các chức danh trong hoạt động báo chí. Trên cơ sở đó, xuất hiện những vi phạm chúng ta có thể xử lý một cách đầy đủ hơn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc quy định về các hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng đã được bổ sung nhiều. Làm sao để hạn chế tối đa việc can thiệp quá sâu của các cơ quan nhà nước vào hoạt động của cơ báo chí và các nhà báo.
Các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là phải trên tinh thần tạo điều kiện để cho cơ quan báo chí và nhà báo hoạt động chủ động hơn, theo tôn chỉ mục đích và sự phát triển của từng cơ quan.
- Thưa ông, cũng là một trong điểm mới của Dự thảo luật báo chí lần này, có quy định cấm với “thông tin gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất, về tinh thần của trẻ em”. Là Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TTN&NĐ của Quốc hội, ông đánh giá thế nào về quy định này?
- Đại biểu Đào Trọng Thi: Đây là quy định rất cần thiết, đây chính là quy định khi thẩm tra dự án luật này, UB Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã đề nghị bổ sung thêm.
Điều này phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay, trong thông tin báo chí xuất hiện rất nhiều thông tin liên quan đến riêng tư của các em ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ em. Những thông tin này tác động trực tiếp đến cuộc sống của các em, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường trong cuộc sống, cũng như sinh hoạt của các em. Điều cấm này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc báo chí không được xâm phạm đến lợi ích cũng như quyền của người khác, ở đây trực tiếp là các em. Không ảnh hưởng đến sức khỏe của các em, không ảnh hưởng đến chuyện riêng tư và liên quan đến cuộc sống của các em.
Hạn chế này là hoàn toàn theo đúng nguyên tắc mà Hiến pháp quy định.
- Theo ông, cần phải hiểu thế nào về “sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần của trẻ em”?
- Đại biểu Đào Trọng Thi: Những điều mà ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em là những thông tin được đăng phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của các em, gây những xáo trộn về cuộc sống, xâm phạm đến cuộc sống riêng của các em.
Như chúng ta đã biết, những người ở lứa tuổi trẻ em và vị thành niên, chưa hoàn thiện về thể chất cũng như tinh thần. Do vậy, các em chưa đủ năng lực để phản ứng lại những tác động từ bên ngoài, mà những tác động đó vượt quá khả năng chịu đựng của các em. Những loại thông tin như vậy mà gây ảnh hưởng như vậy cần phải cấm.
- Thưa ông, ông có thể lấy một vài ví dụ trong thực tiễn báo chí Việt Nam về những thông tin “gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần của trẻ em”, để bạn đọc có thể nắm rõ hơn?
- Đại biểu Đào Trọng Thi: Cái đó rất nhiều, chẳng hạn như một số em bị tung thông tin về đời tư, thông tin nhạy cảm khiến các em có thể tự tử, nhẹ hơn là những thông tin khiến các em bị khủng bố về mặt tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của các em, khiến các em có thể bỏ học hoặc thay đổi tâm tính, khiến các em trở thành con người không phù hợp với xã hội. Ví dụ như vậy rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.