Nơi người khiếm thị ổn định cuộc sống nhờ nghề massage trị liệu
Được thành lập từ năm 2007 bởi chị Lê Thị Thu Phương, Tẩm quất massage người mù Phương Phương là cơ sở chăm sóc sức khỏe dành cho cả nam và nữ ở mọi độ tuổi, đồng thời là nơi tạo sinh kế bền vững cho các nhân viên khiếm thị.
Tiệm Tẩm quất massage người mù Phương Phương.
Quyết định học nghề và mở tiệm kinh doanh
Tiệm Phương Phương là 1 trong 3 cơ sở do chị Lê Thị Thu Phương - một người khiếm thị đã có 19 năm kinh nghiệm trong nghề massage trị liệu sáng lập. Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, sau khi bị mất thị lực, chị Phương đã từng nghỉ ở nhà suốt 5 năm. “Trong 5 năm đó tôi luôn khát khao có một công việc. Và sau khi biết đến nghề massage trị liệu, tôi đã quyết định học và đi làm”, chị chia sẻ.
Thời gian đầu học nghề, chị Phương phải đối mặt với nhiều lời dị nghị từ những người có định kiến không tốt về nghề massage. Vượt lên tất cả những lời bàn tán, chị tiếp tục học nghề, bởi theo chị: "Mình làm nghề đàng hoàng, không có gì phải lo sợ. Bố mẹ tôi còn động viên là mình chủ yếu sống cho mình, chứ không phải cho người ta. Trong thâm tâm tôi cũng luôn ghi nhớ phải giữ gìn lương tâm và danh dự.”
Sau một thời gian học nghề và tích lũy kinh nghiệm, đến năm 2007, chị Phương quyết định mở cơ sở massage trị liệu đầu tiên. Nói về khó khăn khi kinh doanh dịch vụ massage người mù, chị kể: “Có những chỗ tôi rất ưng ý nhưng chủ nhà không cho thuê vì kỳ thị người mù và có định kiến với nghề massage. Họ thậm chí không tin tôi có khả năng trả tiền mặt bằng đầy đủ.” Dù gặp không ít rào cản, chị Phương vẫn quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn, với mong muốn không chỉ làm nghề mà còn tạo công ăn việc làm cho những người khiếm thị giống như mình.
Tạo sinh kế bền vững cho người mù và người khiếm thị
Sau 18 năm hoạt động, Tẩm quất massage người mù Phương Phương đã có lượng khách hàng ổn định, cao điểm là vào mùa hè và mùa thu. Công việc massage chủ yếu được thực hiện bằng tay trần, song tại tiệm cũng được trang bị đầy đủ dụng cụ hỗ trợ như gối ngải cứu, giường có đệm sưởi, chậu ngâm chân với thảo dược... Chị Phương cho biết, phần lớn khách hàng đến tiệm để điều trị các vấn đề sức khỏe phổ biến như đau đầu, mỏi cổ vai gáy, đau lưng và đau thần kinh tọa. Ngoài ra, tiệm cũng tiếp nhận một số trường hợp cấp bách như trúng gió, cứng cổ không xoay được, bong gân nhẹ hoặc trẹo chân.
Các dịch vụ tại tiệm Tẩm quất massage người mù Phương Phương.
Số lượng nhân viên của tiệm Phương Phương dao động từ 4-10 người tuỳ thời điểm. Hiện tại tiệm có 5 nhân viên làm việc toàn thời gian và đang đào tạo 1 học viên. Nhân viên được học các kỹ thuật massage trị liệu ở Hội Người mù Thành phố Hà Nội. Thời gian làm nghề của mỗi người thường nhiều hơn 2-3 năm, người ít kinh nghiệm nhất là 3 tháng. Ngoài không gian kinh doanh, tiệm còn là nơi sinh hoạt chung cho tất cả nhân viên. Các công việc như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa đều do người giúp việc được tiệm thuê riêng phụ trách.
Trong thời gian kinh doanh tại phố Trần Bình, tiệm nhận được nhiều sự ủng hộ từ mọi người. Chị Phương chia sẻ: “Hàng xóm ở đây rất thân thiện. Nhiều khi thấy mình mắt kém, có gì không dùng đến, các cô còn hỏi xem mình có cần không. Mình ra đường không nhìn thấy, họ đều sẵn lòng dẫn mình về tận nơi”. Khách hàng hài lòng sau khi trải nghiệm dịch vụ đã giới thiệu bạn bè, người thân đến tiệm. Đặc biệt, nhiều người tìm đến Phương Phương với mong muốn ủng hộ người khiếm thị cũng phần nào giúp công việc kinh doanh ngày càng ổn định.
Trong thời gian tới, chị Phương mong muốn mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ của tiệm, bao gồm cải tạo thêm không gian trên tầng, mở khu vực xông hơi riêng và bổ sung các dịch vụ trị liệu mới. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi đều phải được cân nhắc kĩ vì mỗi dịch vụ trước khi đưa vào hoạt động đều phải được chính chủ tiệm trải nghiệm để đảm bảo hiệu quả và phù hợp với khách hàng.
Nhìn lại hành trình hơn 19 năm gắn bó với nghề massage trị liệu, chị Phương nói rằng, điều khiến chị tự hào nhất là có thể dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho những người khiếm thị giống như mình. “Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã chọn công việc này. Tôi yêu nghề và luôn mong muốn truyền tình yêu đó tới các bạn nhân viên. Tôi cũng nhắn nhủ các bạn rằng mình phải luôn cố gắng làm việc để được mọi người tôn trọng và thấy mình ‘tàn nhưng không phế’”, chị Phương chia sẻ thêm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.