Nôi văn hóa dưỡng dục và tình yêu vạn dặm sắt son của vị anh hùng
Ngôi nhà tuổi thơ, nôi văn hóa dưỡng nuôi vị anh hùng
Tại làng quê này, có một ngôi nhà 5 gian của nhiều đời để lại. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Đáp và bà Mai thị Cúc. Ông bà là những người nông dân hiền lành, chịu thương chịu khó, tần tảo nuôi con và dạy con hướng tới thiện tâm ngay từ thuở nhỏ. Sinh được 10 người con nhưng vào thời bấy giờ có nhiều khó khăn về mặt y tế nên chỉ nuôi được 5 người con.
Cậu bé Nguyễn Huy Hiệu sinh năm 1947 là con thứ 2 trong gia đình đó. Người mẹ là phụ nữ “đẹp người đẹp nết” của địa phương. Bố rất giỏi chữ nho và là nông dân chăm chỉ. Ông bà nội, ngoại đều là nông dân mẫu mực và có chút chức sắc nhỏ trong làng.
Ngay từ khi lọt lòng, cậu bé Hiệu đã khác biệt so với mấy anh em “đặc biệt khôi ngô tuấn tú”. Con nào bố mẹ cũng yêu cũng quý, cũng quan tâm nhưng cậu bé Hiệu ít làm bố mẹ bận tâm nhất bởi sự ngoan ngoãn, hiền lành, ít quấy khóc.
Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu cùng quý phu nhân.
Những trận đánh, những chiến công vang dội của ông cha trong những câu chuyện mẹ ru, cha kể đã được cậu bé Hiệu thấm nhuần vào máu. Từ những câu chuyện ấy, cậu bé thường rủ bạn chơi trò đánh trận giả, ôm mơ ước trở thành người chỉ huy để có thể “bài binh, dàn trận”. Cậu sớm bộc lộ tài chỉ huy của mình khi “điều binh, khiển tướng” khiến bạn bè đồng trang lứa trong các lần chơi trò đánh trận giả phải khen ngợi.
Cậu nuôi dưỡng ước mơ trở thành người chỉ huy, cầm quân, đuổi giặt như các bậc tiền nhân trong lịch sử. Những ngày học trên ghế nhà trường, những tác phẩm nổi tiếng của Liên Xô cũ là cuốn “Thép đã tôi thế đấy” do Nikolai Ostrovsky (1904 – 1936) viết trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2 làm say mê và được cậu bé đọc đi đọc lại nhiều lần đến mức thuộc lòng. Lòng quả cảm được hình thành và lớn dần theo thời gian.
Khi 17 tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Hiệu viết đơn tình nguyện nhập ngũ và hiện thực hóa ước mơ tuổi thơ. Ngày anh lên đường, người mẹ chỉ nhìn và tạm biệt đứa con yêu dấu từ trong nhà mà không tiễn con đến cuối làng. Bố anh đưa anh đi, đến cuối làng dặn dò “con trai này, con nhớ ghi tạc truyền thống vẻ vang của gia đình ta, bằng mọi cách phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh đuổi hết quân thù, rồi sau này trở về tiếp tục việc học hành con nhé…”
Khi sắp tới giờ phút chia tay, ông rưng rưng nói “Con à, dòng họ nhà ta lấy chữ Tâm làm chủ đạo, con cần phát huy truyền thống đó. Con cần sống sao cho phúc đức sau này. Cần ghi nhớ “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”, con đối xử với họ ra sau, họ sẽ đối xử lại với mình như thế…”
Thế rồi, tất cả đã trở thành hiện thực, khi mới tròn 26 tuổi, Nguyễn Huy Hiệu được tuyên dương anh hùng quân giải phóng Miền Nam sau khi đánh xong 67 trận và đã được trao tặng 7 huân chương các loại. 40 tuổi ông được phong hàm Thiếu tướng (trẻ nhất thời kỳ kháng chiến chống Mỹ). Lần lượt trải qua các cương vị và chức vụ: 3 nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương Đảng; 2 nhiệm kỳ cộng tác viên của Hội đồng lý luận Trung ương Đảng; Hơn 3 nhiệm kỳ Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; Viện sĩ, Tiến sỹ Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga.
Những thành tích, những danh hiệu ấy phần nhiều do khổ luyện, do “trường đời”, do nỗ lực phấn đấu, do giúp đỡ của những người thầy, người đồng chí nhưng cũng có phần lớn xuất phát từ cái nôi văn hóa mà mẹ ru, cha kể đã manh nha nên cốt cách của một vị anh hùng. Người anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam ấy đã được thừa hưởng đức tài từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ như những gì mà người ta vẫn ví: Cây xanh thì lá cũng xanh/Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Mới đó đã 47 năm tình yêu son sắc, mặn nồng. Đó là chuyện tình của nữ Bác sỹ, Thầy thuốc ưu tú Lại Thị Xuân và Thượng tướng Viện sỹ, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Huy Hiệu
Bến xe khách – Nơi tình yêu nảy nở
Mùa hè năm 1973, tại bến xe khách Yên Định, Hải Hậu, Nam Định, chàng trai Nguyễn Huy Hiệu đang đứng xếp hàng mua vé về đơn vị vô tình gặp cô gái tên Lại Thị Xuân cùng chị gái xếp hàng mua vé về Hà Nội. Hiệu đã biết chị gái và anh trai của Xuân từ lâu nhưng chưa có dịp gặp cô em. “Thần giao cách cảm” đã mách bảo hai trái tim đầy nhiệt huyết.
Hiệu, một anh lính từ chiến trường khốc liệt Quảng Trị sau khi trở về đơn vị sau chuyến thăm quê thăm nhà. Còn Xuân – cô sinh viên năm thứ 4 trường Y ở Ô-đét-xa (Liên Xô cũ) đi tàu hỏa 15 ngày và đêm từ Ô-đét-xa về ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) trở về quê ở Nam Định. Hai người cùng quê, nhà ở cách nhau không xa.
Trái tim của chàng trai trẻ rực lửa bỗng thấy cuộc đời bừng lên xúc cảm khi bắt gặp ánh mắt hiền dịu của người em gái cùng quê. Hai tiếng quê hương yêu dấu như mách bảo về mối lương duyên tốt đẹp. Trong lòng anh rộn tiếng ca với niềm hạnh phúc lâng lâng khi được người con gái trao đổi địa chỉ liên lạc.
Xuân, là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, cha là liệt sỹ lúc cô mới chỉ 1 tuổi đời. Mẹ cô tần tảo nuôi con lớn khôn trong gian khó và chính tuổi thơ khó nhọc ấy đã cho cô ý chí học tập mãnh liệt để chiến thắng với nghèo khổ. Cô luôn siêng năng, cần cù học tập và giành được điểm cao trong cuộc thi du học tại Đại học Y khoa Ô-Đét-xa. Trong sâu xa, cô luôn trân trọng những người lính, biết ơn và ngưỡng mộ họ nên khi gặp Hiệu, trái tim cô ngân vang nhịp điệu hân hoan.
Nhân duyên càng ưu ái hơn cho anh lính trẻ kiên cường. Anh được chị gái, anh trai của Xuân cùng bạn bè tác thành nên hai tâm hồn tìm thấy sự đồng điệu qua những cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng rất mực nồng nàn.
Từ đây, tình cảm của đôi bạn trẻ được chắp cánh với những điều kiện gặp gỡ nhiều hơn, thân thiết hơn. Những tháng ngày ấy cũng qua mau khi anh tiếp tục công việc ở chiến trường, còn Xuân tiếp tục lên đường sang Nga cho sự nghiệp học tập. Họ bịn rịn ngày chia xa.
Chuyện tình yêu qua những cánh thư
Người lính trẻ kiên cường trong chiến trận oanh liệt, tinh anh trong chỉ huy, quyết liệt đương đầu với quân thù nhưng mang trong mình một trái tim đầy mộng mơ. Anh yêu tha thiết cái đẹp, yêu đời và yêu người yêu bé bóng đang học tập trên phương trời xa tít tắp. Tất cả những điều ấy được anh gửi gắm qua những bức thư tình đắm đuối.
Mỗi khi đánh trận xong, trở về căn cứ, mỗi bức thư của người yêu là gói ghém cả thế giới nguồn nhựa sinh sôi. Anh như được tiếp thêm sức mạnh tiềm ẩn vốn dĩ mặc định trong con người từ ngàn kiếp trước.
Núi rừng Quảng Trị hun hút xanh, cảnh vật như hư như thực. Mùa nắng, mùa mưa, mùa khô, mùa lạnh… đều được anh phác họa bức tranh tả thực gửi tới người yêu ở phương xa. Có lần anh viết thư dày tới 20 trang kể về chiến trường, kể về những đêm hành quân mịt mùng khói lửa, những giây phút lặng thắt xót xa về sự ra đi của đồng đội, về những ước mơ xa gần…
Ngày đó, phải mất 6 tháng thư mới tới nơi nên mỗi khi nhận thư là cả một phương trời rực rỡ ngát hương, lấn át cả bom đạn. Anh chia sẻ những bức thư từ người con gái phương xa cho anh em, đồng đội cùng chia sẻ nỗi niềm. Điều ấy không những mang lại cho anh hạnh phúc mà còn lan tỏa đến đồng đội về một niềm tin và hy vọng ngày chiến thắng.
Cô sinh viên Y khoa yêu chàng lính trẻ nhiệt huyết qua những bức thư tình nắn nót thấm đẫm tình quê với những bức hình lãng mạn. Trái tim cô tan chảy xúc động khi ngắm nhìn hình ảnh người yêu trong bộ quân phục, đội mũ tai bèo nơi chiến hào sống chết gang tay.
Ấp ủ một tình yêu sâu thẳm, cô dồn nén tình cảm tha thiết ấy vào việc học tập. Mùa đông nước Nga lạnh tê tái nhưng cô luôn ấm áp bởi mang bên mình một tình yêu lớn mạnh. Họ đã yêu nhau như thế đó và những bức thư tình dày không thể kể xiết trong suốt 3 năm (từ 1973-1975)
Hôn nhân đong đầy hạnh phúc
Năm 1976, cô sinh viên tên Xuân đã tốt nghiệp khóa học, trở về Tổ quốc. Anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính ở mặt trận. Được cử đi học văn hóa và ngoại ngữ ở Lạng Sơn và từ đây anh có những dự định mới để cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Ngày trở về, anh hẹn đón cô ở cầu Kỳ Lừa (Lạng Sơn). Cách xa bao nhiêu ngày, gặp nhau tình cảm dồn nén. Mãnh liệt, háo hức, nồng nàn nhưng rất nghiêm túc. Anh chỉ dám nâng niu đôi bàn tay bé nhỏ của một bác sỹ tương lai. Bốn mắt nhìn nhau rung rung nồng cháy.
Ngày 16/8/1976, quả ngọt của mối tình vượt biên giới ấy là một đám cưới tại quê nhà. Đám cưới đầm ấm diễn ra dưới sự chứng kiến của hai họ, bạn bè và đồng đội. Từ đây, chị luôn là người con hiếu thảo với cha mẹ đôi bên, là người vợ nhất mực dịu dàng và đảm đang bên chồng. Cuộc sống ban đầu của một anh hùng và bác sỹ tốt nghiệp ở Nga, được nhà nước phân cho một căn nhà tại bệnh viện E, Hà nội với diện tích 9m2. Dẫu khó khăn nhưng đong đầy hạnh phúc.
Thời bao cấp, hoàn cảnh đất nước khó khăn chung nhưng anh chị khá hơn rất nhiều người. Với trái tim nhân hậu, anh thương những người bạn, hàng xóm nghèo khó vất vả hơn mình nên sẵn sàng chia sẻ từ nguồn phụ cấp cho họ. Dù ở thời kỳ nào, anh chị cũng tâm niệm “thương người như thể thương thân” nên luôn được mọi người xung quanh quý mến, kính trọng. Cuộc sống của anh chị vì thế mà luôn vui vẻ, hòa đồng.
Anh chị luôn thống nhất trong nuôi dậy con cái với phương châm “Hiếu học, Học giỏi và Tôn sư trọng đạo”. Đến giờ điều ấy vẫn lan tỏa đến không chỉ các con, mà cả các cháu. Anh chị có 2 con (1 gái, 1 trai), 2 cháu nội và 2 cháu ngoại. Các con, các cháu đều thừa hưởng tinh hoa và dạy dỗ chuẩn mực của anh chị nên đến nay đều rất thành đạt, hiếu thảo.
Tuổi già thanh thản
Trải qua năm tháng, cô sinh viên năm nào giờ đã là Bác sỹ, Thầy thuốc Ưu tú Lại Thị Xuân. Còn chàng lính năm xưa từng trải qua nhiều danh hiệu như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thượng tướng, Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện sỹ, Tiến sỹ khoa học Quân sự.
Khi được hỏi về bí kíp của cuộc hôn nhân bền lâu và hạnh phúc thì người lính anh hùng rạng rỡ chia sẻ “Có được hôn nhân quả ngọt của ngày hôm nay chính là nhờ vợ – người phụ nữ luôn là hậu phương vững chắc cho chồng rạng danh. Còn tôi, người đàn ông luôn biết ơn người vợ tào khang của mình, ghi nhận công lao của vợ đã kiên tâm dạy dỗ con cái theo phong cách nho giáo và khoa học”.
Còn phu nhân thì vui vẻ hồ hởi “Hôn nhân hạnh phúc thật ra không có gì to tát ngoài sự chia sẻ. Cả hai phải cùng nhau chia sẻ ngọt bùi và vì nhau. Anh ấy là một vị tướng độc đáo, 26 tuổi được khen thưởng danh hiệu Anh hùng, 40 tuổi được phong Tướng nên luôn bận công tác tại đơn vị, hiếm khi anh có thời gian ở nhà. Khi ấy, người vợ cần phải biết thông cảm. Còn khi có thời gian ở nhà, anh ấy luôn cố gắng nhất có thể để giúp đỡ vợ con mà không nề hà việc gì. Anh ấy xách nước, giặt giũ, nấu nướng… Vợ chồng như thế thì luôn vui vẻ bền vững”. 47 năm tình yêu son sắc, mặn nồng. Ông đi công tác đối ngoại 67 quốc gia thì bà tham gia với tư cách là Phu nhân đến 32 quốc gia. Nghỉ hưu năm 2011, ông vẫn làm việc tại Văn phòng Viện sỹ, tiếp tục nghiên cứu, cống hiến cho khoa học quân sự. Khi tuổi đã cao, ông bà vẫn cùng nhau tham gia trong các chuyến tri ân đồng đội, thăm chiến trường xưa, tham gia từ thiện. Họ vẫn luôn nhìn đời bằng con mắt lạc quan để vui sống thanh thản, an yên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.