Nông dân mù cần mẫn đặt trúm lươn kiếm tiền nuôi vợ con, hát cải lương siêu hay
Ông Hồ Văn Dũng (50 tuổi, ngụ tại ấp 9, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, Kiên Giang), bị mù từ nhỏ. Năm 7 tuổi, bố mẹ cho ông theo học chữ ở lớp bình dân học vụ, mặc dù rất ham học nhưng vì không nhìn thấy chữ ông đành bỏ học giữa chừng.
Từng có thời gian mặc cảm tự ti, nhưng người thanh niên khi đó không muốn trở thành gánh nặng gia đình. Ông xin cha mẹ theo làm đồng, trèo cây bẻ dừa... Để đi lại thuận tiện ông Dũng không mang dép và dùng cành cây làm vật dò đường.
Ông Dũng học thêm dặm lúa, cắt cỏ, bắt ốc, đặc biệt nhất là nghề đặt trúm lươn... Không thấy gì nên ông chỉ làm việc qua các giác quan như dùng tai và da để cảm nhận hướng gió, thời tiết nóng lạnh và đoán thời gian.
Theo ông Dũng, cách bẫy lươn rất đơn giản. Ốc bươu vàng có sẵn ngoài ruộng ông bắt về đập vỏ, giữ lại phần thịt rồi trộn với gia vị cho bắt mùi sau đó chia đều vào từng ống trúm. Khi đặt trúm phải đặt hai đầu chênh nhau, một cao một thấp để khi con lươn chui vào có thể thở vì qua một đêm mới đi thăm. Xong rồi dùng cỏ đắp lên ngụy trang.
"Trung bình mỗi ngày tôi bắt được khoảng 1-2 kg lươn. Nếu vào mùa nước nổi thu hoạch còn nhiều hơn tận 3-4 kg/ngày. Giá dao động từ 60.000 đến 70.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Những tháng khô hạn, ít nước thế này lươn ít lắm nên tôi bắt thêm ốc để trang trải sinh hoạt", ông Dũng cho biết.
Anh thanh niên mù đến tuổi lập gia đình, được mai mối cho bà Thị Ánh (45 tuổi), hiền hậu, thật thà. Do cả hai gia đình đều khó khăn nên đám cưới rất đơn sơ chỉ vỏn vẹn mâm trầu cau và bữa cơm thân mật với họ hàng đôi bên. Của hồi môn mà gia đình nhà chồng cho là một công đất (1.000 m2). Chăm chú làm ăn, vợ chồng ông bà thu hoạch chừng 15 bao lúa mỗi vụ (mỗi bao 45-50 kg), bán một mớ để trả tiền phân thuốc, số còn lại ông để đổi lấy gạo ăn.
Tài sản lớn nhất mà đôi vợ chồng có được là 3 đứa con, đứa lớn nhất được 19 tuổi còn đứa nhỏ nhất 13 tuổi, hai đứa lớn đều đã nghỉ học đi làm mướn để phụ gia đình. Em Hồ Thị Thảo Quyên đang học lớp 7 cũng chính là niềm hi vọng đổi đời của gia đình.
"Cả đời tôi vẫn chưa được nhìn mặt bà ấy, nhưng trong tâm tôi bà ấy lúc nào cũng thật đẹp", ông Dũng chia sẻ về người vợ tào khang.
Cuộc sống phía trước vẫn còn bao vất vả, khó khăn song ông Dũng vẫn lạc quan, đàn hát những lúc rảnh để quên đi mệt nhọc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.