Cựu chiến binh nhớ lại "Nụ cười chiến thắng" sau ngày giải phóng Huế

2021-04-09 14:00:00 0 Bình luận
"46 năm qua, mỗi lần cầm tấm ảnh chụp 5 anh em Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2 tại Phú Lương, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế, trong tôi lại trào dâng ký ức không thể nào quên..."

Bức ảnh với chú thích "Nụ cười chiến thắng" của chiến sĩ Nguyễn Quang Thái (hàng đầu, thứ nhất, từ phải sang). Ảnh do nhân vật cung cấp

Thượng tá Nguyễn Quang Thái, nguyên trợ lý Tham mưu-Kế hoạch, Cục Hậu cần, Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) bồi hồi chia sẻ...

Sau khi đánh tan hệ thống phòng thủ của địch ở khu vực núi Bông (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), đêm 20-3-1975, đơn vị chúng tôi được lệnh tiến xuống đồng bằng. Tôi-Tiểu đội trưởng thông tin 2W được lệnh bám sát Tiểu đoàn trưởng Hợp, cùng 5 đồng chí nữa theo tọa độ đi trước, đội hình đơn vị ở ngay phía sau. Không may, nhóm 7 người chúng tôi bị lạc vào trận địa pháo của địch. Rạng sáng, chúng tôi vừa thoát ra được thì bị lộ, địch vây lại, thi nhau nã pháo. Lúc này, chúng tôi mới biết đội hình đơn vị đi phía sau vừa tới nơi cũng lọt vào ổ phục kích của địch. Một số hy sinh, một số rút vào rừng rồi tìm đường quay trở lại đơn vị. Tiếp đó là những ngày vừa hành quân, vừa tác chiến thọc sâu từ hướng tây thẳng ra biển.

Đúng 17 giờ ngày 25-3, chúng tôi nhận được lệnh của trên: Tiểu đoàn 2 phối hợp với đơn vị tăng thiết giáp của Quân đoàn 2 tiến công đánh chiếm bến cảng Thuận An, cách thành nội Huế hơn 10km về phía đông. Tiểu đoàn trưởng Hợp được chuyển lên trung đoàn, đồng chí Cường-Tiểu đoàn phó được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2. Tôi vẫn đi cùng sở chỉ huy tiểu đoàn trên hướng chính. Được bộ đội địa phương dẫn đường đi tắt ra Quốc lộ 1, chúng tôi đến ngã ba Thuận An lúc 19 giờ. Một cảnh tượng không thể nào quên hiện ra trước mắt chúng tôi: Quân địch tháo chạy, trút bỏ quân trang, quân dụng, vũ khí trang bị ngập đường. Thêm vào đó là hàng vạn dân di tản với đủ các phương tiện ô tô, xe máy, xích lô... góp vào khung cảnh hỗn độn ấy.

Sau gần 30 phút chờ đợi thì đơn vị bạn cũng có mặt. Đi đầu là chiến lợi phẩm M-48 ta thu được của địch cắm cờ Quân Giải phóng, tiếp theo là 5 xe T-34 và các xe bọc thép của Quân đoàn 2. Chúng tôi được lệnh phát triển thành hai hàng dọc theo đội hình của xe tăng tiến xuống cửa biển Thuận An...

Bỗng tôi thấy bên đường có một chiếc xe Jeep đang luồn lách đi đến từ chiều ngược lại. Linh cảm là xe của địch, tôi báo cáo với tiểu đoàn trưởng về ý định thu hồi chiếc xe. Tiểu đoàn trưởng thoáng chút nghi ngại vì không nghĩ tôi biết lái xe. Chả là ngay từ khi học phổ thông, tôi đã được ông chú là lái xe từ chiến trường Điện Biên tập luyện cho việc lái ô tô. Tuy đây là loại xe của Mỹ nhưng tôi nghĩ chắc cũng không khó khăn gì. Quay sang Thịnh-chiến sĩ phụ đài vô tuyến, vừa ra hiệu cho cậu đi theo yểm trợ, tôi vừa dặn: "Cậu đeo máy giữ liên lạc, chú ý quan sát địch!".

Lên đạn khẩu súng ngắn 9mm của Mỹ cũng là chiến lợi phẩm trong một trận đánh, tôi nhanh chóng lách ngang dòng người và xe cộ tiến sang đón đầu chiếc xe Jeep, giơ tay ra hiệu xe dừng lại táp vào lề đường. Có 5 tên mặc áo sơ mi trắng, đầu tóc gọn gàng trong xe, đoán ngay là bọn sĩ quan ngụy giả dạng dân thường tháo chạy, tôi quát lớn: "Tất cả ra khỏi xe, Quân Giải phóng dùng xe này!". Tên lái xe lập bập, miệng lúng búng: "Dạ thưa, chúng tôi trao xe!". Tôi đi vòng quanh chiếc xe quan sát, không có vũ khí trong xe, phía sau xe bên trái là chiếc cần ăng-ten cao vút, bên phải là chiếc vô tuyến điện, nghe rõ tiếng đàm thoại của tàn quân ngụy nhộn nhạo, loạn xạ. Bọn trên xe đã lủi vào dòng người di tản. Tiếng động cơ xe vẫn nổ đều. Tôi ngồi vào ghế lái, dùng đèn pin tìm công tắc điện, hai chân đặt vào côn ga. Sau vài phút tìm hiểu, tôi tự tin bấm còi, bật xi nhan, vào số, chầm chậm tiến qua đường. Anh em tiểu đoàn bộ reo hò không ngớt. Tiểu đoàn trưởng Cường nhìn tôi khen ngợi: "Thanh niên Hà Nội biết lái xe, giỏi!". Tôi mời tiểu đoàn trưởng lên xe, mấy anh em B40, B41 và trung liên cũng lên ngồi cùng. Tôi tăng ga, chiếc xe Jeep lướt đi theo kịp đội hình xe tăng...

Chúng tôi đã đánh chiếm cửa biển Thuận An không mấy khó khăn khi địch nhanh chóng đầu hàng trước sức tiến công như vũ bão của Quân Giải phóng. Ngay sau đó, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân về tập kết tại sân bay Phú Bài để chờ nhận nhiệm vụ tiếp theo. Như vậy là đơn vị không tiến vào thành nội Huế! Ngày 26-3, tin quân ta giải phóng Huế đã lan rộng cả nước.

Trong niềm vui sau ngày chiến thắng, chúng tôi đi thăm thú thành phố Huế. Tuy mới giải phóng nhưng mọi sinh hoạt của người dân đã được thiết lập lại ngay. Nhân dân tiếp đón bộ đội giải phóng với ánh mắt và những cái bắt tay thân thiện. Qua một hiệu ảnh ở thị trấn Phú Lương, 5 anh em gồm tôi, Bảo, Cường Thịnh, Vi Hồng, Việt Hồng đã rủ nhau chụp chung một tấm hình kỷ niệm. Trong ảnh, chúng tôi đều nở nụ cười rất tươi! Sau này, trong cuốn sổ lưu lại tấm ảnh cùng đồng đội, tôi đã đặt tên cho bức ảnh là "Nụ cười chiến thắng" để ghi dấu những ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế hào hùng của Sư đoàn 324 (nay thuộc Quân khu 4-PV) chúng tôi.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cảm xúc ‘sau 70 năm, 2 con gái nhìn thấy cha mình’

Cầu truyền hình có tên “Dưới lá cờ Quyết Thắng” tái hiện những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.
2024-05-06 06:35:00

Chính sách với người có công tại huyện Yên Thành, Nghệ An

Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là địa phương có số lượng người có công với cách mạng khá lớn. Đến nay, toàn huyện đang chi trả chế độ hàng tháng cho 5981 người có công trên địa bàn.
2024-05-05 21:10:00

Hải Phòng phát động thi sáng tác tranh Kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố

Sáng 5/5, TP.Hải Phòng tổ chức lễ phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2025).
2024-05-05 17:56:20

Phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Thông tin & Truyền Thông đã phát hành bộ tem bưu chính ‘Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024)’. Đây là bộ tem thứ tám của Bưu chính Việt Nam về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:45:10

Ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Hôm nay, 5/5, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh Điện Biên ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:30:00

Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 5/5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, TP Điện Biên Phủ, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước tổ chức tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 12:05:00
Đang tải...