Nuôi ong dự án, bệnh binh "mát tay" nhân giống hàng trăm đàn, thu hơn trăm triệu đồng
Bệnh binh Trương Quang Ân (75 tuổi), ở xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đã thành công, làm kinh tế giỏi từ nghề nuôi ong.
7 năm trước, ông được Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện tài trợ 2 đàn ong để tạo sinh kế. Cùng với kiến thức nuôi ong được cán bộ Hội truyền lại, ông Ân đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi. Sau một năm, mỗi đàn, ông nhân lên thành 4 đàn.
Bệnh binh Ân thành công với nghề nuôi ong (Ảnh: Dân trí)
Mỗi năm, ông Ân nhân giống hơn 100 đàn ong. Theo ông Ân, mùa thu hoạch mật ong thường vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 6. Đây là khoảng thời gian mật ong dồi dào nhất trong năm. Tuy nhiên, việc lấy mật cũng tùy thuộc vào nguồn hoa, khi nào kiểm tra thấy cầu ong có mật đầy thì người nuôi sẽ tiến hành thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch sẽ cách nhau từ 7-15 ngày. Qua tháng 6, người thu mật nghỉ khai thác để tách và nhân giống đàn ong.
Mỗi năm, hơn 100 đàn ong của ông cho thu hoạch được 5-7 tạ mật. Với giá bán 250.000-300.000 đồng/lít, mỗi năm, trừ hết chi phí, ông Ân bỏ túi hơn 100 triệu đồng. Thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong nhiều năm qua đã giúp kinh tế gia đình ông khá giả.
Từ 2 đàn ong, ông Ân đã nhân giống hàng trăm đàn (Ảnh: Dân trí)
Không chỉ chăm lo cho đàn ong của mình, đầu tư lai tạo giống mới, ông Ân còn trực tiếp hướng dẫn và phổ biến kỹ thuật nuôi ong cho nhiều hộ trên địa bàn, đặc biệt mở lớp dạy nghề nuôi ong miễn phí cho đối tượng là người khuyết tật, nạn nhân da cam.
Nhiều học viên sau khi được ông truyền nghề khá thành công, người ít cũng có 5-6 đàn, nhiều lên đến hàng chục đàn. Đặc biệt, những gia đình khó khăn đều được ông hỗ trợ ong giống để tạo sinh kế.
Bệnh binh Trương Quang Ân cũng cho biết, trong tháng 4 này, ông sẽ tiếp tục dạy kỹ thuật nuôi ong cho một lớp gồm 15-16 học viên là người khuyết tật.
Tương tự, cựu chiến binh Đinh Xuân Khách ở xã Xuân Hóa (Quảng Bình), hội viên Hội CCB huyện Minh Hoá cũng là một tấm gương làm kinh tế giỏi. Ông nuôi trên 200 đàn ong, bình quân mỗi năm thu trên 500 lít mật, đem lại doanh thu trên 350 triệu đồng/năm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.