Phẫu thuật thành công u phế quản hiếm gặp ở trẻ 3 tuổi
Sức khỏe của bệnh nhi hiện đã ổn định. Ảnh: Báo SGGP |
Bệnh nhi (ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) bị ho kéo dài 2 tuần, không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, nhập viện trong tình trạng viêm đường hô hấp. Kết quả chụp phim cho thấy có dấu hiệu tắc nghẽn ở phổi, bị xẹp một phần phía trên phổi trái.
Lúc đầu, các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây tắc phổi có thể là do dị vật đường thở. Tuy nhiên, khi nội soi thì thấy có một khối u nằm trong lòng phế quản.
Kết quả sinh thiết xác định, đây là khối u nguyên bào sợi cơ viêm, là khối u tự sinh; nằm trong nhóm ranh giới giữa u lành và ác tính; tỷ lệ khoảng 0,2% trong tổng các loại u trẻ em.
Sau khi hội chẩn phương pháp điều trị, các bác sĩ của BV Nhi Đồng 1, BV Ung bướu và BV Phạm Ngọc Thạch quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u, vì nếu không phẫu thuật, khối u nằm trong lòng phế quản sẽ ngày càng lớn hơn, gây tắc nghẽn đường thở, nghiêm trọng hơn là gây xẹp phổi trái, khó phục hồi. Thậm chí, khối u có thể lấn sang phổi phải và ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Thời gian để phẫu thuật khối u cũng cần phải ngắn nhất có thể (vì nếu kiểm soát hô hấp kéo dài có thể dẫn đến thiếu oxy kéo dài, tổn thương các cơ quan khác như tim, não...), đồng thời phải bảo tồn phổi tốt nhất, tránh cắt bỏ phổi trái.
BS. Hà Văn Lượng, chuyên gia gây mê của BV Nhi Đồng 1, chia sẻ thêm với Báo SK&ĐS: Với bệnh nhi 3 tuổi, việc kiểm soát hô hấp trong suốt quá trình phẫu thuật ở phổi là việc vô cùng khó.
“Ở trẻ lớn và người trưởng thành có dụng cụ hỗ trợ thở (nội khí quản) chuyên dụng 2 nòng, nhờ đó kiếm soát được lá phổi lành khi các phẫu thuật viên làm xẹp phổi để thực hiện phẫu thuật cắt u và khâu nối. Còn với cháu bé này thì phải làm sao để kiểm soát tốt phổi bên phải. Chúng tôi đã phải cân nhắc rất nhiều khi chọn ống nội khí quản, sao cho vừa phù hợp với tuổi, vừa có độ dài thích hợp. Ống quá dư sẽ đặt vào không được. Còn ngắn quá sẽ dẫn đến khí và máu tràn vào phổi phải và không kiểm soát được hô hấp”.
Thời gian phẫu thuật cho bệnh nhi kéo dài 2 giờ. Khối u có kích thước khá lớn, chiếm một đoạn phế quản dài 2,5 cm (trong khi ở trẻ 3 tuổi, đoạn phế quản có kích thước 3,5-4 cm), nằm ở gốc phế quản trái, chèn ép trọn vẹn phần thùy trên và một phần thùy dưới của phổi trái.
Các bác sĩ đã cắt bỏ thành công đoạn phế quản bị khối u chiếm chỗ và thùy trên, đồng thời vẫn bảo tồn được đoạn thùy dưới, nối vào phần phế quản còn tốt, bảo vệ phổi trái cho cháu bé.
Hiện nay, bệnh nhi có thể tự thở được. Tuy nhiên cháu vẫn cần được theo dõi hẹp sẹo chỗ nối và khối u tái phát, mặc dù tỷ lệ rất nhỏ.
Các bác sĩ khuyến cáo, khối u như trên thường phát triển âm thầm trong cơ thể, đến khi có kích thước nhất định chèn ép đường thở mới có triệu chứng. Vì vậy, nếu trẻ ho sốt kéo dài, điều trị bằng thuốc không khỏi, thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở chuyên khoa đầy đủ phương tiện để kiểm tra.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.