Phục hồi chức năng cho người khuyết tật: Đôi điều nhìn nhận
Tập huấn công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại Tỉnh Khánh Hoà
Giáo dục sức khoẻ, phòng bệnh,
điều trị và phục hồi chức năng là các thành phần cơ bản trong chiến lược chăm
sóc sức khoẻ nhân dân của Đảng và Nhà nước. Chương trình Phục hồi chức năng dựa
vào cộng đồng được triển khai từ năm 1987, từ đó NKT Việt Nam được chăm sóc và
phục hồi toàn diện hơn, vị thế của ngành Phục hồi chức năng được nâng lên một tầm
cao mới, góp phần chăm sóc người khuyết tật trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ
nhân dân.
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam hiện có 6,7 triệu
NKT, trong đó có 3,6 triệu là nữ, hơn 5
triệu người sống ở nông thôn, khoảng 1,2 triệu trẻ em. Tỉ lệ NKT ở Việt Nam dự
kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhiều nguyên nhân khách quan
như tai nạn, ô nhiễm môi trường. Đảng, Nhà nước và cộng đồng rất quan tâm đến
NKT. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến NKT
thông qua việc không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách trợ giúp họ
hòa nhập cuộc sống và có thêm cơ hội phát triển khả năng của bản thân. Năm
2010, Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật và cuối năm 2014 vừa qua đã
chính thức phê duyệt tham gia Công ước quốc tế về NKT.
Hệ thống mạng lưới bệnh viện,
trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và khoa Phục hồi chức năng được củng cố và
phát triển từ trung ương đến địa phương trên cơ sở mạng lưới Y tế chung. Theo Bộ
Y tế, hiện nay mạng lưới các đơn vị PHCN hình thành và phát triển trên toàn quốc
với 40 bệnh viện và Trung tâm Điều dưỡng – PHCN trực thuộc tỉnh, thành phố có
Khoa Vật lý trị liệu – PHCN để chăm sóc sức khỏe và PHCN cho NKT.
Trong đó chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng triển khai là cơ hội cho hàng triệu NKT Việt Nam tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Qua kết quả nghiên cứu và đánh giá mô hình PHCN dựa
vào cộng đồng ở Việt Nam cho thấy, 70% NKT có tỷ lệ phục hồi cao, có cơ hội để
hòa nhập với cộng đồng. Theo thống kê của Bộ Y tế, thông qua chương trình PHCN
dựa vào cộng đồng, Việt Nam đã điều tra, phát hiện, tạo điều kiện quản lý sức
khỏe cho hơn 170.000 NKT, tiến hành biện pháp phục hồi chức năng cho 23,2% người
có nhu cầu và 44,7% người tàn tật.
Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng xã Cẩm Yên
Bộ Y tế đánh giá hiện mạng lưới PHCN trong toàn
quốc đang được củng cố và hoàn thiện. Các bệnh viện, khoa và các cơ sở PHCN từng
bước hiện đại hóa để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và PHCN, đáp ứng yêu cầu
ngày càng cao của người bệnh. Công tác phòng ngừa, phát hiện sớm và can thiệp sớm,
PHCN cho NKT được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng trên cơ sở cung cấp đa dạng
các hình thức PHCN, thay đổi tích cực nhận thức của cộng đồng đối với NKT để
NKT không thấy mặc cảm trong xã hội...
Tuy nhiên lực lượng cán bộ y tế cơ sở thiếu và yếu nên NKT ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này. Hiện nhận thức của gia đình và cộng đồng cũng chưa thật đầy đủ về khả năng, nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của NKT dẫn đến tình trạng khuyết tật trở nên nặng nề hơn. TS.Chu Văn Đạt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, hiện phần lớn NKT ở Việt Nam chưa được tạo điều kiện để khắc phục những khó khăn liên quan đến chức năng cơ thể. Nhận thức và sự kỳ thị phân biệt đối xử với NKT chính là rào cản khiến NKT khó tiếp cận với cơ hội được phục hồi chức năng.
Kế hoạch đề ra mục tiêu củng
cố và phát triển mạng lưới PHCN trên toàn quốc từng bước hiện đại hóa cơ sở vật
chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dịch vụ PHCN, phấn đấu đến năm 2020
đạt được các mục tiêu: 90% số trạm y tế tuyến xã có phân công cán bộ phụ trách
PHCN; 90% bệnh viện huyện có tổ chức PHCN (khoa, phòng, tổ PHCN), trong đó có
cán bộ y tế được đào tạo về chuyên ngành PHCN; 100% bệnh viện đa khoa tỉnh
thành lập khoa PHCN, 75% số tỉnh thành lập bệnh viện PHCN và trên 50% bệnh viện
chuyên khoa thành lập khoa PHCN. Tại tuyến Trung ương, Bệnh viện PHCN trung
ương phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu về PHCN, 100% khoa PHCN của các
bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế, Bộ/ngành có giường bệnh nội trú, 70% các
bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế, trực thuộc các Bộ/ngành thành lập
khoa PHCN.
PHCN dựa vào cộng đồng là hướng
đi được Bộ Y tế quan tâm đẩy mạnh; trong đó chú trọng công tác phòng ngừa khuyết
tật, phát hiện, can thiệp sớm trẻ khuyết tật. Đến năm 2020, ngành Y tế phấn đấu
sẽ đạt mục tiêu 100% các cơ sở PHCN có hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa
khuyết tật, về PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng; 100% các tỉnh, thành phố trực
thuốc trung ương triển khai và duy trì chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tại
ít nhất 40% xã/phường/thị trấn; 70% số trẻ em dưới 6 tuổi được sàng lọc phát hiện
sớm khuyết tật bẩm sinh và được can thiệp sớm; 80% NKT có nhu cầu được tiếp cận
với các dịch vụ PHCN…
Ngành cũng chú trọng công tác đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên ngành PHCN với chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ có 100% các trường đại học chuyên ngành Y, 50% các trường cao đẳng, trung cấp y tế công lập có đào tạo về PHCN và có khoa hoặc bộ môn PHCN; 100% các khoa hoặc bộ môn PHCN có nội dung đào tạo các chức danh chuyên môn: Bác sỹ chuyên khoa PHCN, Y sỹ chuyên khoa PHCN, cử nhân ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu, KTV hoạt động trị liệu, KTV dụng cụ chỉnh hình…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.