“Quả ngọt” từ sự quyết liệt, trên dưới đồng lòng
Việt Nam là điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu
Kinh tế - xã hội là một trong những điểm nhấn quan trọng nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Điển hình như Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07 ngày 1/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; Kết luận số 24 tháng 12/2021 về Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 20 tháng 10/2022 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022 và đề ra các định hướng, chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 cũng như những định hướng lớn về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành Nghị quyết, các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế.
Chính vì thế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong 6 tháng năm 2023 tuy chỉ đạt 3,72% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%...
Cùng với đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, sản xuất, đời sống của người dân, người lao động trên cả nước gặp nhiều khó khăn. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác an sinh xã hội, đảm bảo an sinh đến từng người dân. 104.000 tỷ đồng là số tiền được giải ngân để hỗ trợ an sinh cho gần 508 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động trong hơn 2 năm qua…
Đặc biệt, những dấu ấn của đối ngoại trên kênh Đảng là điểm nhấn của nửa nhiệm kỳ vừa qua. Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham gia, đóng góp tích cực tại nhiều cơ chế đa phương với sự tham gia của các chính đảng trên thế giới, trong đó có Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ; Cuộc gặp quốc tế các Đảng Cộng sản và công nhân (IMCWP) lần thứ 22 tại La Habana, Cuba; Diễn đàn Sao Paulo lần thứ 26 tại Brasilia, Brazil. Ngoài ra, Việt Nam còn là nước chủ nhà của Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới diễn ra vào tháng 11/2022.
Nhiều thành tựu đối ngoại quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới để phát triển đất nước; nổi bật là công tác chuẩn bị và tổ chức đón, tiếp thành công các chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Một loạt chuyến thăm và làm việc ở nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm sâu sắc thêm quan hệ tốt đẹp với nhiều đối tác quan trọng. Hình ảnh, tầm vóc, uy tín và vị thế Việt Nam được nâng lên tầm cao mới.
Cùng nhìn nhận những thành tựu hơn nửa nhiệm kỳ qua, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng trong nửa nhiệm kỳ đầu cả nước phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19, một kẻ thù vô hình; nhưng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đoàn kết chống dịch và đạt được một số thành tựu.
Trong đó, thứ nhất, đã ổn định được tâm lý của Nhân dân - điều này cực kỳ quan trọng. “Bởi vì trong ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như thế tâm lý hoảng loạn không tránh khỏi và chúng ta làm được điều đấy” - bà Nga nói.
Thứ hai, cả nước khống chế thành công dịch, ổn định cuộc sống người dân và đã có nỗ lực rất nhiều trong khống chế hậu quả do đại dịch để lại.
“Theo tôi, đại dịch COVID-19 là dịp “lửa thử vàng” chứng minh được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, đặc biệt trong những ngày khó khăn nhất. Sức mạnh đoàn kết rất rõ ràng và chính sức mạnh này rất khác biệt giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, để con người ta có thể nắm tay nhau, động viên nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn đấy” - bà Nga nhấn mạnh.
Cũng theo vị ĐBQH Đoàn Hải Dương, cũng hiếm có quốc gia nào như ở Việt Nam mà các đối tượng được hỗ trợ sau đại dịch Covid-19 ở diện bao phủ rất nhiều, gần như không bỏ sót bất cứ đối tượng nào. Từ những đối tượng bảo trợ xã hội, người có công cho đến công nhân, người lao động bị mất việc làm chịu ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 rồi những đối tượng ngành nghề khác nhau, doanh nghiệp lớn, nhỏ… đều có giải pháp và biện pháp hỗ trợ.
Thứ ba, trong khó khăn đã đánh giá được độ linh hoạt và nhanh nhạy của đội ngũ lãnh đạo các cấp, của Quốc hội, Chính phủ và tinh thần của người dân lại thể hiện một cách rất xuất sắc.
“Với Chính phủ và Quốc hội trong quá trình điều hành khi gặp tình huống hết sức bất ngờ và chưa từng có trong tiền lệ như thế cũng hoàn toàn không bị động mà đã có những quyết sách rất kịp thời. Quốc hội đã ban hành các quy định chưa từng có trong tiền lệ, có những Kỳ họp rất nhanh chóng để ban hành được quy định giúp ứng phó với COVID-19 và liền sau đó là những giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế, hỗ trợ từng đối tượng” - bà Nga ngấn mạnh.
Thượng tướng, Viện sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Huy Hiệu cho biết, nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng có rất nhiều dấu ấn trong chặng đường phấn đấu. Trong đó, ông Hiệu đặc biệt ấn tượng với công tác đối ngoại. Trong dịch bệnh, đối ngoại kêu gọi để cả thế giới giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề thuốc, vaccine, khắc phục COVID-19 và được rất nhiều các nước trên thế giới hỗ trợ trong lúc khó khăn nhất.
Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, công tác đối ngoại tiếp tục được mở ra, tạo thế và lực cho đất nước phát triển về mọi mặt: Kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo đảm đời sống Nhân dân. “Hơn nửa nhiệm kỳ chúng ta nhìn lại thì Việt Nam đã đạt được các mục tiêu về kinh tế, an ninh quốc phòng, ngoại giao Nhân dân và ngoại giao quốc tế; đưa vị trí Việt Nam lên tầm cao mới và được bạn bè các nước trên toàn thế giới đồng tình ủng hộ. Vị thế Việt Nam ngày càng được đề cao trên trường quốc tế; trong đó, các nước lớn đều đã đến thăm Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ vừa qua và các nước bè bạn đều đến thăm Việt Nam, coi Việt Nam là tấm gương, điểm sáng để vận dụng và phát triển theo cách của từng nước một” - ông Hiệu nêu rõ.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Nhấn mạnh về thành công của công tác đối ngoại, ĐBQH Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai khóa XV, Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV cho rằng, có thể nói ngoại giao của Đảng, Nhà nước, ngoại giao nhân dân đều phát triển mang ý nghĩa thiết thực. Vai trò vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, đóng góp tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế.
“Việt Nam là một quốc gia, một thành viên có trách nhiệm có vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong mối quan hệ quốc tế này tạo quan hệ về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và tạo rất nhiều thuận lợi cho nước ta hợp tác, phát triển trên mọi mặt. Hợp tác về mặt chính trị thể hiện sự tin cậy, nâng lên Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như Việt Nam với Mỹ. Cùng với đó, cũng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc” - ông Cường nhấn mạnh.
Một thành tựu nữa được ĐBQH Quản Minh Cường nêu rõ là trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Cường, về mặt kinh tế Việt Nam phát triển khá ổn định và bền vững. Tốc độ tăng trưởng không được từ 8 - 10% như kỳ vọng nhưng với tốc độ tăng trưởng khoảng 6%/năm trong năm 2023 thì Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đứng nhất nhì thế giới.
“Quan trọng nhất là an ninh quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân, thu nhập thực tế không bị giảm đi. Trong khi đó, từ 1/7/2024 tiếp tục cải cách tiền lương. Đặc biệt, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, chưa bao giờ chúng ta khởi công hàng loạt công trình trọng điểm, nhất là của ngành giao thông vận tải lớn như vậy...” - ông Cường nhấn mạnh.
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra đồng bộ, quyết liệt
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”; “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với quyết tâm chính trị cao, chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây.
Đặc biệt, sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, Bộ, ngành, địa phương là những nhân tố quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 5/2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can).
Từ tháng 1 đến tháng 5/2023, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so cùng kỳ năm 2022).
Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức Đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức Đảng, 26 cán bộ cấp giám đốc sở và tương đương trở lên, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, 2 sĩ quan cấp tướng.
Các vụ án lớn được điều tra nhanh chóng, truy tố và đưa ra xét xử như: Vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án liên quan Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; các vụ án, vụ việc liên quan Công ty AIC và các đơn vị liên quan…
Đánh giá về những kết quả nêu trên, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nêu rõ, Việt Nam đã làm quyết liệt và tạo nên sự thống nhất trong cơ chế của cả nước: Chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương, khắc phục được tình trạng trên nóng dưới lạnh; tạo được đồng bộ từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương, góp phần vào việc đẩy lùi hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
“Các vụ tiêu cực lớn đều đã được đưa ra xử lý theo luật pháp của Nhà nước, đó cũng là một dấu ấn của nửa nhiệm kỳ vừa qua” - ông Hiệu nhấn mạnh.
Nhấn mạnh sự quyết liệt và dũng cảm của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, bộ máy đẩy mạnh chống tham nhũng nghĩa là có sự dũng cảm nhìn thẳng vào những khiếm khuyết của mình và thẳng thắn trong việc đấu tranh thậm chí xử lý với cả hình thức cao nhất. “Đây cũng là sự hy sinh rất đau đớn nhưng cần thiết để chúng ta thanh lọc đội ngũ và xây dựng một đất nước vững mạnh hơn. Trên cơ sở thứ nhất là niềm tin của người dân và thứ hai nữa là đội ngũ lãnh đạo, cán bộ được chấn chỉnh” - bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, kết quả đạt được quan trọng hơn trong công tác này là có tác dụng giáo dục rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức đang làm nhiệm vụ. Và cũng thu hồi tài sản thất thoát về cho Nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân.
“Nhìn vào tổng thể tôi rất tin tưởng và kỳ vọng giai đoạn này, chúng ta đẩy mạnh chống tham nhũng sẽ có tác dụng răn đe rất lớn để đội ngũ cán bộ ngày càng tốt hơn. Và đội ngũ cán bộ, công chức luôn luôn tự soi, tự sửa và có định hướng tốt hơn, chiến thắng được những dục vọng, nhu cầu, ham muốn tầm thường để hoàn thành chức trách” - bà Nga nhấn mạnh.
Còn theo ĐBQH Quản Minh Cường, công tác xây dựng Đảng thời gian qua cũng đạt được nhiều thành tựu; có rất nhiều vấn đề được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành các văn bản, Nghị quyết để thực hiện.
Ví dụ như quy định về 5 bước công tác quy hoạch hoặc quy trình về lấy phiếu tín nhiệm, quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; phòng, chống tiêu cực trong công tác kiểm tra hoặc phòng, chống tham nhũng trong công tác điều tra, luân chuyển cán bộ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công tác quy hoạch cán bộ chiến lược làm rất bài bản. Điều này nhằm lựa chọn những đồng chí xứng đáng để xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược; để tìm những đồng chí Ủy viên Trung ương khóa tới thật sự xứng đáng, đảm bảo số lượng, chất lượng.
Đặc biệt, theo ĐBQH Quản Minh Cường trong công tác xây dựng Đảng điểm nhấn là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác này đã đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là “không có vùng cấm”. Cùng với đó, càng đấu tranh càng tạo điều kiện cho xã hội hoạt động chuẩn mực, đúng đắn theo đúng khuôn khổ pháp luật, tạo nền móng vững chắc cho một xã hội kỷ cương, kỷ luật. Bên cạnh đó là tạo ra xã hội văn minh để kinh tế phát triển, an ninh trật tự ổn định được giữ vững. Đây là thành tựu hết sức lớn.
Thời gian tới, với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ĐBQH Quản Minh Cường tin tưởng, đất nước sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.