Thanh Xuân-Hà Nội ban hành văn bản chỉ đạo phòng chống tham nhũng
Theo đó, UBND quận yêu cầu thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc UBND quận, Chủ tịch UBND 11 phường nghiêm túc thực hiện một số nội dung:
Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã được Thành phố ban hành về cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền giai đoạn 2021-2025; đôn đốc, rà soát các nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động của Thành phố, của quận (các chỉ số PAPI, SIPAS, PCI và PAR Index). Chú trọng việc thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện hiệu quả chủ đề công tác của Thành phố, quận. Thực hiện việc minh bạch hóa các nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quy trình thủ tục giải quyết công việc để Nhân dân giám sát, thực hiện.
Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng (PCTN). Thực hiện nghiêm Luật PCTN năm 2018 và các văn bản pháp luật về PCTN, các Nghị quyết, Chương trình, văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy về PCTN, tiêu cực, lãng phí.
Nghiêm túc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó: Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, đặc biệt trong quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức cán bộ... Thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kê khai, công khai tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác.
UBND quận Thanh Xuân
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, xuyên suốt để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ làm cơ sở thực hiện hiệu quả các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác PCTN. Nâng cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và của cán bộ, công chức.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng cơ chế tự giám sát, tự kiểm tra; tập trung thanh tra, kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây lãng phí tài sản nhà nước. Kịp thời thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.
Tiến hành thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực (đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức). Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, Thành phố về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý các đơn tố cáo có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực và tập trung giải quyết các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao hiệu quả phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, các vi phạm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ qua việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân, doanh nghiệp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp và xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân. Thực hiện biểu dương, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng theo quy định.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan Đảng, cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; thực hiện chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét xử lý đối với các hành vi, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm, đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm để nâng cao hiệu quả công tác răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.