Đảm bảo công bằng pháp luật cho các cơ quan thông tấn, báo chí
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, tham dự cùng đại diện các cơ quan thông tấn phát thanh, truyền hình nhiều tỉnh/thành trên cả nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Phát thanh - Truyền hình trong và ngoài nước.
Toàn cảnh hội thảo tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, đại diện Cục Phát thanh – Truyền Hình (Bộ thông tin và Truyền thông) đã phổ biến “Một số quy định mới về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ và phát thanh, truyền hình” tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 của Chính phủ. Đồng thời, các quy định mới về quản lý liên kết sản xuất các chương trình phát thanh - truyền hình và biên tập, phân loại nội dung theo yêu cầu (Nghị định Số 06/2016/NĐ-CP; Nghị định 71/2022/NĐ-CP) cũng được Ban tổ chức đề cập chi tiết.
Theo số liệu cập nhật từ Cục Phát thanh – Truyền hình, đến cuối năm 2022, nước ta có 22/38 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT TV; 5,5/17,3 triệu thuê bao OTT (số lượng thuê bao tăng trưởng 26,2% so với năm 2017 – 13,7 triệu thuê bao); Doanh thu OTT TV đạt 1550/9950 tỷ đồng (doanh thu thị trường tăng trưởng 27,2% so với năm 2017).
Về hiện trạng thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam, tính đến ngày 30/9/2022, có 198 kênh truyền hình trong nước, 78 kênh phát thanh, 59 kênh nước ngoài (giảm 14 kênh so với năm 2020 do rút khỏi thị trường). Kho nội dung VOD phong phú, có doanh nghiệp lên đến hàng trăm nghìn giờ hoạt động.
Đại biểu Cục Phát thanh - Truyền hình giải đáp các vấn đề liên quan xoay quanh Nghị định 71/2022/NĐ-CP.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đại diện các cơ quan thông tấn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia sản xuất các chương trình phát thanh – truyền hình đã trao đổi, thảo luận về Nghị định 06/2016/NĐ-CP và Nghị định 71/2022/NĐ-CP. Các vấn đề liên quan đến pháp lý, cơ chế hoạt động đặc thù, các biện pháp ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm nghị định được các đại biểu đặt vấn đề chi tiết với Cục Phát thanh – Truyền hình.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh về vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực Phát thanh – Truyền hình, thông qua bộ quy định song song áp dụng tùy thuộc vào thực tế bao gồm: Luật Điện ảnh, Nghị định 06/2016/NĐ-CP; Nghị định 71/2022/NĐ-CP, Luật Báo chí…
Ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Hiện nay thông điệp về quan điểm quản lý Nhà nước qua góc nhìn Bộ Thông tin – Truyền thông, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành cụ thể “Bộ nào quản lý vấn đề gì ở thế giới thực từ trước đến giờ thì tiếp tục quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng” để không bị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ”.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, các cơ quan báo chí đã có giấy phép hoạt động sẽ có các tiêu chí để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình, trên tinh thần tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.
Để có một môi trường, dịch vụ phát thanh – truyền hình lành mạnh, hữu ích và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng thì bản thân khách hàng, doanh nghiệp sản xuất phải có những giải pháp bảo vệ mình. Đối với bên cung cấp dịch vụ cần nghiên cứu thêm, phối hợp cùng các cơ quan quản lý đưa ra những cảnh báo, rà soát, ngăn chặn những nội dung không phù hợp, sai quy định trong lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu chỉ đạo.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, các quy định, thông tư hướng dẫn về Nghị định 71/2022/NĐ-CP dần được hoàn thiện nhất quán cùng các cơ quan quản lý nhà nước. Trên nền tảng pháp lý bảo vệ công bằng thông qua luật pháp cho các cơ quan thông tấn, báo chí, doanh nghiệp hợp pháp. Đồng thời, hạn chế các quy định của luật sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp trong việc duy trì và phát triển hoạt động.
“Cần giữ khán giả, giữ người dân Việt Nam ở lại với các kênh truyền thông chính thống trước sự phát triển, chuyển biến khó lường của các nền tảng không gian mạng xuyên quốc gia…”- Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.