Quảng Ninh: Hành trình thoát kén “vùng mỏ” thành ngôi sao du lịch miền Bắc
Từ vùng “vàng đen” thành trung tâm du lịch lớn của cả nước
Với sản lượng một năm đạt 40 triệu tấn than, 6,5 triệu tấn đá vôi xi măng những năm trước 2010, Quảng Ninh dường như đã đứng trên đỉnh cao của ngành kinh tế “nâu”, tức là phụ thuộc gần như toàn bộ vào khai khoáng. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, tỉnh đã sớm nhận diện về sự thoái trào sau đỉnh cao, nếu chỉ chờ vào những mỏ than lộ thiên đang dần cạn kiệt sau hàng thế kỷ, hay đầu tư tốn kém vào khai thác hầm lò. Đặc biệt, việc gắn bó lâu dài với công nghiệp nâu đã cho thấy những hậu quả nặng nề, khi môi trường nước, không khí và thậm chí cả tiếng ồn ở Quảng Ninh từng nhiều lần ở mức báo động. Thay đổi là giải pháp trước bài toán bức thiết. Cùng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, tỉnh đã chuyển hướng sang kinh tế “xanh”, tức đặt du lịch và dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, giảm dần khai khoáng.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ địa hình từ núi non, hải đảo, đồng bằng, trung du và biên giới; sở hữu 632 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, nhiều trong đó là khung cảnh đặc sắc, kỳ vĩ hiếm có bậc nhất Việt Nam như Di sản thế giới UNESCO Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long…, nhưng du lịch Quảng Ninh của hơn 10 năm trước còn nghèo nàn cơ sở vật chất, đơn điệu trong sản phẩm và nhỏ lẻ trong đầu tư các tuyến điểm du lịch. Giờ đây, sau một thập kỷ, du khách thực sự choáng ngợp trước những bước đột phá, chuyển mình mạnh mẽ của Quảng Ninh, khi tỉnh này hướng đến kinh tế xanh bền vững.
Nếu như trước năm 2010, Quảng Ninh chưa khi nào đón quá 5 triệu lượt khách thì nay con số tăng lên gần gấp 3, đạt 14 triệu lượt trong năm 2019. Đặt biệt nếu trước 2010, thời gian lưu trú trung bình của du khách tại Quảng Ninh chỉ đạt chưa đến 1,7 ngày/người thì đến năm 2019, vùng đất “vàng đen” đã níu chân họ tới 2,74 ngày/người. Năm 2019, cao điểm du lịch trước dịch Covid-19, du lịch đã đóng góp vào ngân sách nội địa toàn tỉnh 29,487 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng thu.
Du khách vui chơi tại Sun World Hạ Long.
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, du lịch Quảng Ninh có cú bứt tốc mạnh mẽ với những con số nức lòng, khi mới 8 tháng đã đón tới 8,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 17.599 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ.
Tài nguyên thiên nhiên được chắp cánh
Năm 2019, theo nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International, Hạ Long đứng thứ 48 trong top 100 thành phố đông khách nhất thế giới.
Hấp lực của thành phố này có thể được lý giải nhờ những sản phẩm, công trình phục vụ du lịch liên tục được đầu tư, mang tới những trải nghiệm mới lạ, đẳng cấp. Tiêu biểu trong đó phải kể đến Sun World Ha Long, với tuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới Guinness, phân khu công viên Rồng, công viên nước và khu đồi Mặt trời với cảnh quan ấn tượng và hàng chục trò chơi hàng đầu châu Á.
Từ trên đỉnh Ba Đèo nhìn xuống thành phố Hạ Long.
Cuối năm 2018, Hạ Long đưa vào vận hành Cảng tàu khách du lịch chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, do tập đoàn Sun Group đầu tư gồm bến du thuyền nội địa và bến cảng quốc tế. Ngay trong tháng cuối năm, lượng khách quốc tế đến Hạ Long được ghi nhận tăng đột biến, có 10 tàu quốc tế cập cảng, giúp Hạ Long đón thêm 18.000 lượt khách quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ 2017.
Cùng với đó, hàng loạt sản phẩm mới cũng ra mắt như bay thủy phi cơ từ đảo Tuần Châu, bay trực thăng ngắm vịnh Hạ Long từ trên cao và đặc biệt là Phố đêm du thuyền Hạ Long- trải nghiệm ẩm thực và khám phá Hạ Long lung linh sắc màu về đêm. Giờ đây, đến Hạ Long, du khách có thể chơi vui từ sáng tới đêm, chơi cả tuần không hết trải nghiệm.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đưa vùng địa đầu tổ quốc thành điểm nóng du lịch.
Không chỉ trung tâm du lịch Hạ Long, các địa phương khác của Quảng Ninh cũng nhanh chóng nhập đường đua. Kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua, truyền thông trong nước lần đầu gọi tên Móng Cái như một “điểm nóng” về du lịch. Sau khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được khánh thành, Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu số km đường cao tốc dài nhất cả nước. Bãi biển Trà Cổ hoang sơ, rừng dương xanh ngút ngàn hay mũi Sa Vĩ – nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Việt Nam một lần nữa được đánh thức, để 3 ngày lễ, thành phố đón lượng khách kỷ lục hơn 150.000 lượt, gấp 3 lần vịnh Hạ Long. Thậm chí, sức nóng của vùng địa đầu Tổ quốc vẫn còn được tiếp tục, khi các ngày cuối tuần 17-18/9, Móng Cái đón tới gần 20.000 lượt khách, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố luôn đạt 80-90% công suất phòng và lượng khách được dự báo vẫn tiếp tục tăng.
Khu tắm khoáng nóng chuẩn Nhật Bản Yoko Onsen Quang Hanh.
Giờ đây, khái niệm mùa du lịch thấp điểm đã không còn, khi du lịch Quảng Ninh mùa đông hiện cũng đang thành xu thế. “Đại công trường” than Cẩm Phả xưa nay lại thành điểm đến hút khách với khu nghỉ dưỡng khoáng nóng chuẩn Nhật Bản Yoko Onsen Quang Hanh.
Đầu năm 2022, theo kết quả nghiên cứu về bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch tại 15 tỉnh, thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam do Hội đồng Tư vấn du lịch TAB cùng thực hiện, Quảng Ninh đang đứng tại vị trí thứ 2, chỉ sau Đà Nẵng. Đặc biệt khi chia nhỏ các chỉ số, Quảng Ninh đứng thứ nhất về môi trường bền vững và đứng thứ 2 về sức khỏe, vệ sinh. Kết quả khiến người ta một lần nữa phải trầm trồ về một Quảng Ninh “thoát kén” vùng mỏ ô nhiễm để “hóa bướm” thành điểm đến hàng đầu về du lịch, với tính xanh bền vững.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.