Quảng Ninh: Sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống cấp độ của dịch bệnh
Đã qua 1 tháng tính đến ngày 27/7, Quảng Ninh không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Bên cạnh quyết tâm giữ vững địa bàn an toàn, quán triệt tinh thần phòng dịch theo đúng phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ, tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống cấp độ của dịch bệnh. Trong đó có tình huống 1.000 ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: Báo QN)
Theo báo cáo của Sở Y tế, nếu như trong tình huống xuất hiện 1.000 ca mắc trên địa bàn, ngành Y tế Quảng Ninh đã sẵn sàng phương án thiết lập 4 bệnh viện chuyên thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, Bệnh viện số 1 công suất 350 giường, trưng dụng toàn bộ TTYT Móng Cái, sẽ thu dung bệnh nhân các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên. Bệnh viện số 2 công suất 300 giường, trưng dụng toàn bộ Bệnh viện Phổi, thu dung bệnh nhân khu vực Hạ Long và toàn bộ các ca bệnh nặng, nguy kịch toàn tỉnh. Bệnh viện số 3 trưng dụng toàn bộ Bệnh viện Đa khoa Hạ Long công suất 250 giường, thu dung các ca mắc tại Quảng Yên, Cẩm Phả, Bình Liêu, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô; Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí chịu trách nhiệm thu dung cho khoảng 100 bệnh nhân tại Đông Triều, Uông Bí.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 cho PV Trung tâm truyền thông tỉnh (Ảnh: Báo QN)
Toàn tỉnh đẩy mạnh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm, tốc độ xét nghiệm, sử dụng hiệu quả nhất trang thiết bị, các côg nghệ, loại sinh phẩm hiện có, thực hiện các xét nghiệm gộp mẫu, đa dạng hóa các phương pháp xét nghiệm, trả sớm nhất kết quả xét nghiệm phục vụ mục tiêu sàng lọc, khoanh vùng nhanh gọn nhất trong cộng đồng. Thiết lập các khu cách ly theo khu vực với sự quản lý, theo dõi của chính quyền địa phương (cấp huyện) đảm bảo đủ năng lực thu dung, cách ly tập trung tối thiểu 50.000 người tại một thời điểm.
Trung tâm Y tế quốc tế Quảng ninh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho thuyền viên trên tàu (Ảnh: Báo QN)
Để chuẩn bị cho phương án này, tỉnh Quảng Ninh cũng đang khẩn trương củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, đặc biệt là máy thở, hệ thống ô-xy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện được phân công thu dung, điều trị ca bệnh Covid-19; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị. Thực hiện việc mua, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.
Tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Quảng Ninh phải chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh. Đối với phương án chuẩn bị cho tình huống 1.000 ca mắc trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế cần chủ động thành lập bộ khung vận hành của bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, tính toán phương án trưng dụng và có kế hoạch đào tạo nhân lực y tế ở cả khối tư nhân, Trường Cao đẳng Y tế, các đơn vị y tế ngành Than; chuẩn bị phương án tiêm vắc xin trong bối cảnh 1.000 ca mắc; dự kiến tình huống phát sinh trên 1.000 đến 1.200 ca mắc và nhiều hơn…
Ngành Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án xử lý rác thải lây nhiễm Covid-19 ngay tại chỗ. Tăng cường công tác truyền thông, thông tin, viễn thông. Các địa phương sẵn sàng kích hoạt phương án chuẩn bị 50.000 chỗ cách ly tập trung và dự trù cho 210.000 chỗ cách ly tập trung. Các sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch trong bối cảnh Quảng Ninh có 1.000 ca mắc. Sở Y tế tiếp thu ý kiến các sở, ngành tham gia, hoàn chỉnh phương án trình UBND tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 cấp tỉnh phê duyệt làm căn cứ để các ngành, các địa phương triển khai thực hiện chủ động, sẵn sàng theo nguyên tắc "4 tại chỗ".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.