Sân bay Tà Cơn - Chứng tích một thời hào hùng
Vết tích một thời máu lửa
Sân bay Tà Cơn thực chất là tên gọi chỉ một cụm cứ điểm quân sự rộng khoảng 10 nghìn mét vuông của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968. Khu vực này được quân Mỹ dùng làm nơi cất, hạ cách của các loại máy bay lên thẳng, máy bay vận tải, phản lực chiến đấu…
Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên, Sân bay Tà Cơn nằm giữa căn cứ điểm Khe Sanh với một đường băng được lát đầy những ri nhôm và ri sắt. Trong khu vực sân bay có trụ sở chỉ huy cứ điểm, đài chỉ huy sân bay, đài liên lạc cùng hệ thống công sự phòng ngự dày đặc. Bảo vệ bên ngoài là một hàng rào dây kẽm gai bùng nhùng và những bãi mìn lớn.
Hiện nay, Khu di tích còn khá đơn sơ với 5 chiếc máy bay loại C130, UH-1, CH-47.3 chiếc xe tăng còn nguyên vẹn nhưng đã hoen gỉ được trưng bày trên bãi cỏ. Những chiếc máy bay, xe tăng này chính là phương tiện mà quân đội Mỹ từng dùng tham chiến tại chiến trường Khe Sanh - Tà Cơn cách đây hơn 40 năm. Các hiện vật giúp du khách hình dung phần nào về quy mô, sự khốc liệt của chiến tranh.
Những chiếc máy bay còn lưu lại tại khu Di tích Sân bay Tà Cơn.
Tại đây còn có nhà bảo tàng về Đường 9 - Khe Sanh được trưng bày những hình ảnh, vũ khí của lính Mỹ, lính quân đội chế độ cũ và quân giải phóng. Một bia đá tạc ghi những chiến công lịch sử được dựng sau hàng chục loại bom mà quân đội Mỹ đã từng ném xuống miền tây Quảng Trị trong những năm 1965 - 1972. Tiếp đó là đài chỉ huy, đài liên lạc, công sự hầm hào,… đã được phục dựng trong khuôn viên sân bay.
Câu chuyện hào hùng
Theo lời kể của hướng dẫn viên, vào những năm 1966 - 1968, Sân bay Tà Cơn là một mắt xích quan trong trong phòng tuyến Khe Sanh của Mỹ. Cụ thể, cụm chiến lược Khe Sanh chủ yếu gồm 3 cứ điểm chính là Làng Vây, Khe Sanh và Tà Cơn được kỳ vọng là nam châm hút quân ta, có vị trí mỏ neo then chốt, bất khả xâm phạm nhằm phong tỏa biên giới Việt - Lào, cô lập miền Nam với miền Bắc. Căn cứ Khe Sanh được xác định là trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử trên. Do đó, Khe Sanh - Quảng Trị được Mỹ xây dựng một tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn, kiên cố nhất của Mỹ ở địa đầu miền Nam Việt Nam gồm các cứ điểm Làng Vây, Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn.
Với Quân đội Mỹ, Sân bay Tà Cơn như một pháo đài bất khả chiến bại. Cụm cứ điểm Tà Cơn là cái lõi của tập đoàn phòng ngự Khe Sanh của Mỹ, có chiều dài khoảng 5km, rộng khoảng 3km, có một đường băng dã chiến dài khoảng hơn 3km đảm bảo hoạt động của máy bay C-130 Hercules và một số trực thăng vũ trang. Hệ thống công sự, vật cản được xây dựng kiên cố và liên hoàn; công sự chiến đấu bằng bê tông đúc sẵn, hố chiến đấu cá nhân có nắp bằng bao cát, một số lô cốt bằng bê tông, hầm ngầm, hệ thống giao thông hào, chiến hào liên hoàn; xung quanh bao bọc từ 6 đến 10 hàng rào dây kẽm gai các loại, các bãi mìn dày đặc, xen kẽ dải "cây nhiệt đới" (thiết bị thu tin điện tử) khắp các nơi.
Thuật lại cho du khách bằng giọng đầy tự hào, hướng dẫn viên cho biết: Từ tháng 2 đến tháng 7/1968, sau 170 ngày đêm chiến đấu liên tục vô cùng anh dũng và quyết liệt, chủ lực Quân giải phóng mặt trận Khe Sanh đã giành chiến thắng oanh liệt, đập tan một ý đồ chiến lược ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường bắc Quảng Trị, buộc chúng phải chịu thất thủ Khe Sanh.
Tại đây, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch trong đó có 13.000 lính Mỹ, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn Mỹ, 1 chiến đoàn dù và 1 tiểu đoàn thuộc lực lượng đặc biệt ngụy, 39 đại đội Mỹ, ngụy, phá hủy và bắn rơi 480 máy bay các loại, phá hủy hàng trăm xe quân sự trong đó có nhiều xe tăng và xe thiết giáp, hơn 60 khẩu pháo và súng cối cỡ lớn, phá hủy hơn 50 kho xăng, đạn…, giải phóng địa bàn rộng lớn phía tây tỉnh Quảng Trị với 1 vạn dân, phá vỡ mảng tuyến phòng ngự thép ngăn chặn ở địa đầu miền nam Việt Nam.
Trước sức mạnh những cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh của QĐND Việt Nam, quân đội Mỹ không còn cách nào khác ngoài việc mở cuộc rút quân chiến thuật bằng không quân nhằm cứu hàng nghìn lính Mỹ ra khỏi nơi đây. Buộc phải bỏ và phá hủy căn cứ, quân đội Mỹ đã thất bại hoàn toàn trên chiến trường Quảng Trị.
Bảo tàng Đường 9 - Khe Sanh thuật lại trận đánh cụm cứ điểm Tà Cơn.
Nói về chiến dịch tại Đường 9 - Khe Sanh, Thiếu Tướng Lê Mã Lương kể lại: “Tháng 3/1968, chúng tôi nhận nhiệm vụ bao vây căn cứ này. Từ tháng 3-7/1968 sư đoàn 308, 324 thay nhau vào chiến đấu nơi đây. Người diệt nhiều lính Mỹ nhất là anh hùng Trần Hữu Bào, sau đó tôi. Trong hai năm 1968 - 1969 chiến đấu tại đây tôi đã tiêu diệt 53 lính Mỹ và 60 lính Cộng hòa. Cuộc chiến lúc đó cam go ác liệt tới mức sau này Tổng thống Mỹ Barack Obama khi còn đương nhiệm đã nhắc lại Khe Sanh là nỗi nhức nhối của quân đội Mỹ tại chiến trường Đông Dương”.
Được nghe những câu chuyện hào hùng về Tà Cơn qua lời kể của Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương trên đường đến đây, PV Tạp chí Hòa nhập chia sẻ: "Lần đầu tiên đến Tà Cơn, được nghe Thiếu tướng Lê mã Lương kể về lịch sử nơi đây, tôi thêm yêu và tự hào đất nước mình. Thế hệ cha ông đi trước đã hi sinh không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc, bảo toàn lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp bước truyền thống anh hùng, luôn sẵn sàng chiến đấu với tất cả sự biết ơn".
Phải nghe tận tai câu chuyện lịch sử và tận mắt ngắm nhìn những chứng tích còn sót lại nơi đây, người dân mới hiểu được tại sao khu di tích đơn sơ Sân bay Tà Cơn lại là nơi ghi dấu chiến tích oanh liệt của QĐND Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Đã có dịp đến mảnh đất Quảng Trị anh hùng ai cũng nên tới thăm Sân bay Tà Cơn, nghe kể lại những ký ức chiến tranh còn vương sót lại qua di tích lịch sử in dấu. Nghe để mường tượng một thời máu lửa đã qua, để tự hào và biết ơn thế hệ đi trước ngã xuống cho muôn vạn người đứng lên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.