Sẽ cho phép thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố
Trong đó, tại Điều 4, Luật Phí và lệ phí, danh mục và thẩm quyền quy định phí, lệ phí ban hành kèm theo Danh mục phí, lệ phí. Danh mục này ghi nhận phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quy định.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phí, lệ phí, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính-ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: ”Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Những trường hợp cá biệt cho phép việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố phải do HĐND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch và công khai sử dụng”
Theo ông Hiển, UBTV Quốc hội đã giải trình khá rõ về sự cần thiết của việc quy định phí sử dụng lòng đường, hè phố. Đúng như ý kiến ĐBQH, thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở một số đô thị còn chưa tốt, dẫn đến ách tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, nhất là việc quản lý các hộ, cá nhân kinh doanh tại lòng đường, hè phố.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo giải trình, việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu NSNN khá lớn của nhiều đô thị. Mặt khác, việc quy định thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, nếu không thu phí lòng đường hè phố sẽ thất thoát nguồn thu của NSN.
Sẽ thu phí sử dụng tạm thời lòng đường và hè phố (Ảnh: ANTĐ) |
Tại kỳ họp trước (kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII) vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đã được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận
Chẳng hạn, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cũng đề xuất, nếu nhu cầu sử dụng lòng, lề đường và vỉa hè là tất yếu đối với các đô thị lớn, cần phải có quy định cụ thể khu vực nào tuyệt đối không được buôn bán, khu vực nào được phép bố trí một số hoạt động kinh doanh nhỏ mà không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trong trường hợp cho phép sẽ thu phí thì phải quy định cụ thể mức thu là bao nhiêu và ai thu phí. Nếu làm tốt điều này sẽ rõ ràng minh bạch, tăng được nguồn thu chính thức cho địa phương đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội, lập lại trật tự khu vực vỉa hè, tạo môi trường cảnh quan đô thị.
Tuy nhiên, Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, (Đoàn ĐBQH Thừa Thiên-Huế) lại cho rằng, nếu đặt ra vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng đường lề đường và hè phố vô hình chung sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở lòng đường, lề đường và hè phố. Ở các thành phố lớn, nguồn thu này rất lớn, chưa đề cập đến những tuyến đường như Quốc lộ, tỉnh lộ bị người dân lấn chiếm lâu ngày lại phải bù một khoản ngân sách rất lớn để giải tỏa. Điều này vừa ảnh hưởng đến việc lưu thông đi lại, vừa làm mất mỹ quan.
Cũng đề cập đến những khoản phí không hoàn toàn hợp lý là phí sử dụng tạm lòng, lề đường, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, khoản phí này cũng sẽ tạo sự hiểu nhầm là cho phép sử dụng lòng, lề đường. Như vậy sẽ gây mất mỹ quan và cần có lộ trình chấm dứt.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.