"Siết" tín dụng bất động sản đang gây tranh cãi, Ngân hàng Nhà nước nói gì?
Tại Hội nghị triển khai Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN về hỗ trợ lãi suất 2%/năm với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã, Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú đã có những giải thích về vấn đề nóng hiện nay.
Cụ thể, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết thời gian gần đây, thị trường bất động sản, cũng như dòng vốn tín dụng vào thị trường này được rất nhiều chuyên gia, dư luận quan tâm. Trong đó, nhiều quan điểm cho rằng NHNN đang có chủ trương siết chặt tín dụng với lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, Phó thống đốc nhấn mạnh quan điểm của cơ quan quản lý tiền tệ từ trước đến nay là chưa bao giờ siết chặt tín dụng với bất động sản.
Ảnh minh họa
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung, thời gian tới sẽ song hành cùng với các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp.
Đồng thời, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, cơ quan quản lý có kiểm soát hoạt động cho vay bất động sản, nhưng chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại. Từ nay tới cuối năm, NHNN sẽ có đợt kiểm tra, rà soát hoạt động cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro ở nhóm nhà băng cỡ vừa và nhỏ.
Cũng tại hội nghị lần này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã ghi nhận mức cao từ đầu năm. Trong đó, tính đến ngày 20/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,66%. Nếu tính tới ngày 27/5, con số tăng trưởng đã lên tới 7,75%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tín dụng tăng trưởng tốt ở tất cả lĩnh vực, đặc biệt là những vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh trước đó, như giao thông vận tải, dịch vụ… tăng 8%; lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%...
Lãnh đạo NHNN cho biết trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng tích cực, cùng với gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm có hạn mức 40.000 tỷ đồng, tương đương có khoảng 1 triệu tỷ đồng dư nợ được đưa ra nền kinh tế, NHNN đã tính tới việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những thay đổi này hiện tại cần tính toán cụ thể để không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, theo NHNN, đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, thuộc một trong các ngành: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin.
Trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.
Thứ hai, để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.
Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo nhưng không quá ngày 31/12/2023.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.