Sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM chế tạo Robot múa rối nước
Từ niềm đam mê sáng tạo công nghệ cùng mong muốn hỗ trợ các nghệ nhân khi biểu diễn không phải tiếp xúc với môi trường nước quá lâu. Nhóm sinh viên Viện Công nghệ thông minh, Đại học Kinh tế TP.HCM đã bắt tay nghiên cứu, chế tạo Robot múa rối nước.
Sản phẩm Robot múa rối nước của nhóm sinh viên được giới thiệu tại Đại học Bách khoa TP.HCM nhân ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024.
Sinh viên Huỳnh Minh Thuận (quê Bến Tre), ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo thông tin, các nghệ nhân khi tham gia biểu diễn múa rối nước phải ngâm mình trong môi trường nước, về lâu có nguy cơ mắc phải các bệnh ngoài da, ảnh hưởng sức khỏe.
"Nhóm mong muốn Robot tự động hóa có thể hỗ trợ các nghệ nhân, khi ứng dụng vào thực tế sẽ góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này..." - Minh Thuận bày tỏ.
Minh Thuận bên hệ thống vận hành Robot tại nhà xưởng lắp ráp (Quận 8, TP.HCM).
Bắt đầu từ tháng 1/2024, sau 3 tháng thực hiện, sản phẩm Robot múa rối nước của các sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM đã hoàn thiện. Sản phẩm có trọng lượng khoảng 15kg, vận hành trong bể chứa có đường kính 1,5m và có thể chứa gần 5m3 nước, có thể hoạt động trong thời gian dài và nhiều lần.
Robot được vận hành theo 3 cơ cấu gồm: thanh truyền con lắc, thanh truyền dây đai, thanh truyền con quay. Ngoài khung sườn inox, phần còn lại là các con rối, nhóm chế tạo bằng nhựa và gỗ. Khác với việc điều khiển bằng tay như các nghệ nhận hay làm, sản phẩm của nhóm được điều khiển bằng remote hay wifi.
Tùy thuộc vào kịch bản, các sinh viên sẽ chế tạo các con rối, lựa chọn âm thanh sao cho phù hợp với nội dung biểu diễn.
Đào Minh Duyên, sinh viên ngành chuyên ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo tại ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Em và Thuận cùng một số bạn trong nhóm đều là sinh viên năm thứ nhất nên quá trình chế tạo Robot gặp nhiều khó khăn... Với phát triển Robot để ứng dụng rộng rãi trong thực tế, nhóm đã nỗ lực để có được sản phẩm tự động như ngày hôm nay”.
Sau mỗi lần Robot hoạt động, Minh Duyên sẽ cẩn thận kiểm tra lại hệ thống bo mạch, đường điện.
Theo Minh Duyên thông tin, ưu điểm của Robot sẽ giúp con người không phải tiếp xúc với nước quá nhiều trong quá trình biểu diễn loại hình nghệ thuật múa rối nước. Nhược điểm của sản phẩm là trong lúc điều khiển các thanh chuyền có những điểm chết thời gian và làm cho Robot bị chập chờn vài giây. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển con Robot để sản phẩm phục vụ, ứng dụng vào thực tế nhiều hơn.
Đều là sinh viên năm nhất nhưng Minh Duyên và Minh Thuận vẫn ngày ngày miệt mài với những sản phẩm chế tạo của nhóm.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định: "Việc ứng dụng Robot múa rối nước vào tự động hóa là cần thiết. Bên cạnh những ưu điểm hiện hữu, vấn đề khó của các sinh viên là làm như thế nào để người xem cảm nhận được cái hồn của nghệ thuật múa rối, sự tương tác của môi trường xung quanh".
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ nhà trường đã và đang hỗ trợ kinh phí để các sinh viên an tâm nghiên cứu, chế tạo các Robot tự động hóa để sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong thực tế đời sống.
“Robot của các bạn sinh viên chế tạo mới ở quy mô tự động hóa tương đối nhỏ, cần thời gian và nghiên cứu sâu hơn vào các hệ thống robot lớn, phức tạp và nhiều công nghệ. Về lâu dài, các sản phẩm robot do các bạn sinh viên tạo ra, hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế và có khả năng thương mại hóa” - PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ thêm.
Để đảm bảo cho khả năng hoạt động lâu dài và nhiều lần, ngoài những khung inox, con rối thì động cơ và mạch điện của robot được lắp đặt phía trên mặt nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.