Sinh viên được chẩn đoán sống không quá 2 tuổi vừa tốt nghiệp thủ khoa đại học hàng đầu châu Á
Mới chào đời, Jonathan Tiong được chẩn đoán mắc chứng teo cơ tủy sống loại 2 - bệnh di truyền hiếm gặp khiến cơ trở nên yếu đi và co lại. Bác sĩ thông báo với bố mẹ Jonathan rằng con trai họ sẽ không sống quá 2 tuổi.
Nhưng đến tháng 10/2021, cùng ngày với sinh nhật tuổi 24, Jonathan trở thành thủ khoa đầu ra khóa 2021 của ĐH Quốc gia Singapore (NUS) - ngôi trường hàng đầu châu Á - với tấm bằng hạng ưu.
Jonathan Tiong cũng được nhận vào làm tại quỹ đầu tư GIC - một trong hai quỹ nổi tiếng nhất của Singapore.
Jonathan Tiong là thủ khoa khóa tốt nghiệp 2021 của ĐH Quốc gia Singapore. Ảnh: CNA.
Chưa từng nghĩ sẽ trở thành thủ khoa
Chia sẻ với CNA, Jonathan Tiong tâm sự chưa từng nghĩ sẽ tốt nghiệp ngành Truyền thông với danh hiệu thủ khoa. Anh thừa nhận bản thân luôn bất ngờ trước những điều tốt đẹp đến với mình.
Jonathan tự nhận trong suốt thời đại học, anh chỉ là “một sinh viên rất giản dị và bình thường”. Lúc rảnh rỗi, thủ khoa 24 tuổi thích chơi game hoặc xem livestream trên Twitch. Anh thường xuyên viết bài bình luận hoặc blog.
“Tôi chưa từng nghĩ mình trở thành thủ khoa. Lý do đơn giản, tôi không phải thủ khoa như mọi người vẫn nghĩ. Tôi không dẫn đầu ngoại khóa, không giữ chức đội trưởng ở môn thể thao nào hay bất cứ điều gì tương tự. Tôi học hành chăm chỉ, đạt điểm cao nhưng rất nhiều người khác cũng vậy. Tôi thấy mình không nổi bật”, Jonathan tâm sự.
Những năm qua, Jonathan Tiong gặp phải nhiều thử thách khi cố gắng tiếp cận giáo dục trong thế giới phần lớn được xây dựng cho người khỏe mạnh.
Jonathan gọi NUS cũng là “đại học quốc gia bậc thang" khi ngôi trường được xây dựng trên địa hình đồi núi. Thêm vào đó, anh còn theo học khoa Khoa học Nghệ thuật và Xã hội tại một trong những tòa nhà lâu đời nhất trong trường.
Sinh viên có thể lực tốt có thể đi đường tắt, rảo bước trên con dốc đầy cỏ. Song Jonathan không thể. Anh đành di chuyển qua mê cung hành lang, thang máy, lối đi bộ đến các phòng học.
Để con trai có thể theo đuổi tấm bằng cử nhân, cha của anh đảm nhận vai trò chăm sóc toàn thời gian, đưa con trai cùng xe lăn lên xuống ôtô, cùng con đến lớp mỗi ngày.
Đã hạn chế về mặt di chuyển, Jonathan còn phải chọn những lớp học không kéo dài quá lâu vì cơ thể không chịu nổi. Chứng teo cơ tủy sống loại 2 khiến anh đau nhức khi ngồi lâu trên xe lăn và việc giữ thăng bằng hay quay đầu đều trở nên khó khăn.
Cũng may, Jonathan Tiong còn sự lựa chọn khác. Anh học trực tuyến 3 năm trước khi đại dịch xảy ra. Với phương thức này, Jonathan đỡ phải di chuyển, sống độc lập hơn, không cần người hỗ trợ nhiều. Về phần hiệu quả, thủ khoa NUS cho rằng tùy thuộc vào ý chí và khả năng đưa ra quyết định.
Jonathan thực tập tại GIC năm 2019. Ảnh: Jonathan Tiong.
Công việc đến như mơ
Năm 2019, Jonathan Tiong thực tập tại GIC và từng coi việc trở thành nhân viên chính thức là “giấc mơ viển vông”.
“Tôi nhận thức rõ tình trạng tàn khốc đối với lao động là người tàn tật ở Singapore. Thực tế, hầu hết người khuyết tật ở đây đều thất nghiệp hoặc mất hàng tháng, thậm chí hàng năm, để tìm việc”, Jonathan chia sẻ.
Vì thế, khi nhận lời mời trở thành nhân viên chính thức ở thời điểm còn 18 tháng nữa mới tốt nghiệp, chàng trai trẻ ngạc nhiên nhưng cũng rất nhẹ nhõm khi ước mơ tưởng chừng ngoài tầm với đó lại thành sự thực.
Bà Mah Lay Choon, sếp đầu tiên của Jonathan tại GIC, cho biết cậu nhân viên trẻ gây ấn tượng cho bà bởi tư duy nhanh nhạy, khả năng viết lách rõ ràng và kết quả học tập xuất sắc. Jonathan cũng cho thấy tinh thần “tôi có thể” mạnh mẽ cùng các sáng kiến đặc sắc.
Điều quan trọng là trong suốt thời gian Jonathan thực tập, bà Mah thấy được thế mạnh của việc có nhân viên chuyên về mảng biên tập nội dung.
“Chúng tôi thừa nhận ở một số công việc, Jonathan có thể làm kém hơn nhưng ai cũng vậy thôi, luôn có điểm mạnh, điểm yếu”, bà Mah, Phó giám đốc Truyền thông GIC, nói.
Jonathan Tiong nhận lời mời làm việc vì đồng nghiệp đối xử tốt với anh, không phải theo kiểu cố gắng tử tế, làm giúp mọi việc và nói năng e dè với người khuyết tật thường thấy.
Jonathan bắt đầu làm việc từ xa khi các đồng nghiệp khác cũng vậy. Điều đó khiến anh không thấy lạc lõng. Dù vậy, thủ khoa NUS đã chuẩn bị tâm lý cho thời điểm mọi thứ trở lại bình thường, những người khác lại đến công sở trong khi anh sẽ đứng trước quyết định đi làm hay ở nhà, tức đánh đổi sự thoải mái thể chất hay khát vọng hòa nhập tập thể.
Chàng trai trẻ chia sẻ anh không ảo tưởng về sức khỏe bản thân và hiểu mình có thể chết bất cứ lúc nào. Vì thế, anh sống từng ngày một.
Jonathan Tiong cũng cố gắng để thay đổi cách xã hội định nghĩa sự thành công đối với người khuyết tật.
Trên LinkedIn, bài đăng mới nhất của Jonathan về việc tốt nghiệp NUS nhận hơn 7.500 lượt thích, 400 bình luận.
“Tôi nghĩ mọi người chú ý đến các bài mình đăng hay bài báo viết về bản thân vì tôi có những biểu hiện của sự thành công theo suy nghĩ truyền thống - bằng cấp tốt, công việc tử tế, công ty danh tiếng… dù tôi khuyết tật”, Jonathan tâm sự.
Anh vẫn hy vọng xã hội điều chỉnh khái niệm thành công với những người thiếu may mắn vì sống chung với sự tàn khuyết trên thân thể thực sự khó khăn. Mỗi ngày, những người khuyết tật vẫn cố gắng bất chấp họ bị đối xử thiếu công bằng, không được bảo vệ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.